Ở Bình Định, lực lượng địch lúc ấy có Sư đoàn Không vận của Mỹ, chủ yếu ở phía Bắc tỉnh; còn phía Nam tỉnh có Sư đoàn Mãnh hổ Nam Triều Tiên và Sư đoàn 22 ngụy. Lực lượng ta có Sư đoàn 3 Sao Vàng, là chủ lực quân khu hoạt động ở phía Bắc tỉnh. Chiến trường Đông Nam tỉnh (chủ yếu là khu Đông Nam núi Bà) có Tiểu đoàn bộ binh 50, Đại đội đặc công D10, Đại đội 117B mới thành lập và Đại đội đặc công nước 598. Ngoài ra còn có Trung đoàn bộ binh 12 của Sư đoàn 3 đứng ở Đông An Nhơn.
|
Đài phát thanh Quy Nhơn của ngụy bị đánh sập trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu
|
Kế hoạch của chiến dịch chia làm 3 bước:
Bước 1: Đánh địch ở Quốc lộ số I và Đông An Nhơn.
Bước 2: Đánh mở hành lang và bàn đạp vào Quy Nhơn. Tiểu đoàn bộ binh 50 đánh chốt bảo an án ngữ tại thôn Huỳnh Giản (chốt Huỳnh Sa) sau đó vượt đầm Thị Nại vào Phước Sơn đánh chốt bảo an ở xóm Đông An. Bộ đội huyện Tuy Phước đánh địch ở xã Phước Hiệp, sau đó chuyển xuống Phước Sơn, phối hợp với D10 đánh quận lỵ Tuy Phước ngày 22.12.1967. Gần đến ngày mở chiến dịch thì đồng chí Biên Cương về nội thị kiểm tra tình hình bị địch bắt; sau đó đồng chí Minh Cảnh thị đội trưởng cũng bị địch bắt.
Bước 3: Trong buổi lễ xuất quân tại rừng sát, Thủ trưởng Tỉnh Đội lệnh cho phụ trách đặc công tỉnh đánh giải thoát đồng chí Biên Cương rồi cùng chỉ huy đội đặc công đánh Đài phát thanh tỉnh.
Tối 29 tháng Chạp (ÂL), D10 đặc công vào thôn Hưng Thạnh nhận quần áo lính ngụy do cơ sở mua để cải trang và nhận cơm vắt rồi vào ém quân tại rìa núi thôn Phú Hòa; Tiểu đoàn 50 vào trú ở rừng sát thôn Hưng Thạnh, nhận quần áo lính ngụy để Đại đội 2 cải trang đi đầu.
Tối 30 tháng Chạp, 3 cơ sở là Chanh, Ý, Bùng dẫn đường cho D10 đặc công theo đường Trần Hưng Đạo đi thẳng vào công viên, đánh địch tại lầu Bà Đệ (khách sạn Thanh Bình ngày nay), sau đó đi thẳng vào Đài phát thanh. Tiểu đoàn 50 ở thôn Hưng Thạnh đúng giờ vượt sông vào thẳng đường Trần Hưng Đạo, đến ngã 3 đường Trần Hưng Đạo và Đống Đa thì gặp chốt cảnh sát của địch ngay ngã 3 đường. Sau khi trinh sát vào nắm tình hình, Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định đánh chốt cảnh sát này rồi phát triển vào đánh tiểu đoàn quân xa, thu vũ khí, chiếm giữ nhà ga.
Ngay sau đó quân Nam Triều Tiên đến tiếp viện, đơn vị phải tổ chức đánh suốt ngày. Trước tình hình anh em bị thương và đạn đã cạn, Đảng ủy Tiểu đoàn quyết định đưa đơn vị vượt núi Bà Hỏa, đến 4 giờ ngày mồng 1 Tết vượt đường Trần Hưng Đạo và trụ lại đánh địch ở xóm Dừa cho đến tối. Sở chỉ huy chiến dịch cho trinh sát tìm gặp Tiểu đoàn 50, đưa Tiểu đoàn trở về Hưng Thạnh rồi sang luôn rừng sát.
Về phía D10 đặc công, theo phương án đã vạch, đánh thẳng vào quân vụ thị trấn, giải thoát trên hai trăm đồng chí và đưa đồng chí Biên Cương về tiếp tục chỉ huy anh em đánh Đài phát thanh. Ngày mồng 4 Tết, đồng chí Quý (phụ trách đặc công tỉnh) và đồng chí Biên Cương hy sinh. Các chiến sĩ D10 chiếm Đài phát thanh và đánh suốt trong đêm 30 đến rạng ngày mồng 1 Tết. Quân Nam Triều Tiên kết hợp với xe M113, M118 điều đến bắn thẳng vào Đài phát thanh. Cả ngày và đêm mồng 1 Tết, các chiến sĩ ta đã đánh giữ Đài phát thanh. Sáng ngày mồng 2, bọn địch tăng cường xe tăng, dùng đủ loại súng bắn vào Đài phát thanh như vãi đạn. Buổi tối chúng tăng cường quân bao vây Đài phát thanh và cuộc chiến đấu đã diễn ra ác liệt. Nhiều chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh. Khi quân địch lên đến tầng hai, ta chỉ còn lại 2 chiến sĩ đặc công, súng đã hết đạn và trong tình trạng bị thương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, Thường vụ Khu ủy cùng 4 trưởng, phó ban của Khu ủy về công tác tại Bình Định, sau chiến dịch đã nhận xét: “Tuy chưa đạt yêu cầu thắng lợi nhưng ta đã đánh vào trung tâm thành phố và làm chủ Đài phát thanh 7 ngày gây tiếng vang lớn”.
|