Chuyện gom rác ở Cù Lao Xanh
9:57', 15/9/ 2007 (GMT+7)

Thu gom rác ở đảo. Ảnh: Tuệ Thư

Tầm 4 giờ chiều, chị Lê Thị Nà và Nguyễn Thị Thương lại lóc cóc đẩy xe đi dọc các con đường thôn Trung (xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn) để thu gom rác thải. Hiện tại, họ là 2 trong 7 “biên chế” của Đội thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày trên đảo.

Đội thu gom rác được thành lập từ tháng 2.2007 gồm 7 “biên chế” (6 công nhân trực tiếp thu gom rác ở 3 thôn và 1 người phụ trách chung), chịu sự quản lý của UBND xã. Về công việc thu gom rác hàng ngày, chị Nà cho biết: “Thời gian làm việc mỗi ngày trung bình 1 tiếng rưỡi tính từ lúc đẩy xe đi gom rác tại các điểm tập kết trong khu dân cư đến lúc chuyển rác lên hầm chứa phía sau núi. Thời gian đầu, bà con chưa ý thức trong việc tập kết rác nên công việc của những người thu gom hơi vất vả. Nay thì mọi việc đã đi vào nề nếp”.

Nhơn Châu là xã hải đảo có diện tích tự nhiên 3,5 km2, núi rừng chiếm 3/4 diện tích, 1/4 đất bằng là nơi dân cư sinh sống. Toàn xã có 491 hộ, khoảng 2.300 nhân khẩu. Mật độ dân cư đông đúc, nên việc phóng uế, đổ rác gây ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi. Trước đây, rác được vứt lung tung dưới chân núi. Rác dập dềnh theo từng con sóng biển… Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp vận động nhân dân, thuê người dọn vệ sinh hàng tháng, ngày lễ, Tết… nhưng chỉ mang lại hiệu quả trước mắt. Về lâu dài, nếu không thay đổi tập quán, thói quen sinh hoạt của mình, người dân trên đảo vẫn phải “sống chung” với rác.

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường, cuối năm 2006, Đảng ủy xã lên chương trình hành động “Thu gom rác và bảo vệ môi trường toàn xã từ nay đến năm 2010”. Qua đó, UBND xã lập phương án thực hiện. Nói về quá trình tổ chức thực hiện dự án thu gom rác thải, ông Đặng Văn Khánh- Phó chủ tịch UBND xã kể với giọng hồ hởi: “Xã họp xin chủ trương 4 Thường trực, trình HĐND xem xét quyết định. Sau đó tổ chức họp các ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, họp nhân dân (thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri) để xin ý kiến. Cái “khó” của dự án là xã không đủ ngân sách để bao trọn gói nên phải vận động nhân dân đóng góp theo hình thức thu phí. Chủ trương thực hiện thì “gãi” đúng vào chỗ bức xúc của bà con nhưng còn thu phí lại là một vấn đề khác. Trước khi đưa ra lấy ý kiến, xã cũng lường hết những khó khăn của mình. Nhưng thật bất ngờ, bà con hoàn toàn ủng hộ chủ trương của xã! Một khi người dân đã đồng tình ủng hộ thì làm gì cũng dễ”.

Theo phương án, mức thu phí vệ sinh đối với mỗi hộ dân là 5 ngàn đồng/tháng. Tiền lương trả cho công nhân thu gom rác hàng ngày là 400 ngàn đồng/người/tháng và 450 ngàn đồng/tháng cho người chịu trách nhiệm quản lý chung. Tính ra, thu không đủ bù chi. Hàng tháng, xã trích từ ngân sách khoảng 600 ngàn để “bù” vào khoản thiếu. Đấy là chưa kể khoản kinh phí đầu tư mua sắm xe, dụng cụ thu gom rác và tiền mua dầu để tiêu hủy rác hàng tháng. “Ngân sách của xã tuy eo hẹp nhưng chúng tôi vẫn mạnh tay làm vì được nhân dân đồng tình ủng hộ và điều quan trọng là vì một môi trường xanh- sạch trên đảo. Song song với việc thực hiện thu gom rác thải hàng ngày, chính quyền xã còn vận động bà con thực hiện nếp sống vệ sinh, không phóng uế, xả rác bừa bãi; đồng thời có biện pháp xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm”- ông Khánh cho biết thêm.

Dự án thu gom rác thải sinh hoạt được thực hiện từ đầu tháng 2.2007, đến nay qua 6 tháng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Những con đường nối liền thôn- xóm trên đảo đều sạch sẽ, tinh tươm. Vệ sinh môi trường được cải thiện.Và điều quan trọng là ý thức của người dân về việc giữ gìn môi trường sống của mình được nâng cao. Nhơn Châu đã và đang giữ cho mình một không gian Xanh(*) vốn có.

  • Tuệ Thư

(*) Nhơn Châu còn có tên gọi Cù Lao Xanh.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báo Thanh Niên trao gần 30 triệu đồng giúp đỡ bà Nguyễn Thị Thu  (15/09/2007)
“Thành tích của tôi còn rất khiêm tốn...”  (15/09/2007)
Triển khai hệ thống HMIS tại BVĐK Khu vực Phú Phong  (15/09/2007)
Cần tuyển 20.000 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh  (15/09/2007)
Thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy  (15/09/2007)
Nâng lên một tầm cao mới  (14/09/2007)
Trao tặng 3 nhà tình thương  (14/09/2007)
UBND tỉnh tiếp và làm việc với Tổ chức phi Chính phủ VSO  (14/09/2007)
Vấn đề đáng quan tâm  (13/09/2007)
Bác Hồ tự rèn luyện  (13/09/2007)
Khai giảng các lớp văn hóa chuyên biệt  (13/09/2007)
Hội thảo “Bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh”  (13/09/2007)
Đại học Quang Trung mở thêm 2 ngành học mới  (13/09/2007)
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Champasak thăm và làm việc tại Bình Định  (13/09/2007)
595 sinh viên trúng tuyển NV2 vào Trường Đại học Quy Nhơn  (12/09/2007)