Những nữ tu và mái ấm của các cô nhi
5:54', 2/10/ 2008 (GMT+7)

4 giờ sáng, đang chuẩn bị cho giờ công phu sáng, bỗng có tiếng trẻ con khóc vọng đến từ trước cổng chùa. Vậy là các sư cô tịnh xá Bửu Quang (thôn Quãng Tín xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) lại biết là có một sinh linh mới chào đời vừa bị bỏ trước cổng chùa.

 

Sư cô Kinh Liên và Tịnh Tâm.

 

Căn duyên với những cô nhi

Gần bốn mươi năm nay, ở ngôi tịnh xá nhỏ nằm nép bên Quốc lộ 1A này, đã có 55 lần như thế. Sư cô Kinh Liên, người trụ trì của tịnh xá, kể: “Mỗi em một hoàn cảnh. Có em mới vài tháng tuổi thì cha mẹ đem đến cho, có em mới sinh bị cho vào trong thùng carton hay quấn trong chăn để trước cổng tịnh xá, đói lạnh và bị kiến đốt sưng cả người…. Mỗi khi nghe tiếng khóc, các sư biết rằng, có ai đó đã từ chối một sinh linh vừa mới chào đời nên mang vào nuôi dạy. Cá biệt, có em vì thiếu sữa mẹ, kiệt sức nên tử vong, các sư đem chôn cất trong phần đất của Tịnh xá và hương khói như người thân”. Những cô nhi đến với tịnh xá Bửu Quang từ nhỏ mà chưa được đặt tên, đều được sư cô Lập Liên đặt tên và cho mang họ Huỳnh của sư.

Nhưng sư cô, xuất gia từ nhỏ, vốn chỉ quen với tụng niệm, trai lạt, nên không có kinh nghiệm làm mẹ. Bởi vậy, nuôi một đứa trẻ sơ sinh là không đơn giản, huống chi, có lúc, tịnh xá đón tới bốn trẻ một lúc. Ban đầu, các sư rất lúng túng, nhất là lúc cho các em ăn uống hoặc thay tã... Khi  bình thường đã khó, lúc các em đau ốm hoặc khi trái gió trở trời lại càng khó hơn. “Cực nhất là những năm 80. Ngày đó, chưa có bếp điện, bếp ga, nên các sư phải nấu cháo sẵn, rồi đem bếp lò đặt trước cửa phòng. Mỗi đêm, khi các em trở dậy, các sư lại thổi lửa, hâm lại cháo, cho ăn, có đêm tới vài bận như vậy. Có những em còn bé quá, các sư phải ẵm sang những nhà hàng xóm đang nuôi con nhỏ, xin bú nhờ”- sư cô Kinh Liên nói. Cũng trong những năm đó, do đời sống kinh tế khó khăn, các sư làm nhang, đem đi bán rồi mua từng lon sữa cho các cháu. Đến khi các cháu lớn hơn, tuy đỡ vất vả hơn trong chăm sóc, nhưng việc kiếm tiền mua gạo cho mấy chục người, lại càng không đơn giản. “Một lần đi bán nhang, mua được chục ký gạo, ăn hai, ba ngày là hết. Mà phải ăn cơm ghé với bắp, với mì”. Rồi thấm thoát, những thế hệ đàn anh, đàn chị lớn lên, vừa phụ giúp sư nuôi dạy các em sau này, vừa phát triển thêm nghề làm nhang, nên đời sống càng ngày càng đỡ dần.

 

Các sư cô của Tịnh xá Bửu Quang làm nhang.

 

Sư cô Kinh Liên dẫn chúng tôi đi một vòng, để chúng tôi tham quan xưởng làm nhang bằng máy của tịnh xá. Sư cô Kinh Liên nói: “Chắc là cũng có duyên với cô nhi, nên trước khi về đây, tôi cũng từng ở Cô nhi viện Ngọc Ninh. Bởi vậy, năm 1976, khi về đây, cùng với sư cô trụ trì khi đó Thích nữ Lập Liên chăm sóc các cháu, tôi cũng không bỡ ngỡ nhiều. Sau này, năm 1994, khi sư cô Lập Liên qua đời, tôi lại tiếp tục công việc chăm sóc cô nhi của sư cô. Sau này, có phật tử thấy công việc làm nhang vất vả, mới đem nguyên dàn máy làm nhang đến lắp cho. Nhờ vậy, nên công việc cũng đỡ vất vả”.

Trưởng thành từ mái ấm

Những đứa con trưởng thành từ mái ấm tịnh xá Bửu Quang đã trưởng thành đều trở thành những người có ích cho xã hội. Trong đó, ba người con của mái ấm Bửu Quang đã xuất cảnh đi Mỹ theo diện con lai; hai người khuyết tật đang học và làm nghề trong tỉnh. Một số người khác, sau khi trưởng thành và vào đời, còn được các sư lo chuyện dựng vợ gả chồng và cấp một phần đất trong khuôn viên tịnh xá để xây dựng mái ấm gia đình riêng.

