Ngày 4.7.2006, đề án số 15 về việc xây dựng thị trấn Bồng Sơn phát triển lên đô thị loại IV và đề án số 17 phát triển thị trấn Tam Quan thành trung tâm huyện lỵ trước năm 2010 được ban hành. Hai năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Hoài Nhơn đã nỗ lực triển khai thực hiện cả hai đề án và đạt được những kết quả đáng kể, làm khởi sắc diện mạo của huyện.
|
Một góc thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Ảnh: Văn Lưu
|
Qua hai năm, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội đối với địa bàn 2 thị trấn.
Ở thị trấn Bồng Sơn đã triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm như: đường Lê Lợi, đường Nguyễn Trân (nối dài), nhà làm việc Huyện ủy trên cơ sở quy hoạch chi tiết Khu hành chính- dịch vụ- thương mại- dân cư Bạch Đằng đã được phê duyệt. Hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu dân cư Tây Bắc chợ Bồng Sơn 10 ha; khu dân cư dịch vụ bến xe, Gò Gương và đồng Đất Sét 15 ha. Các công trình thuộc kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác cũng đã và đang được triển khai, gồm: hệ thống cấp nước sạch, đường vào cụm công nghiệp; Trường Công nhân kỹ thuật và Trường tiểu học Bồng Sơn. Trên lĩnh vực giao thông, huyện đã đầu tư, xây dựng 3,9 km đường bê tông với tổng giá trị 3.182 triệu đồng. Hệ thống thu gom rác thải được duy trì và mở rộng, đến nay, có 70% hộ dân khu vực nội thị tham gia vào việc thu gom rác thải.
Là thị trấn huyện lỵ trong tương lai gần, đến nay, thị trấn Tam Quan đã triển khai quy hoạch tổng thể và rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch chi tiết, thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội, trong 2 năm qua, huyện đã và đang đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm như: đường Trần Phú, đường 26/3, chợ trung tâm, hệ thống cấp nước sinh hoạt. Hoàn thành, đưa vào sử dụng Trường THCS, Trường tiểu học số 1, trường mẫu giáo, nhà làm việc công an thị trấn. Đã bê tông 3.348 m các tuyến đường ở khối 3,5,7,8,9, mở mới 1.356 m tuyến đường An Thái 1, Bùi Thị Xuân nối dài, tổng giá trị 12,233 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn của thị trấn 4,357 tỉ đồng.
Đảng bộ huyện đã chỉ đạo 2 thị trấn thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tích cực phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, hình thành một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng thành công một số mô hình trồng trọt hiệu quả cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Đảng bộ huyện luôn chú trọng công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện đối với hai thị trấn. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đảm bảo chuyển tải kịp thời mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, duy trì đều đặn các hoạt động thông tin thời sự định kỳ đến từng tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn, nhất là mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của 2 đề án trên. Chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nhiều hình thức thiết thực, phong phú.
Công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú được chú trọng. Hàng năm, thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ theo Nghị quyết 42 của Bộ Chính trị, BCH Đảng bộ 2 thị trấn đã rà soát, bổ sung quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ về chính trị, chuyên môn. 2 năm qua, Đảng bộ thị trấn Bồng Sơn đã cử 18 cán bộ, Đảng bộ thị trấn Tam Quan cử 24 cán bộ theo học các lớp chính trị, chuyên môn.
Đảng bộ cũng đã chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND, UBND. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa” để giải quyết kịp thời công việc cho tổ chức và công dân.
Nhìn chung, kể từ khi 2 đề án được triển khai, đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức được tầm quan trọng, thiết thực của việc phát triển mọi mặt trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh- quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị của 2 thị trấn nên đã tích cực tham gia xây dựng phong trào ở địa phương, đơn vị mình; nêu cao ý thức tự giác chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, nhìn chung hiện nay tốc độ phát triển kinh tế của hai thị trấn chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực và vì vậy chưa đáp ứng yêu cầu theo hướng phát triển của đô thị. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ còn yếu. Công tác quản lý đô thị còn bị buông lỏng, ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường đô thị; những vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được tập trung tháo gỡ làm ảnh hưởng tiến độ nhiều công trình. Trong lãnh đạo phát triển kinh tế cả hai thị trấn đều chưa tạo ra những bước đột phá; trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ chưa đều; một số cán bộ chủ chốt còn hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành… Chính điều này sẽ làm chậm tiến độ phát triển của đề án.
Thị trấn Bồng Sơn:
Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ ước đạt 76%, đạt 108% so chỉ tiêu đề án. Có 316 cơ sở và 25 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh CN – TTCN; 1.629 cơ sở và 29 doanh nghiệp hoạt động thương mại - dịch vụ; ước tính 6 tháng đầu năm 2008 giá trị sản xuất CN – TTCN đạt 60 tỉ đồng, thương mại - dịch vụ đạt 170 tỉ đồng (tăng hơn 22% so cùng kỳ năm trước).
Thị trấn Tam Quan:
Cuối năm 2007, tỷ trọng CN-TTCN-DV chiếm 55%, đạt 78% so với chỉ tiêu đề án. Có 363 cơ sở sản xuất CN-TTCN, trong đó có 2 xí nghiệp chế biến gỗ và may mặc, 1.059 cơ sở kinh doanh dịch vụ; giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 40,62 tỉ đồng (tăng 14,6 tỉ đồng so với năm 2005); thương mại dịch vụ đạt 286 tỉ đồng (tăng 150 tỉ đồng so với năm 2005). | |