Hàng chục ngàn công nhân làm việc cho các doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất đá ở Bình Định đang có chung nỗi lo bệnh nghề nghiệp. Họ thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, tiếng ồn… trong khi công tác bảo hộ lao động lại quá sơ sài...
|
Công nhân gỗ thường xuyên làm việc trong môi trường bị ô nhiễm bụi, ồn... rất dễ mắc bệnh nghề nghiệp. Ảnh: N.Phúc |
* Vừa làm, vừa lo...…
Qua những đợt kiểm tra định kỳ của các cơ quan chức năng, thì hầu hết các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ và đá xây dựng các loại vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc trang bị an toàn lao động, bảo hộ lao động, nên công nhân làm việc trong môi trường này, sức khỏe bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.
Chị Trần Thị Nhâm (Phước Sơn, Tuy Phước) công nhân Công ty TNHH B.P (KCN Phú Tài, TP Quy Nhơn), kể: “Tụi tui làm công nhân gỗ, cả ngày phải làm việc trong một môi trường bụi mù mịt, nhiều khi hít phải bụi về nhà nhức ran cả đầu, có đứa bị viêm xoang chữa không hết. Nếu nghỉ việc thì không có tiền. Thôi cứ làm để có tiền mà trang trải cuộc sống, chừng nào ngã bệnh mới hay…”.
Công nhân gỗ thì vậy, còn công nhân làm đá thì nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe cao hơn, vì họ thường xuyên hít phải bụi đá. Thông thường, một công nhân làm việc thường xuyên và tiếp xúc với bụi đá trong vòng 5 năm thì đều mắc bệnh bụi phổi silic.
Anh Minh, công nhân của một doanh nghiệp sản xuất đá ở KCN Phú Tài (TP Quy Nhơn), cho biết: “Anh em công nhân ai cũng biết sự độc hại của bụi đá nên cũng đã trang bị khẩu trang, nhưng do các khẩu trang của doanh nghiệp cấp không đúng chuẩn nên cũng chỉ hạn chế phần nào thôi. Vì vậy mà chúng tôi vừa làm vừa lo…”.
Hàng năm cũng có một số doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, nhưng việc làm này chỉ cho có lệ, việc khám để phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân hầu như không có doanh nghiệp nào quan tâm đến. Bởi khi phát hiện công nhân bị bệnh nghề nghiệp thì doanh nghiệp sợ tốn kém chi phí điều trị. Còn về phía công nhân do không được doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT nên sợ đi khám bệnh tốn tiền, nên chỉ khi nào thấy bệnh nặng mới đi khám và điều trị.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định, hiện nay nước ta đã có 25 bệnh nghề nghiệp trong danh mục bảo hiểm xã hội. Tại Bình Định, một số bệnh nghề nghiệp có tỉ lệ mắc cao đó là: bệnh bụi phổi silic, điếc nghề nghiệp, nhiễm xạ nghề nghiệp, bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp… Qua các đợt kiểm tra và khám bệnh nghề nghiệp cho các công nhân trên địa bàn tỉnh đã phát hiện được 241 trường hợp bị bụi phổi silic và 9 trường hợp bị viêm phế quản mạn tính. Nguy cơ, bệnh nghề nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian đến, nếu như công tác an toàn lao động, bảo hộ lao động không được quan tâm đúng mức.
|
Những người làm nghề khai thác đá xây dựng có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic khá cao. Ảnh: Văn Lưu |
* Biện pháp phòng chống
Theo định nghĩa mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động. Bệnh diễn tiến âm thầm, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì, nhưng nếu không được phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ nặng dần, không hồi phục và có thể gây tàn phế hoặc tử vong. |
Theo thạc sĩ Trình Công Tuấn, Trưởng phòng Y tế-Lao động (Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định), biện pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp tốt nhất là người lao động phải tuân thủ các nội quy, quy định về an toàn vệ sinh trong lao động, thao tác vận hành máy móc, nguyên tắc sử dụng đúng cách các loại trang thiết bị bảo vệ cá nhân như kính, mũ, găng tay, khẩu trang, nút tai chống ồn… Thường xuyên rèn luyện cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau giờ lao động, tích cực tham gia cải tiến kỹ thuật, cải tiến thao tác để vừa tăng năng suất lao động, vừa giảm được nguy cơ đối với sức khỏe người lao động tại nơi làm việc có nhiều yếu tố độc hại.
Đối với người sử dụng lao động, hàng năm có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động để kịp thời điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng, cách ly có hiệu quả nhằm tái tạo sức lao động và bảo vệ sức khỏe cho công nhân, góp phần nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp của mình và thực hiện đúng những quy định của Bộ luật Lao động.
Việc hạn chế và đẩy lùi bệnh nghề nghiệp trong công nhân lao động hiện nay đang là vấn đề cấp bách của các cấp các ngành. Do đó, trước hết phải làm tốt công tác dự phòng và có sự phối hợp 3 bên: Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó trách nhiệm của người sử dụng lao động đóng vai trò quyết định để khắc phục một phần tình trạng môi trường lao động bị ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động tại doanh nghiệp mình.
|