QUẢN LÝ THUÊ BAO ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG TRẢ TRƯỚC:
Các nhà cung cấp dịch vụ đang… nhìn nhau
10:0', 25/9/ 2007 (GMT+7)

Bộ Thông tin - Truyền thông vừa ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTT quy định về việc quản lý thuê bao di động (TBDĐ) trả trước sau một thời gian dài thả nổi. Tuy nhiên, do lượng TBDĐ trả trước đã nằm ngoài vòng quản lý khá lớn, với nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

* Cần phải quản lý

Lợi dụng sự không quản lý, thời gian qua nhiều đối tượng xấu đã dùng TBDĐ trả trước nhắn tin khủng bố, đe dọa hoặc gọi điện thoại phá rối, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và cuộc sống riêng tư của một số cá nhân. Không những thế, các đối tượng xấu còn sử dụng hình thức thuê bao này để làm những chuyện phi pháp nhằm trốn tránh sự theo dõi của các cơ quan bảo vệ pháp luật... Trước thực trạng này, Bộ Thông tin - Truyền thông đã ra Quyết định quản lý TBDĐ trả trước, nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông. Theo quyết định, từ ngày 20.9.2007 bắt đầu quản lý TBDĐ trả trước. Sau 24 tháng, những TBDĐ trả trước không đăng ký thông tin cá nhân sẽ bị nhà cung cấp dịch vụ đơn phương chấm dứt hợp đồng.

 

Khách hàng mua Sim hòa mạng di động trả trước tại cửa hàng Viettel Quy Nhơn.

 

Phần lớn khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động trên địa bàn tỉnh đều đồng tình với chủ trương của nhà nước. Để đảm bảo an ninh thông tin cũng như bảo vệ quyền lợi khách hàng, thì việc “trói” các TBDĐ trả trước là cần thiết. Không những quản lý, các cơ quan chức năng cũng phải có chế tài thật nặng đối với các hành vi quấy rối qua điện thoại thì mới hy vọng hạn chế những cuộc điện thoại có mục đích quấy rối.

Theo ông Hà Văn Quế- Giám đốc Chi nhánh Viettel Bình Định, việc thực hiện quản lý TBDĐ trả trước chắc chắn sẽ làm tăng chi phí. Tuy nhiên, đây là một việc làm cần thiết, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và quyền lợi của người tiêu dùng. “Chúng tôi chỉ mong rằng, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, để các mạng viễn thông triển khai công tác quản lý một cách đồng bộ, nhằm đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh” - ông Quế bày tỏ. Còn ông Ngô Đông Hải, Phó giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông tỉnh, nói rõ: “Chủ trương này đã có từ lâu, được đưa ra góp ý nhiều lần, nên khi ban hành được đại bộ phận người dân và các nhà cung cấp dịch vụ đồng tình. Đến nay, chúng tôi chưa thấy có ý kiến nào phản đối việc quản lý TBDĐ trả trước”.

* Các nhà cung cấp đang...… nhìn nhau

Các thông tin TBDĐ trả trước phải đăng ký:

Thuê bao là cá nhân người Việt Nam: số máy thuê bao, họ tên, ngày tháng năm sinh và số chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu đang còn thời hạn). Thuê bao là người nước ngoài: số máy thuê bao, họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch của chủ thuê bao, và số hộ chiếu. Đối với chủ thuê bao là đại diện cho cơ quan, tổ chức: số máy thuê bao; tên gọi, địa chỉ giao dịch của cơ quan, tổ chức (kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan); họ tên đầy đủ của chủ thuê bao, ngày tháng năm sinh và số chứng minh nhân dân.

Các chủ thuê bao trả trước có thể đăng ký thông tin theo ba cách: Đăng ký qua tin nhắn SMS bằng chính số thuê bao di động đang sử dụng của mình; đăng ký qua cổng thông tin điện tử của nhà cung cấp dịch vụ hoặc đăng ký tại các điểm giao dịch của nhà cung cấp dịch vụ.

Theo số liệu thống kê của Sở Bưu chính - Viễn thông tỉnh, trên địa bàn tỉnh ta hiện có 362 ngàn TBDĐ, trong đó có đến 337 ngàn TBDĐ trả trước. Ông Ngô Đông Hải cho biết: “Khi có chủ trương quản lý TBDĐ trả trước, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ để nắm tình hình. Khi Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTT được ban hành, chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông di động trên địa bàn tỉnh nhanh chóng triển khai việc quản lý TBDĐ trả trước. Tuy nhiên, để triển khai quản lý một số lượng lớn TBDĐ như vậy đòi hỏi phải có thời gian. Trong thời gian đầu, chúng tôi chỉ tăng cường công tác nhắc nhở chứ chưa kiểm tra và xử lý mạnh mẽ”.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ di động, các DN này cạnh tranh quyết liệt, nên khi Nhà nước chưa tăng cường công tác kiểm tra, xử lý thì họ cũng không dại gì triển khai việc quản lý thuê bao vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Qua tìm hiểu các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy rằng phần lớn họ đều “dòm” chừng nhau và chưa có động thái gì đối với việc triển khai quản lý các TBDĐ trả trước. Ngoài ra, hệ thống phát triển thuê bao của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh rất đa dạng, bao gồm đại lý, các cửa hàng điện thoại di động, thậm chí nhiều cửa hàng tạp hóa, đồng hồ… cũng kiêm luôn dịch vụ bán sim, card di động. Vì vậy, để quản lý các TBDĐ trả trước thì trước hết phải quản lý được các điểm cung cấp dịch vụ. 

Ngọc Thái

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Học sinh Bình Định nghỉ hè, nghỉ Tết như mọi năm   (25/09/2007)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh vui đón Tết Trung thu với các em thiếu nhi   (25/09/2007)
UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra việc lấy đất di tích Đàn Nam giao để bán   (24/09/2007)
Triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy   (24/09/2007)
Prudential Việt Nam tại Bình Định tặng máy vi tính cho Trung tâm Học tập cộng đồng xã Bình Thành, huyện Tây Sơn  (24/09/2007)
Hội Luật gia tỉnh tập huấn pháp luật  (24/09/2007)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện kiểm tra các dự án di dân vượt lũ  (24/09/2007)
Bán bánh mùa trung thu  (22/09/2007)
Đi học nấu ăn  (22/09/2007)
Triển khai, tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ  (22/09/2007)
Nhiều học sinh THCS ở xã Phước Mỹ bỏ học  (22/09/2007)
Tỉnh Bình Định được tài trợ 31.000 chiếc mùng phòng chống sốt rét  (22/09/2007)
Hỗ trợ học phí cho em Nguyễn Văn Quý vào học Trường Trung học Y tế Bình Định  (22/09/2007)
Hãy đội mũ bảo hiểm mỗi khi ra đường như một thói quen hàng ngày  (22/09/2007)
Vinashin khai giảng lớp trung cấp đóng tàu tại Bình Định  (22/09/2007)