Anh Huỳnh Bùi Hùng Cường (36 tuổi) là một người như thế. Năm 1975, mới ba tuổi, anh được sư cô Lập Liên nhận về nuôi dưỡng. Ngày đó, anh bị bệnh phổi rất nặng, ai cũng nghĩ là sẽ khó qua khỏi. Nhưng các sư cô vẫn quyết tâm “còn nước còn tát”, đưa anh vào bệnh viện điều trị, chuyền nước, thay phiên nhau chăm sóc; sau đó, cho đi học. Anh Cường kể: “Năm 1994, sư cô Lập Liên dựng vợ gả chồng và tặng vợ chồng tôi một phần đất 80m2  trong khuôn viên chùa để cất nhà riêng. Dù không có công sinh thành, nhưng hôm nay của tôi được như thế này cũng là nhờ công nuôi dưỡng, dạy dỗ của sư. Tôi coi các sư như những người đã sinh ra mình lần thứ hai”. Chuyện xây nhà của anh Cường cũng là một kỳ công. Ngày đó, sau trận bão năm 1999, ngôi nhà mái ngói vách đất của anh Cường bị sập. Vậy là ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước, tiền phụ giúp của tịnh xá, sư cô Kinh Liên còn đi “vận động”. Hễ có đoàn cứu trợ của phật tử nào về là sư cô lại đến, xin hỗ trợ cho anh Cường xây lại nhà. Nhờ vậy, anh Cường đủ tiền xây dựng ngôi nhà cấp 4 khá khang trang. Hai vợ chồng anh hiện đang làm công nhân gỗ tại KCN Phú Tài và có một cậu con trai đang học lớp bảy.

 

Tịnh xã Bửu Quang, mái ấm của các cô nhi.

 

Bên cạnh đó, trong số 55 cô nhi, có người đã chọn đi theo con đường đạo hạnh của các sư, như Huỳnh Thị Thùy Tuyết (pháp danh Liên Tánh), Bùi Thị Tuyết Hạnh (pháp danh Liên Hòa)… Lại có người, sau bao nhiêu năm bị cha mẹ bỏ rơi, nay được người thân đón nhận về với gia đình, nhưng vẫn xin ở lại cùng các sư. “Trong thời gian được các thầy nuôi dạy, phần cảm kích trước tấm lòng từ bi nhân ái của các sư, phần cảm thấy mình có căn duyên với cửa Phật, nên tôi quyết định ở lại, dù được các chú, các cậu động viên về nhà” - sư cô Huỳnh Thị Băng Phụng (pháp danh Thái Liên) nói.

Kết nối tâm từ bi

Hiện ở tịnh xá Bửu Quang có 14 sư cô, trong đó, 5 người vốn là cô nhi. Nhiều sư cô trong số này hiện đang theo học các lớp giảng sư Phật học, trung cấp Phật học.... Ngoài 5 sào ruộng, sau giờ đến lớp, các sư còn làm nhang đi bán lấy tiền chi dùng và phụ thêm tiền sách vở cho những em đang đi học. Hiện ngoài một em trai đang học lớp 2, được sư cô Kinh Liên nhờ một người em của sư ở Xuân Lộc (Phú Yên) nuôi và cho đi học tại đây; trong tịnh xá còn một em khác cũng đang học phổ thông. Ngoài ra, còn có cô Châu (pháp danh Tịnh Tâm) tuy học hành dở dang, nhưng lại là người hôm sớm chăm lo việc chùa, chăm chỉ làm nhang, phụ giúp sư cô, chăm sóc các em.

 

Một sư cô làm nhang bằng máy.

 

“Các sư chỉ là người tu hành. Tiền bạc giúp đỡ người nghèo và làm từ thiện đều do bá tánh quyên góp, nên các sư chẳng có gì. Dân mình còn nhiều người nghèo khổ, nên sư chỉ muốn se mối nhân duyên, kết nối những tấm lòng từ bi lại với nhau” - sư cô Kinh Liên tâm sự vậy. Cũng với tấm lòng như vậy, nên vừa qua, sư cô Kinh Liên đã cử một sư cô theo học lớp Đông Tây Y tại TP. Hồ Chí Minh với dự định sẽ xin phép các ngành chức năng mở một phòng khám chữa bệnh miễn phí tại tịnh xá, với mong ước góp phần làm giảm bớt bệnh tật cho bà con nghèo quanh vùng.  

Trước tấm lòng ấy của các sư, những người con các sư hiện nay đã trưởng thành, dù đi đâu, làm gì, vẫn nhớ về một mái ấm từng dưỡng nuôi họ từ ngày còn thơ nhỏ. Anh Huỳnh Duy Huy, nay lập nghiệp tại Mỹ, nghe tin tịnh xá xây dựng lại, cũng gửi tiền về góp chút công sức. Có người, ở Đăk Lăk, Bà Rịa Vũng Tàu, Nha Trang nay đã có con, có người có cháu nội, vẫn thường xuyên về thăm chùa và thỉnh thoảng lại gửi những tấm hình chụp cùng con cháu về cho các sư.

  • Viết Thọ - Xuân Vinh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định được tham gia Dự án Phòng chống sốt rét  (01/10/2008)
Một trường THCS lập Website  (01/10/2008)
Không chỉ là niềm vui thú tuổi già  (01/10/2008)
Tiếp nhận 30 giường bệnh điện tử điều khiển từ xa  (01/10/2008)
Có một hội người cao tuổi lo tròn “hậu sự”  (01/10/2008)
Bao giờ người dân Cồn Chim mới hết khát?  (01/10/2008)
Đồng chí Phạm Văn Thanh thăm và chúc mừng các cụ cao tuổi ở Hoài Nhơn  (01/10/2008)
Một điểm sáng khuyến học  (30/09/2008)
Những tín hiệu tích cực  (30/09/2008)
Phát động cuộc thi tìm hiểu “Ngày Biên phòng toàn dân”  (30/09/2008)
Hoài Ân cần sớm hạ thấp tỉ lệ hộ nghèo ở 3 xã vùng cao  (30/09/2008)
Đồng chí Vũ Hoàng Hà tiếp xúc cử tri tại thị trấn Vân Canh  (30/09/2008)
Nguy cơ tái nghèo!  (29/09/2008)
Trao học bổng khuyến học “Vòng tay đồng đội” lần thứ nhất  (29/09/2008)
Tặng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo  (29/09/2008)