Năm học 2008- 2009, học sinh (HS) người dân tộc thiểu số ở các xã Canh Thuận, Canh Hòa (Vân Canh) có thêm trường THCS bán trú Canh Thuận. Trường mới, gần nhà hơn nên niềm vui đến lớp của các em cũng lớn hơn…
|
Cán bộ, giáo viên trường THCS Canh Thuận trong ngày khai giảng năm học đầu tiên. (Ảnh: QH)
|
Niềm vui học trường mới
Trường bán trú Canh Thuận được Dự án THCS của Bộ GD&ĐT và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ 2,5 tỉ đồng để xây dựng 6 phòng học, 3 phòng bộ môn và 4 phòng lưu trú cho giáo viên. Để hoàn thiện trường, UBND tỉnh Bình Định đầu tư 2,2 tỉ đồng xây dựng thêm 10 phòng ở HS, một nhà ăn 250 m2, nhà vệ sinh, tường rào cổng ngõ...Ngôi trường rộng hơn 14 ngàn m2, nằm tại làng Kà-xim, xã Canh Thuận, ngay bên tỉnh lộ 638- con đường trục xuyên suốt huyện Vân Canh trông khang trang, rạng rỡ giữa mênh mông núi đồi. Anh Võ Trung Sanh, Hiệu trưởng trường Canh Thuận cho biết: “Năm học này, trường có 9 lớp với 297 HS. Trong đó, 2 lớp 6 có 59 em, 3 lớp 7 có 99 em, 2 lớp 8 có 76 em và lớp 9 có 63 em, là người dân tộc Bana, Chăm, chủ yếu ở xã miền núi Canh Thuận, Canh Hòa... Trước đây, khi chưa có trường riêng, HS người dân tộc thiểu số ở các xã trên phải học “nhờ” trường THCS thị trấn Vân Canh đi lại khá xa, năng lực tiếp thu của các em cũng chậm hơn so với HS người Kinh cùng trường nên nhiều em chán nản bỏ học. Có trường mới rồi, HS ra lớp đã đông hơn…”.
Anh Võ Trung Sanh dẫn tôi đến khu nội trú của HS. Nơi đây có 74 em, chủ yếu là người làng Kà-te, Hà Văn Trên, Hà Văn Dưới, Hà Lũy nhà xa được ăn, ở lại trường. Hàng tuần, các em đến trường vào sáng Thứ hai, đến Thứ Bảy thì xin phép Ban Giám hiệu cho về thăm gia đình. Đinh Thị Hương, người Bana ở làng Hà Lũy, học lớp 7A3 cho biết: “Trước đây, đi học khó khăn. Nhà mình có 8 anh, chị em thì chỉ có một anh học đến lớp 9 rồi bỏ học. Nhà nước xây trường mới cho HS người dân tộc thiểu số rồi, mình phải ráng học nhiều cái chữ, sau này còn làm cô giáo dạy học cho trẻ em làng mình...”. Còn Nguyễn Thị Yến, người Bana ở làng Hà Văn Trên, học lớp 8 A3 thì tâm sự: “Đi học ở đây vui lắm. Mình có nhiều bạn, ngoài giờ học còn được chơi bóng chuyền, nhảy dây nữa. Đôi lúc mình cũng nhớ nhà, nhưng Thứ Bảy là được về thăm nhà rồi…”.
|
HS người dân tộc thiểu số được ở nội trú để thuận lợi việc học tập. (Ảnh: QH)
|
HS người dân tộc thiểu số đi học bậc THCS được Nhà nước hỗ trợ 140 ngàn đồng/tháng. Các gia đình phải góp thêm 10 kg gạo (được quy đổi thành 40 ngàn đồng). Với 180 ngàn đồng/tháng, nhà trường chi tiền mua gạo mất 107 ngàn đồng (13 kg/HS), còn lại 73 ngàn đồng, phải nấu ăn cho HS 3 bữa. Chị Trần Thị Hiền, một cấp dưỡng của trường cho biết: “Với khoản tiền ít ỏi này, chúng tôi chỉ mua đủ được rau, gia vị, dư ra mới mua mắm, mua cá…”. Hôm chúng tôi đến, thấy mấy chị cấp dưỡng đang nấu ăn tại khoảng sân sau nhà bếp, khói bay nghi ngút… Thức ăn của HS đã được chuẩn bị xong gồm canh bí đỏ và một ít cá nục kho. Chị Hiền nói: “Nhà bếp thì rộng rãi, nhưng các bếp nấu quá lớn so với lượng HS ăn cơm nội trú nên chúng tôi phải nấu ngoài này để tiết kiệm chất đốt, tuy rất cực. Ngày nắng thì gió và khói, còn ngày mưa thì phải che bạt… ”.
