40 năm trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã lùi vào quá khứ nhưng những hiện vật của trận chiến được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Nhà truyền thống LLVT tỉnh luôn nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về một mốc son lịch sử hào hùng và bi tráng của quân và dân Bình Định…
|
Ty chiêu hồi của ngụy bị ta đánh sập trong Tết Mậu Thân 1968. (Ảnh chụp lại)
|
* Nhân chứng của lịch sử
Ngày 29.1.1968, LLVT tỉnh và Trung đoàn 12 nổ súng tiến công Quy Nhơn, đánh chiếm Đài phát thanh, tiến công vào Dinh tỉnh trưởng, bến xe, nhà ga… Cùng với tiến công quân sự, lực lượng chính trị của quần chúng lấy “đội quân tóc dài” làm lực lượng xung kích đã nổi dậy áp đảo địch ở các thị trấn, quận lỵ. Nhiều tấm gương hy sinh của các mẹ, các chị, các chiến sĩ đã tô thắm thêm truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của quê hương Bình Định…
Mặc dù các hiện vật của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Bình Định không nhiều, chỉ vài tấm ảnh và một số hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Nhà truyền thống LLVT tỉnh nhưng gom cả lại sẽ dựng được hình ảnh những cuộc chiến đấu đầy cam go, ác liệt và hào hùng của quân và dân Bình Định trong chiến dịch này. 2 tấm ảnh là nhân chứng sống động nhất trong chiến dịch là Ty chiêu hồi và Đài phát thanh Quy Nhơn bị quân ta đánh sập. Ngoài ra, một số hiện vật khác như Sơ đồ tiến công và nổi dậy 1968, Bản đồ tác chiến Mậu Thân năm 1968 và cờ tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”… cũng được coi là những tư liệu quý giá.
Trong những hiện vật trên, có lẽ ấn tượng nhất là 3 lá cờ tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Bình Định. Lá cờ tuyên thệ thứ nhất do các chiến sĩ của đại đội C1, C2, C3, C4, C5 thuộc tiểu đoàn 40 Bình Định trước khi ra quân đã đồng loạt ký tuyên thệ, nhằm giữ vững khí thế tiến công trên chiến trường; lá cờ thứ hai là của các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn xã Cát Thắng và Cát Nhơn (huyện Phù Cát); lá cờ thứ ba là của Chi đoàn và Chi bộ xã Cát Thắng và xã Cát Nhơn. Cuộc đồng loạt tuyên thệ hạ quyết tâm ký vào lá cờ đỏ có thêu hình búa liềm vào tháng 12.1967 để chuẩn bị ra quân vào mùa Xuân năm 1968 cho thấy khí thế quyết liệt của quân và dân Bình Định trong những ngày chuẩn bị tổng tiến công…
|
3 lá cờ tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Bình Định trong Chiến dịch Mậu Thân 1968.
|
* Niềm tự hào của thế hệ trẻ
Chị Hồ Thùy Trang, nhân viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: Hiện vật của chiến dịch Mậu Thân năm 1968 được lưu giữ tại bảo tàng không nhiều, tuy nhiên các hiện vật này cũng đã góp phần giúp cho các thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc tổng tiến công và nổi dậy này. Mỗi năm bảo tàng đã đón trên 5.000 lượt người đến tham quan, phần lớn là học sinh các cấp đến để tìm hiểu về lịch sử, về những cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc ta, trong đó cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vào Quy Nhơn được các bạn trẻ rất quan tâm. Ngoài ra, một số giáo viên dạy lịch sử khi đến giai đoạn 1968 hay đến bảo tàng để mượn một số hình ảnh và Sơ đồ tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 để giảng bài cho học sinh. Một số trường học ở nội thành Quy Nhơn cho học sinh trực tiếp đến bảo tàng để học lịch sử, gây cho các em nhiều ấn tượng và hứng thú.
Em Ngô Thị Đông Phượng, học sinh lớp 6, Trường THCS Quang Trung Quy Nhơn, ghi vào sổ lưu niệm tại Nhà truyền thống LLVT Bình Định những dòng xúc động: “Nhờ những hình ảnh, hiện vật… về truyền thống đấu tranh của dân tộc ta qua các thời kỳ kháng chiến, nhất là cuộc tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 gợi cho chúng em sự tự hào và biết ơn sâu sắc về sự hy sinh của thế hệ đi trước…”. Còn các bạn ở Chi đoàn Sở Y tế Bình Định, bày tỏ: “Sau khi tham quan Nhà truyền thống của LLVT Bình Định, chúng tôi, những người con Đất Võ, vô cùng tự hào và vinh dự trước những thắng lợi của quân đội tỉnh nhà và các anh hùng LLVT”.
Thiếu tá Nguyễn Bá Sinh, Chủ nhiệm Nhà truyền thống LLVT Bình Định, cho biết: “Trong năm 2007, có khoảng 2.000 học sinh, sinh viên đã đến Nhà truyền thống để tìm hiểu lịch sử của tỉnh nhà và rất nhiều em tìm hiểu kỹ về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở Bình Định. Các em rất tự hào về truyền thống đấu tranh của quân và dân Bình Định qua các thời kỳ”.
|