Một buổi chiều, tôi nhận được điện thoại của người bạn thân: tháng 12 này, sẽ làm đám cưới và “làm dâu” bên gia đình nhà chồng. Nấu nướng không ra sao thì thật là ê mặt… Đi học nữ công gia chánh (NCGC) với mình nhé? Lời đề nghị nghe có vẻ hấp dẫn, tôi “ừ” cái rụp.
|
Giờ thực hành của một lớp học NCGC tại Trung tâm dạy nghề (Hội LHPN tỉnh).
|
* Người nội trợ đảm đang
Chúng tôi tìm đến lớp NCGC tại Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh và thực sự ngạc nhiên khi thấy có khá đông bạn bè cùng trang lứa và cả các chị U40, U50 cũng tham gia học. Giờ thực hành làm món “gỏi hải sản”. Các học viên vây quanh cô giáo trẻ, vừa nghe dạy cách làm, vừa ghi chép vào sổ tay, nhiều chị, miệng vẫn không ngừng… hỏi: nêm bao nhiêu mắm, bao nhiêu đường? Làm sao luộc tôm, mực vẫn giữ nguyên vị ngọt?…
Mùi thơm của tôm, mực, chanh tươi và rau quế bay khắp cả phòng khiến học viên ai cũng chảy nước “miếng”. Thấy cô bạn tôi cứ xuýt xoa, trầm trồ, từ trước đến giờ chưa khi nào làm một món gỏi công phu, nhiều thành phần như thế, một chị cỡ U50 quay sang bạn tôi giảng giải: ‘‘Em không biết đấy thôi, nấu ăn là cả một nghệ thuật đấy!”.
Phụ nữ đến các lớp NCGC ngày càng đông, theo 2 xu hướng chính: học để làm nghề và học để trở thành người nội trợ đảm đang. Một số chị học NCGC như một cách để thư giãn, giao lưu với chị em cùng lứa. Thường mỗi khóa học (khoảng 3 tháng), học viên sẽ được hướng dẫn các quy tắc chế biến món ăn, cắm hoa, tỉa củ và thực hành khoảng 60 món ăn, gồm các món thường ngày và món tiệc với khẩu vị Á, Âu phong phú.
Chị Trần Thị Lý, 22 tuổi, ở KV8 - phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), học viên của lớp NCGC tại Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh tâm sự: “Tuy hiện giờ tôi nấu ăn vẫn chưa ngon lắm, nhưng so với trước, đã tiến bộ hẳn”. Còn chị Trần Thị Lệ Chi, 50 tuổi, nhà ở 281 Lạc Long Quân (TP Quy Nhơn) thì cười vui vẻ: “Thấy tôi đi học nấu ăn, “ông xã” ủng hộ hết mình. Ai chẳng muốn vợ mình nấu được những món ăn thật ngon để phục vụ chồng, con”.
Ngoài Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh, Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn, Trung tâm GDTX- hướng nghiệp Bình Định, một số tiệm bánh… cũng có dạy nấu ăn, làm bánh trái cho phụ nữ có nhu cầu. Tại các trung tâm, trường dạy nghề, mức học phí của một khóa học nấu ăn khoảng 540.000 đồng/người/khóa (3 tháng). Tại lớp, học viên được học tất cả các “món” NCGC như: nấu ăn, cắm hoa, làm bánh, tỉa rau củ… Một số tiệm bánh như Tinh Hoa (đường Trần Cao Vân), Hồng Ân (đường Võ Lai) chỉ dạy làm bánh nên số học viên ít hơn. Tại đây, nếu học viên đến học để… hành nghề được thì phải trả học phí khoảng 2 triệu đồng/khóa; còn những ai muốn “nâng cấp” khả năng “gia chánh” của mình thì chỉ phải trả học phí khoảng 500 ngàn đồng/ người/khóa học.
* Phụ nữ “@”... học nấu ăn
Hiện nay, chỉ cần phóng xe ra phố là bạn có thể mang về nhà đủ các loại món ăn nấu sẵn cho cả gia đình. Thế nhưng, nhiều người nhận thấy, món ăn đường phố chỉ có thể dùng “tạm’’ chứ không thể thay thế được bữa cơm gia đình do chính người thân, đặc biệt là người vợ, người mẹ đảm trách. Không chỉ vì nguyên liệu nấu ăn ở nhà ngon hơn, chất lượng, sạch sẽ hơn, mà từng thành viên trong gia đình sẽ cảm nhận được sự ấm áp, hạnh phúc từ những bàn tay chăm sóc và tình cảm của người phụ nữ đối với gia đình được dồn vào các món ăn.
Ý thức được điều đó nên số phụ nữ tìm đến các lớp NCGC ngày càng đông. Chị Nguyễn Thị Hoàng, giáo viên bộ môn nấu ăn của Trung tâm GDTX- hướng nghiệp Bình Định bộc bạch: ‘‘Là phụ nữ, không gì hạnh phúc hơn là tự tay mình nấu những món ăn cho chồng con và được nhìn thấy chồng con ăn ngon miệng. Đó cũng là một trong những cách đơn giản, thiết thực nhất để giữ mái ấm hạnh phúc gia đình’’.
Từ những bữa cơm đầm ấm, vợ chồng con cái trò chuyện gần gũi bên nhau, các thành viên sẽ tự tin, vững vàng hơn trong cuộc sống. Chị Chi kể: “Từ ngày đi học nấu ăn, tôi đã có thể nấu được những món hợp khẩu vị của chồng con. Nhờ đó, không khí gia đình tôi ngày càng đầm ấm, vui vẻ. Những lúc rảnh rỗi, tôi còn tham khảo sách, báo dạy nấu ăn, xem các chương trình phụ nữ trên ti vi… để học hỏi thêm những món ngon, lạ và nấu cho chồng, con cùng nếm thử”.
Ngày nay, đa số phụ nữ đang phải nặng gánh công việc xã hội nên họ có ít thời gian để đầu tư cho NCGC. Tuy nhiên, để vun vén hạnh phúc, những bữa ăn gia đình và những “món ngon” ngày chủ nhật, ngày nghỉ dưới bàn tay đảm đang của vợ, của mẹ là không thể thiếu. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm’’ là vì vậy.
|