Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa phương trong tỉnh nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri để phản ảnh lên kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII dự kiến diễn ra từ ngày 16.10 đến ngày 18.11.2008 tại Hà Nội. Qua các buổi tiếp xúc cử tri, bên cạnh việc bày tỏ niềm vui trước sự phát triển của đất nước, cử tri tỉnh ta cũng đã kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc...
|
Cử tri xã Hoài Đức (Hoài Nhơn) kiến nghị một số vấn đề liên quan đến người dân với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: N.Phúc
|
* Về phát triển kinh tế
Nhiều cử tri đề nghị Chính phủ giải trình và nêu rõ “trách nhiệm thuộc về ai” ở một số lĩnh vực sau:
Chủ trương ngưng xuất khẩu gạo tại thời điểm giá gạo thế giới tăng cao trong khi các “vựa lúa” của nước ta được mùa đã gây tổn thất cho nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu và đời sống của nông dân. Việc rút ngắn lộ trình thuế nhập khẩu gia súc, gia cầm và tăng cường nhập khẩu gia súc, gia cầm trong năm 2008 gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của nước ta. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn Nhà nước, dẫn đến Nhà nước mất dần vai trò chủ đạo trong điều hành doanh nghiệp.... cũng được kiến nghị xem xét.
Cử tri phản ánh thực trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng phức tạp. Đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả tràn lan đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất và thu nhập của nông dân. Tình trạng gian lận trong đo lường, chất lượng xăng, dầu tại các cây xăng ở nhiều tỉnh, thành gây bức xúc cho người tiêu dùng. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng tùy tiện tăng giá, nâng giá; quản lý chặt chẽ hơn nữa giá cả các mặt hàng thiết yếu và các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho phù hợp. Đặc biệt quan tâm đến quy hoạch đất nông nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng KH-KT, tạo thị trường mới cho sản phẩm nông nghiệp. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau, thành lập HTX liên kết để phát huy thế mạnh về vốn, đất đai và các nguồn lực khác.
Chính phủ cần tiếp tục đề ra những chính sách hợp lý để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 73/2006/QH11 của Quốc hội về việc triển khai dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2006 - 2010. Đồng thời có chính sách hợp lý về trồng rừng, phát triển, bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng để người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi có điều kiện cải thiện cuộc sống từ trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có chính sách ưu đãi đối với nghề làm muối và diêm dân, như đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng cho các vùng muối, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao chất lượng muối, tạo điều kiện cho sản xuất, buôn bán và lưu thông muối...
Cử tri cũng phản ánh tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước lạm dụng chính sách mở cửa đầu tư phát triển, đa dạng hóa các thành phần kinh tế, để thành lập công ty “ma”, chiếm dụng đất gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, ngăn chặn và có biện pháp xử lý mạnh, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cho phép thành lập các công ty này.
Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các bộ, ngành chức năng trong quản lý tiền tệ và thắt chặt hơn nữa việc cấp phép thành lập ngân hàng, vì thời gian qua Chính phủ cho phép thành lập quá nhiều ngân hàng cùng với sự quản lý lỏng lẻo trong hoạt động kinh doanh tiền tệ đã ảnh hưởng lớn đến nền tài chính Quốc gia...
* Về văn hóa - xã hội
Nhiều cử tri bày tỏ thái độ đồng tình với chính sách trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có mức lương thấp theo Quyết định số 127/2008/QĐ- TTg ngày 15.9.2008 và tăng mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cho 4 nhóm đối tượng theo NĐ 101/NĐ-CP ngày 12.9.2008; song cần tăng cường thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát có hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội.
Hiện nay, nguồn cung nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp vừa ít về số lượng vừa kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại. Đề nghị Chính phủ có cơ chế, giải pháp ưu đãi cụ thể về xây dựng nhà ở cho người lao động ở các khu công nghiệp.
Đề nghị Bộ GD và ĐT xem xét, nghiên cứu phân bổ ngân sách giáo dục theo điều kiện, nhu cầu thực tế của từng vùng, miền, đồng thời có cơ chế giám sát của ngành giáo dục tại các địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là những chương trình có nguồn vốn vay từ nước ngoài. Đề nghị tăng kinh phí cho hệ giáo dục mầm non để có nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập và chi phụ cấp lương cho giáo viên mẫu giáo. Đề nghị chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh việc in sách giáo khoa có nhiều lỗi, sai sót, thiếu chính xác. Cần cân nhắc kỹ khi cho thực thi đề án tăng học phí trong các cấp học, vì hiện nay người lao động thu nhập thấp, hộ cận nghèo còn cao, nếu tăng học phí sẽ rất khó khăn, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học ngày càng nhiều.
Hiện nay chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều hạn chế, đề nghị Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đáp ứng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề nghị Bộ Y tế phối hợp tăng cường kiểm tra nhập khẩu thuốc chữa bệnh kém chất lượng và thường xuyên kiểm tra giá thuốc nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các bộ, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa chất không đúng quy định trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm, sản xuất hoa màu... không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng.
Cử tri phản ánh tình hình phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng, nạn bạo hành trong gia đình, bạo lực trong học đường, khủng bố, đe dọa có chiều hướng gia tăng, không chỉ tập trung ở đô thị lớn mà đã lan rộng ra các vùng nông thôn, ảnh hưởng đến trật tự trị an, gây nhiều lo lắng và bức xúc trong nhân dân. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và xử lý nghiêm, có tính răn đe cao nhằm hạn chế phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên...
* Về xây dựng bộ máy nhà nước; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xây dựng và thực thi pháp luật
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường thực hiện chức năng giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các dấu hiệu, những hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật của các đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội, tạo niềm tin trong nhân dân. Kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, sửa đổi Luật Hình sự, bổ sung thêm tội danh gây hủy hoại môi trường, nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm.
Cử tri cho rằng: việc đấu tranh chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ chỉ đạo tích cực, nhưng các biện pháp nhằm triển khai, tổ chức, thực hiện như thế nào cần phải được cụ thể hóa để dễ thực hiện. Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; song thực tế công tác này còn nhiều hạn chế, bất cập. Đề nghị Chính phủ quan tâm, tăng cường đầu tư kinh phí và đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu công tác...
|