Bạo lực gia đình “khép kín”
19:58', 8/10/ 2008 (GMT+7)

Những HS thường bị cha mẹ đòi hỏi có thành tích học tập tốt có nguy cơ gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần hơn (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.H

Lâu nay nói đến bạo lực gia đình (BLGĐ), người ta vẫn nghĩ ngay đến việc bạo hành về thể xác. Tuy nhiên, vẫn còn một thứ bạo lực khác rất đáng lưu tâm với nhiều người, nói nôm na là BLGĐ “khép kín”.

* Bạo lực: đâu chỉ ở thể xác

Nhìn vào lịch đi học của L., một học sinh cuối cấp 2, tôi thật sự choáng vì nó kín mít.  Này nhé, sáng đi học ở trường. Trưa về ăn cơm, ngủ dậy lúc 1 giờ 30 phút. 2 giờ chiều: học Toán, 4 giờ: Lý, 6 giờ: Anh. 9 giờ tối về nhà bắt đầu ôn bài, chuẩn bị bài vở cho ngày sau. Buổi sáng, trước khi ra khỏi nhà, L. đã có sẵn một lịch trình mẹ đã găm sẵn trên cặp, cứ nhìn vào đấy mà “thi hành”. Thứ Bảy, Chủ nhật, L. cũng không có thời gian rảnh để chơi với bạn bè vì phải học thêm Anh văn, vi tính. Rồi một ngày, cậu bé chỉ “cắm đầu cắm cổ” học theo ý của mẹ cha bỗng dưng nổi loạn: quậy phá, đua đòi với bạn bè nghỉ học, bỏ nhà đi qua đêm. Thậm chí, L. còn cãi bướng với cha mẹ. Theo nhận định của vị bác sĩ tâm thần điều trị cho L. thì sự phản ứng khác thường của em là hậu quả của sự bị ức chế tâm lý dài lâu dẫn đến rối loạn trong hành vi (quậy phá, nổi loạn…).

Một nữ bệnh nhân phải đi điều trị tâm lý vì có biểu hiện trầm cảm, luôn trong trạng thái lo lắng, buồn phiền đến mức “chỉ muốn chết mà thôi”. Thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò về sinh hoạt thường ngày của nữ bệnh nhân, bác sĩ đã “lần” được nguyên nhân. Thì ra, chồng của chị có thói quen chăm vợ rất kỳ lạ. Ngày nào, anh ta cũng đem cân sức khỏe ra đo trọng lượng cơ thể của vợ. Nếu thiếu hoặc “vượt chuẩn quy định” thì anh không vừa lòng và buộc vợ phải có chế độ ăn để “đạt chuẩn” do mình đề ra. Ban đầu người vợ chấp thuận kiểu chăm sóc đặc biệt vì nghĩ chồng quan tâm đến sức khỏe và sắc đẹp của mình. Nhưng sự việc lên - xuống bàn cân hàng ngày trong một thời gian dài đã khiến chị bị sức ép tâm lý. Song, chị không chọn giải pháp phản kháng, chống đối mà ngày càng cảm thấy buồn rầu không nguyên cớ và chán sống…

Bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cho biết: Lâu nay nói đến bạo lực gia đình, không ít người chỉ đơn giản nghĩ về bạo lực  thể xác. Nhưng bạo lực gia đình kiểu “khép kín” như trên cũng không kém nguy hiểm. Đó là sự bắt buộc một thành viên trong gia đình “khép kín” về thời gian, chịu đựng những lời miệt thị, chỉ trích hoặc áp đặt trong cách sống, sinh hoạt hàng ngày (cha mẹ đối với con cái, chồng đối với vợ hoặc ngược lại…). Trong những trường hợp này, chọn cách phản ứng tích cực hay tiêu cực lại tùy thuộc rất nhiều vào tính cách, chỉ số thông minh, sức khỏe… của bản thân người chịu đựng.

* Gia đình: phải là nơi hóa giải mọi nỗi lo

Mới đây, một kết quả nghiên cứu tâm lý sư phạm của ĐHQG Hà Nội cho thấy, nhiều học sinh phổ thông đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần. Trong thực tế, không ít phụ huynh vô tình trở thành “thủ phạm” gây bệnh khi luôn đòi hỏi con có thành tích học tập tốt, biến con thành những “robot” hoạt động theo sự sắp đặt của bố mẹ. Một số trẻ chịu không nổi áp lực đã có những hành vi không bình thường, thậm chí nhiều em đã tự tìm đến cái chết. Trong cuộc sống hôn nhân, có những người chồng hoặc vợ luôn làm cho cuộc sống gia đình trở nên nặng nề vì những lời trách móc, chỉ trích, vì gia đình khó khăn, bản thân mình không hài lòng với công việc hoặc đôi khi chỉ vì muốn áp đặt mọi thành viên khác nhất nhất phải tuân theo ý của mình. Sống trong bầu không khí bị “đầu độc” như vậy, bản thân họ không chỉ tự “hành xác” mình mà còn làm khổ lây những thành viên khác trong gia đình.

Tôi có người bạn gái đã lập gia đình luôn khốn khổ với ông chồng có tính “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Từ chi tiêu hàng ngày đến sắm sửa vật dụng trong nhà cô đều phải trình cho chồng xem xét chi duyệt. Cô không dám tự sắm sửa cho bản thân, chơi bời với bạn bè, mua quà biếu cho bố mẹ đẻ vì thu nhập của cô bao nhiêu anh ta đều nắm rõ. Sống bên người chồng keo kiệt, ích kỷ và gia trưởng như vậy, cô hầu như không còn sinh khí. Bạn bè khuyên cô nên có cách xử sự quyết liệt với chồng thì cô lại không dám…

Bác sĩ Lê Quốc Nam (Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh), người đã có kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị người bệnh tâm thần, trong cuốn sách “Gọi bình yên quay về” (NXB. Trẻ, năm 2007) đã viết: Khi ta được sống trong một mái ấm thật sự và được chia sẻ những yêu thương, tin cậy, âu yếm của tình thân, ta sẽ có một tinh thần sảng khoái. Và chính mái ấm ấy là một trong những pháo đài mạnh mẽ nhất giúp chúng ta vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trường mới Canh Thuận  (08/10/2008)
Khám, phẫu thuật mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo mắc bệnh mù lòa  (08/10/2008)
Hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X)  (08/10/2008)
Rộng khắp phong trào khuyến học  (07/10/2008)
Giải quyết tranh chấp lao động trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế  (07/10/2008)
Để nâng cấp xếp hạng đô thị phải chuẩn bị thật chu đáo  (07/10/2008)
Liên hoan các đội tuyên truyền thanh niên “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”  (06/10/2008)
Thêm 18.000 lao động được giải quyết việc làm  (06/10/2008)
Diện mạo đô thị dần rõ nét  (06/10/2008)
Trường Đại học Quang Trung khai giảng năm học mới  (06/10/2008)
Đi lên từ một chữ “thuận”  (04/10/2008)
Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản năm 2007-2008  (04/10/2008)
Chấn chỉnh tình hình đi họp, công tác  (04/10/2008)
Bình Định đã quan tâm đến đời sống đồng bào người dân tộc và tôn giáo bằng các chính sách cụ thể  (04/10/2008)
Phát hiện nhiều văn bản vi phạm hoặc không phù hợp  (03/10/2008)