Nhờ một chữ “thuận”, người dân xã Canh Thuận (Vân Canh) đã và đang tạo lập cuộc sống ngày càng ấm no cho mình.
|
Được sự đầu tư của nhà nước, các đường giao thông nội làng và liên làng ở xã Canh Thuận đều được bê tông hóa. Ảnh: N.Sương
|
* Cuộc sống mới
Vân Canh những ngày đầu tháng 10, tỉnh lộ 638 đoạn đi qua thị trấn Vân Canh đã xuất hiện những xe tải lớn chất đầy mì cao sản đậu ven đường. Dù chưa phải vào vụ chính thu hoạch nhưng một số người, do rẫy mì ở vùng trũng nên phải thu hoạch sớm hơn để tránh mưa lũ ngập úng.
Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà khang trang 3 phòng, trưởng làng Hòn Mẻ (Canh Thuận) Lê Văn Dư cho biết: “Tôi vừa mới bán 2 xe mì, một xe lớn một xe nhỏ”. “Được bao nhiêu tiền, thưa bá?”. “Chưa lấy tiền nên chưa biết, mà năm nay mì hạ, còn có 8 triệu đồng/tấn”. Chúng tôi nhẩm tính: xe lớn 2,5 tấn, được 20 triệu, xe nhỏ ít hơn, tổng cộng trưởng làng cũng thu được khoảng 40 triệu đồng từ mùa mì này. Bá Dư nói thêm: “Trừ chi phí, còn lời ít hơn mọi năm. Năm ngoái mình xây cái nhà này hết 35 triệu đồng, cũng từ tiền bán mì đấy”.
Bá Dư bảo đời sống của bà con người dân tộc thiểu số ở làng Hòn Mẻ mấy năm gần đây đỡ nhiều rồi. Nhiều người mở rộng sản xuất, trồng lúa, mì, mía, nuôi bò, trồng rừng. Người có đất mà thiếu vốn đầu tư thì cho người ta thuê đất trồng dưa để “nhờ” phân bón dưa, sau lấy lại trồng mì cho tốt. Hết ngày mùa, người dân trong làng lại đi làm rừng cho các công ty trồng rừng đóng trên địa bàn huyện như Tổng Công ty PISICO, Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn, Lâm trường Hà Thanh. Mà không chỉ nam giới, phụ nữ cũng tham gia, không ở nhà chơi như trước. Nữ làm những công việc nhẹ hơn như phát dọn và trồng cây, còn nam đảm nhận khâu nặng hơn là đào hố. Tiền công đi làm rừng, nếu làm công nhật là khoảng 70.000 đồng/ngày, còn làm khoán theo diện tích thì nhiều hơn nên cũng đã giúp cho người dân cải thiện cuộc sống. Như con rể của bá Dư là anh Đinh Văn Tây vừa đi làm rừng cho PISICO 10 ngày, sau khi trừ ăn uống còn mang về nhà được 900 ngàn đồng.
Câu chuyện giữa chúng tôi về đời sống bà con người dân tộc thiểu số ở làng Hòn Mẻ với trưởng làng Lê Văn Dư lại xoay sang chuyện những con đường vào khu sản xuất ở Canh Thuận mới được mở rộng mà chúng tôi được nghe trước đó. Bá Dư nói: “Đường từ làng vô khu sản xuất Hòn Lui làm rồi. Bây giờ ai có đất bên đó thì khỏe”. Khỏe ở đây có nghĩa là hồi trước không có đường thì bà con phải tốn tiền vận chuyển nông sản ra bằng xe độ mới bán được, nay thì xe tải của người mua chạy thẳng đến rẫy luôn. Khỏe là mì của ai đến độ thì nhổ bán chứ không phải chờ chủ rẫy phía ngoài nhổ trước mới đến lượt người có rẫy phía trong để xe có đường vô chở. Khỏe còn là bà con có thể đi làm rẫy bằng xe máy luôn chứ không phải đi bộ, vừa xa vừa mệt như trước.
* Từ một chữ “thuận”
Bây giờ ở Canh Thuận, có nhiều làng còn hơn Hòn Mẻ. Những cái tên làng: Cà Xim, Hà Lũy, Hà Văn Trên, Hà Văn Dưới… của Canh Thuận được nhắc đến nhiều như những điển hình về sự đi lên của đời sống mọi mặt.
Trong 2 năm 2007-2008, từ kinh phí của Chương trình 135, xã đã và đang đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông nội làng và liên làng Hà Lũy - Hà Văn Dưới, đường bê tông làng Cà Bưng, san ủi mặt bằng khu dân cư làng Cà Bưng, kéo hệ thống nước sạch từ làng Cà Xim ra thôn Kinh Tế, xây mới trạm y tế xã.
Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng do Ngân hàng thế giới hỗ trợ cũng giúp người dân Canh Thuận làm được các tuyến đường từ các làng ra khu sản xuất. Nhờ vậy, những con đường nhỏ hẹp, gập ghềnh đã được thay thế bằng đường đất cấp phối rộng 4m, đủ rộng để xe tải vào tận rẫy thu mua nông sản cho bà con.
Từ Chương trình 134, Canh Thuận lại đang đầu tư làm mô hình kinh tế vườn đồi. Dự án này trị giá 320 triệu đồng, gồm trồng 2 ha chuối và sả, 20 ha bắp xen canh, đầu tư 8 bò cái nền lai, 4 cộ bò…
Xã Canh Thuận có 8 làng với dân số hơn 2.800 người, trong đó chiếm 45% là người Chăm, 54% là người Bana, còn lại là người Kinh và Thái. Trong vài năm gần đây, đời sống người dân trong xã từng bước được cải thiện một cách đáng kể. Kết quả này đến từ sự quan tâm đầu tư của nhà nước, các chương trình dự án do nước ngoài hỗ trợ và quan trọng nhất là từ sự thay đổi nhận thức của chính người dân. |
Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là nhận thức của người dân đã hơn trước rất nhiều, đó là điều căn bản giúp thay đổi cuộc sống nơi đây. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Kim Hùng cho biết: “Người dân Canh Thuận rất chịu khó, chăm chỉ lao động. Họ biết đầu tư trồng mì, mía, trồng rừng, chăn nuôi bò. Riêng trồng rừng, hiện xã có 114 ha rừng, do người dân chuyển đất rẫy bạc màu chuyển sang trồng rừng. Đã có vài hộ thu vụ keo đầu tiên, người cao nhất được 24 triệu đồng. Rồi tranh thủ thời gian nông nhàn, mọi người đi làm rừng thuê cho các doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn huyện. Không chỉ vậy, họ còn biết học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rừng để về áp dụng vào rừng nhà mình. Nhờ vậy, hiệu quả từ sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, các dự án nước ngoài dành cho địa phương đã tăng lên rất nhiều. Tỉ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm đều giảm hơn 10%”.
Kết thúc câu chuyện về đời sống người dân xã mình, ông Nguyễn Kim Hùng ví von: “Dân Canh Thuận sở dĩ làm được là vì, như một chữ thuận: thuận theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên hưởng ứng nhiệt tình, thuận theo lẽ tự nhiên: chỉ có lao động mới đem lại cuộc sống no đủ, mọi người đồng thuận bảo nhau làm ăn, người đi trước chỉ vẽ người đi sau…”.
Mà lòng người đã thuận thì ắt thành công.
|