Trường mới nhưng trang thiết bị do chưa kịp đầu tư nên còn thiếu thốn khá nhiều. Ngay cả thư viện, phòng thiết bị cũng mới chỉ là phần “vỏ”. Tuy vậy, ngày 5.9, thầy và trò nhà trường vẫn tổ chức được lễ khai giảng đầm ấm, vui tươi. Anh Sanh cho biết: “Trường THCS bán trú Canh Thuận được thành lập đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con người dân tộc thiểu số ở các xã Canh Thuận, Canh Hòa. Chỉ có tổ chức được hình thức học này, HS người dân tộc thiểu số mới có thể đến lớp đông đủ, giúp ngành phổ cập được bậc THCS, chuẩn bị cho phổ cập bậc trung học và nâng cao được chất lượng giáo dục miền núi”.
Còn đó những nỗi lo
HS người dân tộc thiểu số học hết bậc tiểu học ở các làng, chỉ có một số ít được tuyển vào lớp 6, trường PTDTNT huyện. Số HS còn lại, chỉ có thể đủ điều kiện học lên nếu mở được mô hình trường bán trú. Trường bán trú Canh Thuận có 25 cán bộ, giáo viên được điều chuyển từ các trường trong huyện về. So với yêu cầu, vẫn còn thiếu 1 giáo viên dạy sử. Đa số giáo viên ở trường đều là giáo viên “chi viện” từ TP Quy Nhơn, Tuy Phước… nhưng nhiều người giảng dạy lâu năm ở Vân Canh nên đã lập gia đình và “an cư lạc nghiệp” tại nơi đây.
Anh Sanh cho biết: “Vấn đề mà trường băn khoăn nhất vẫn là chất lượng HS. Do HS trước đây học ở các bản làng vùng cao, điều kiện học tập còn thiếu thốn nên chất lượng giáo dục thấp. Vừa qua, trường đã tổ chức kiểm tra chất lượng đầu năm. Kết quả, đa số bài làm của HS là yếu, kém, chỉ có khoảng 20% trung bình, loại khá, giỏi không có…”.
|
Trường bán trú THCS Canh Thuận. (Ảnh: QH)
|
Để nâng cao chất lượng học tập của HS, từ đầu tháng 10, trường đã lên lịch tổ chức dạy phụ đạo cho các em. HS người dân tộc thiểu số tuy tiếp thu còn hạn chế nhưng các em ngoan, hiền, biết nghe lời thầy cô. “Trường sẽ từng bước nâng cao chất lượng giáo dục bằng phương pháp dạy học phù hợp, tăng cường các tiết thí nghiệm, thực hành và sử dụng đồ dùng dạy học… để từ khi vào lớp 6 đến khi tốt nghiệp ra trường, chất lượng học tập của HS có thể cải thiện”.
Trường mới, nhưng khó khăn vẫn còn. Sân trường tuy rộng nhưng còn thiếu cây xanh nên những tia nắng mùa thu ở vùng cao vẫn còn khá chói chang. Anh Sanh cho biết, trường đã làm tờ trình xin Phòng GD-ĐT cấp cuốc, rựa để tổ chức cho HS tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn. Vừa qua, giáo viên và HS của trường cũng đã trồng được mấy chục cây xà cừ, viết, sao… Hy vọng 5-10 năm nữa, ngôi trường này sẽ thật sự là môi trường học tập tốt.
|