Bánh trung thu là “một phần tất yếu” của Tết Trung thu. Điều ấy bây giờ ai dù không thích cũng phải chấp nhận. Và, như một thói quen, một thông lệ, nhà nào cũng mua ít hay nhiều chiếc bánh trung thu-tùy túi tiền và nhu cầu của mình-cho trẻ con và cả…người lớn trong đêm trăng rằm tròn nhất trong năm này.
Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, nhu cầu mua bánh trung thu “xịn” để biếu hay thậm chí để “bọc lót” cho những món quà biếu “trên mức tình cảm” lại tăng nhanh hơn cả…chỉ số chứng khoán. Và thế là xuất hiện trên thị trường bánh trung thu những hộp bánh có giá…kinh hoàng: vài ba triệu đồng/hộp. Những chiếc bánh nướng nhân bào ngư vi cá sâm nhung bổ thận hoàn gì gì đó đã được bán với giá chóng mặt nhưng vẫn có nhiều người mua. Mua để biếu. Và cả mua để “chứng tỏ đẳng cấp”. Thôi thì đủ lý do để rước những hộp bánh “hoành tráng” này về nhà. Chỉ dăm hộp bánh “quí-sờ-tộc” như thế này là đủ đổi một ngôi nhà tình nghĩa cho người nghèo, nghĩ mà xót, dù cũng không dám nói là xót cái gì. Bỏ qua giá những loại bánh “thượng lưu” như thế, thì những loại bánh “trung lưu” dường như cũng không dành cho người nghèo, thậm chí dành cho những gia đình cán bộ làm công ăn lương. Vì chúng vẫn đắt, vượt quá khả năng chi tiêu của rất nhiều gia đình. Nếu mỗi chiếc bánh trung thu bình thường nhất cũng có giá 25-30 nghìn đồng-bằng tiền lương 1 ngày của công nhân, bằng vài ba ngày công của nông dân nghèo, bằng tiền học phí hàng tháng của trẻ con-thì vị ngọt thơm của nó sẽ thành vị đắng của người nghèo.
Đã thế, người nghèo khi “có việc” phải mua những chiếc bánh trung thu như thế lại thường gặp phải…bánh giả. Có thể vì thiếu kinh nghiệm chọn hàng, vì ít khi có dịp tiếp xúc với những loại mặt hàng “đặc biệt” kiểu này, nên người mua rất dễ bị lừa. Vừa rồi, Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã phát hiện ra hàng nghìn chiếc bánh trung thu…giả được bày bán lẫn lộn cùng bánh thật, mang những nhãn hiệu lớn như Đồng Khánh…Với loại bánh giả này, người sản xuất biết, người bán biết, chỉ có người mua là không biết. Đúng là “tiền mất tật mang” ! Ăn những loại bánh giả này thì tác hại cho sức khỏe là khôn lường, mà tác hại cho “ngân sách gia đình” cũng không hề nhỏ.
Tôi vẫn nhớ, ngày tôi còn nhỏ, mỗi dịp Trung thu về đám trẻ chúng tôi thường được “phá cỗ” với những tấm bánh chiếc kẹo đơn sơ, rất rẻ tiền, với những “con cún” làm bằng múi bưởi thật đẹp, với mặt nạ ông Địa bằng giấy bồi…Nhưng làm sao những đêm Trung thu như thế cứ còn mãi trong ký ức. Thực ra, với trẻ con, không hẳn quà đắt tiền mới là quà quí, mới được xuýt xoa thích thú. Chính những suy nghĩ “lệch pha”của người lớn đã dẫn tới cái thị trường bánh trung thu ngồn ngộn mà bát nháo như bây giờ. Đã đắt còn..giả. Thật hết biết!
|