Cùng với gần 33 ngàn người ở tuổi 50 có tổn thương thị lực trầm trọng cần phải điều trị, Bình Định là một trong những tỉnh, thành có tỉ lệ người trên 50 tuổi bị mù lòa cao nhất trong cả nước. Trong khi đó, năng lực điều trị cũng như công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chăm sóc mắt còn hạn chế.
|
Một ca mổ thay thủy tinh thể nhân tạo cho bệnh nhân trên 50 tuổi tại Bệnh viện Mắt. Ảnh: T.Hiền
|
* Thách thức và cản ngại
Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Phụ trách Bệnh viện Mắt, cho biết: “Hiện nay, tình trạng mù lòa ở những người trên 50 tuổi là thách thức lớn của cộng đồng. Trong khi tỉ lệ bệnh nhân mù lòa do các bệnh nhiễm trùng đã được hạn chế đến mức thấp nhất thì ngược lại bệnh nhân mù không do nhiễm trùng như: thoái hóa hoàng điểm, glôcôm, mù do tiểu đường, bán phần sau… ngày càng gia tăng”.
Năm 2007, bệnh viện đã tiến hành đợt điều tra tình hình mù lòa ở những người trên 50 tuổi và sự trở ngại của cộng đồng trong công tác chăm sóc mắt tại 30 xã trong tỉnh. Kết quả, tỉ lệ bệnh nhân mù hai mắt ở người trên 50 tuổi giảm từ 7,33% (năm 2002) xuống còn 5,76%, nhưng Bình Định vẫn nằm trong top dẫn đầu cả nước về số người mù lòa.
Ước tính hiện nay, Bình Định còn khoảng 17.409 người mù cả hai mắt do các nguyên nhân khác nhau, trong đó đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu chiếm 70%; tiếp đến là glôcôm 10,8%; bệnh lý bán phần sau 6,7%. |
Kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy, có 5 cản ngại ảnh hưởng đến công tác phòng chống mù lòa mà Bình Định cần phải ưu tiên giải quyết trong kế hoạch chăm sóc mắt sắp tới. Đó là, nhận thức cộng đồng về chăm sóc và điều trị sớm các bệnh lý về mắt vẫn còn kém. Phần lớn người dân đến viện điều trị ở giai đoạn muộn, khi cả hai mắt đều đã mù, trong khi khuyến cáo của bác sĩ việc điều trị sớm các bệnh lý này có thể cho kết quả khả quan. Khoảng cách tiếp cận dịch vụ cũng là một thách thức đối với những bệnh nhân bị mù lòa ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, chi phí điều trị hiện đang là gánh nặng đối với người bệnh bởi các quy định hành chính về cơ chế khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều ràng buộc đối với cơ sở y tế chuyên khoa.
Về phía ngành y tế, nhân lực của ngành mắt thiếu và yếu vẫn là bài toán nan giải trong việc triển khai các hoạt động điều trị, chăm sóc mắt cho cộng đồng. Toàn tỉnh mới có 26 bác sĩ, điều này có nghĩa là 1 bác sĩ phải phục vụ cho 60 ngàn dân, trong đó, có 2 bác sĩ chuyên khoa cấp 2, 16 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, 4 thạc sĩ và 4 bác sĩ chuyên khoa định hướng. Nguồn đầu tư trang thiết bị chuyên khoa và dịch vụ chăm sóc mắt cũng còn rất thiếu thốn.
* Tiến tới lộ trình chăm sóc mắt toàn diện
Chính những cản ngại nói trên đã làm cho chất lượng phẫu thuật điều trị các bệnh lý về mắt ở người cao tuổi thấp. Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết thừa nhận: “90% trường hợp phẫu thuật điều trị cho kết quả tương đối tốt, còn 10% thì không có kết quả. Tất nhiên, đây là chuẩn của quốc gia, còn nếu theo chuẩn quốc tế là đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh thì Bình Định chỉ đạt 50%. Hiện tại, ngành mắt mới chỉ loại bỏ mù mắt do bệnh mắt hột ra khỏi cộng đồng, mổ đục thủy tinh thể từ năm 1990 và điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh glôcôm từ năm 2005”.
Hiện nay, chỉ có Bệnh viện Mắt và khoa Mắt BVĐK tỉnh, BVĐK Khu vực Phú Phong, BVĐK Khu vực Bồng Sơn, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ được trang bị một số thiết bị, nguồn lực triển khai được kỹ thuật mổ thay thủy tinh thể nhân tạo. Riêng, các huyện miền núi chỉ có y sĩ chuyên khoa thực hiện công tác khám mắt thông thường. |
Mù lòa đang là một vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, là thách thức không chỉ cho những người đang làm công tác chăm sóc mắt mà còn là vật cản lớn cho sự phát triển kinh tế-xã•hội. Vì vậy, cần phải có những chiến lược lâu dài, những kế hoạch cụ thể nhằm làm giảm tỉ lệ mù lòa bằng những can thiệp vào các căn bệnh chủ yếu gây mù hiện nay cho người dân, hướng tới mục tiêu kiểm soát các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được vào năm 2020 mà Bộ Y tế đã•cam kết cùng Tổ chức Y tế thế giới.
Hiện, Bệnh viện Mắt đang xây dựng kế hoạch chăm sóc mắt giai đoạn 2009-2012, trong đó có mục tiêu hạ thấp tỉ lệ mù lòa do đục thủy tinh thể ở lứa tuổi 50 trở lên xuống còn 2,5%. Để làm được điều này cần phải có các giải pháp: xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống tổ chức phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt từ tỉnh đến cơ sở; đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý cho cán bộ chăm sóc mắt các tuyến; nâng cấp cơ sở hạ tầng và cung cấp trang thiết bị chuyên khoa; đặc biệt tăng cường hoạt động giáo dục tuyên truyền sức khỏe, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các bệnh gây mù có thể phòng chữa được, nhằm có được sự ủng hộ về tài chính và tinh thần cho công tác này.
|