Trong 2 ngày (6 và 7.10), tại TP Quy Nhơn, Bộ LĐ-TB-XH đã tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ có liên quan đến người lao động (NLĐ) của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, nhằm giúp họ có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để chủ động giải quyết tranh chấp lao động trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
|
Đầu tháng 4.2008, công nhân của Công ty TNHH SEPPLUS Bình Định đã nghỉ việc đòi tăng lương và giảm thời gian tăng ca. Ảnh: N.P
|
* Số vụ đình công ngày càng tăng
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, tình trạng tranh chấp lao động, đình công đang gia tăng. Những địa phương có số vụ tranh chấp lao động, đình công dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương (chiếm 82,6% so với tổng số các cuộc đình công trong cả nước). Các địa phương như: Long An, Tây Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu… số cuộc đình công tăng dần hàng năm. Một số tỉnh như Đắc Lắc, Ninh Bình, Thanh Hóa... dù công nghiệp chưa phát triển cũng đã xuất hiện đình công.
Ông Lê Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc đình công là việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật lao động như: không xây dựng thang, bảng lương; quy chế trả lương, thưởng, áp dụng nâng lương không phù hợp; không thực hiện thang bảng lương đã đăng ký; thay đổi định mức lao động; lương thấp; không giải quyết trợ cấp thôi việc; không tham gia BHXH, BHYT; tăng ca quá thời gian quy định; không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa đúng quy định chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại...
Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành, trong đó có Bình Định đã hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) FDI (DN có vốn đầu tư nước ngoài) vào hoạt động. Một số DN dạng này do không chấp hành pháp luật hoặc lách luật để xâm phạm quyền lợi chính đáng của NLĐ. Trong khi đó sự quản lí, can thiệp của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội còn chậm và hiệu quả thấp nên đã xảy ra nhiều tranh chấp lao động giữa NSDLĐ và NLĐ, mà đỉnh cao là các cuộc đình công.
Riêng tại Bình Định, tuy mức độ không lớn nhưng từ đầu năm 2008 đến nay đã xảy ra 2 cuộc tranh chấp lao động ở các DN có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Vụ thứ nhất xảy ra ngày 2.4.2008 tại Cụm công nghiệp thị trấn Bình Định (An Nhơn). 700 công nhân may của Công ty TNHH SEPPLUS (100% vốn Hàn Quốc) đã đồng loạt nghỉ việc đòi tăng lương và giảm thời gian tăng ca. Vụ thứ hai xảy ra vào đầu tháng 9.2008, tại Cụm công nghiệp Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). Khoảng 65 công nhân của Công ty TNHH ESP (100% vốn của Australia) chuyên sản xuất các mặt hàng inox xuất khẩu đã đồng loạt nghỉ việc vì bất bình với các chính sách lao động, tiền lương…
* Chủ động giải quyết tranh chấp lao động
Theo ông Lê Xuân Thành, giải quyết đình công chỉ là một phần nhỏ trong việc giải quyết tranh chấp lao động. Tốt nhất là nên có những biện pháp để giải quyết tốt mối quan hệ NSDLĐ – NLĐ ngay từ bước đầu, không nên để mâu thuẫn phát triển đến đình công mới tìm cách giải quyết.
Trước tiên, về phía NSDLĐ, cần phải tiến hành ký hợp đồng lao động cho NLĐ theo đúng quy định, quy định rõ các điều khoản thỏa thuận; xây dựng quy chế trả lương, thưởng cụ thể; xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, nhiều DN, đặc biệt là khu vực dân doanh và DN có vốn FDI, thường lẩn tránh thực hiện các chế độ đối với NLĐ. Vì vậy, vai trò của các cơ quan chức năng là đặc biệt quan trọng. Phải phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật lao động, nắm chắc tình hình sử dụng lao động và việc thực hiện các quy định về quản lý ngay từ đầu, đồng thời, phải hướng dẫn các DN và theo dõi việc xây dựng các thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế khen thưởng, thang bảng lương, BHXH, an toàn lao động…
Riêng đối với hệ thống công đoàn cơ sở, trước hết phải có các biện pháp nhằm ngày càng nâng cao uy tín của mình, làm cho NLĐ nhận thức được rằng công đoàn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc, nơi bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Quan trọng nhất, công đoàn phải phối hợp với NSDLĐ ký kết các thỏa ước tập thể, những quy định hợp lý về các chế độ cho NLĐ ngay từ đầu năm. Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật cho cả NSDLĐ và NLĐ (đây là nhiệm vụ chung và quan trọng nhất của toàn bộ hệ thống công đoàn), công đoàn cơ sở có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động thi đua trong DN để gắn kết giữa NSDLĐ với NLĐ.
Ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Định, cho biết: “Với làn sóng các DN nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam trong đó có Bình Định sẽ dẫn đến những cuộc tranh chấp lao động xảy ra. Do đó, lớp tập huấn này sẽ giúp cho cán bộ phụ trách lao động chủ động hơn trong việc giải quyết tranh chấp lao động trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”.
|