Trẻ em là đối tượng bị tác động mạnh mẽ của mặt trái kinh tế thị trường. Trẻ em hư, phạm pháp, không vâng lời cha mẹ, trốn học, bỏ học đang là nỗi lo của gia đình, nhà trường và xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự thiếu quan tâm giáo dục về lòng nhân ái cho các em.
|
Lòng nhân ái luôn có sẵn trong lòng tuổi thơ. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Đ.X.T
|
Giáo dục lòng nhân ái cho các em được coi là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội. Lòng nhân ái giúp các em biết yêu thương, quý trọng con người và biết xử lý các tình huống trong quan hệ với cha mẹ, thầy cô và bạn bè một cách vị tha, nhân đạo.
Ông cha ta thường nói “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Con người sinh ra vốn là thiện. Nhưng để giữ được bản chất ấy và có nhiều việc làm tốt đẹp về sau thì ngay từ tuổi ấu thơ các em cần được gieo những hạt mầm nhân ái, biết yêu thương và chia sẻ nỗi đau của đồng loại. Lòng nhân ái là cơ sở của những đức tính tốt như sự hy sinh, lòng dũng cảm, tính vị tha. Đối với trẻ em, lòng nhân ái được nẩy nở trước hết với những người thân trong gia đình: ông bà, cha mẹ, anh chị em. Có biết chăm sóc ông bà từ chén cơm, ly nước hàng ngày mới biết giúp đỡ người già cô đơn, biết đưa ông lão hàng xóm xuống đò qua sông, biết đưa bà cụ qua đường; có biết nhường cho em chiếc bánh, cho chị quyển vở thì mới biết nhường nhịn, chia sẻ với bạn bè; có biết lao động giúp đỡ những công việc gia đình cho cha mẹ, thì mới biết yêu quý lao động và thông cảm với các gia đình lao động nghèo khổ, neo đơn...
Tất cả những tình yêu thương giản dị ấy được lớn dần lên cùng với các em, mở rộng ra họ hàng, làng xóm và xã hội. Chẳng ai tin được những kẻ không biết yêu thương những người ruột thịt của mình, những người gần gũi mình, lại có thể sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước.
Những tấm gương dũng cảm hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân hầu hết là những con người sống có hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh chị. Lòng nhân ái luôn có sẵn trong lòng tuổi thơ, vấn đề là chúng ta phải biết phát hiện, nuôi dưỡng, vun đắp cho nó phát triển.
Bên cạnh việc giáo dục các em biết yêu thương, chăm sóc những người thân trong gia đình, các bậc cha mẹ cần quan tâm đưa các em đến với những khu phố nghèo, những làng quê quanh năm lam lũ, để các em hiểu và thông cảm với những người nghèo khổ bất hạnh... Ở đấy, có các em nhỏ xếp từng củ khoai luộc đi bán, chuẩn bị bao để đi nhặt phế liệu, đi bán vé số, đánh giày... Các em có thấy những bạn nhỏ cùng trang lứa với mình chắt chiu từng trăm bạc lẻ, thì mới không lãng phí trong chi tiêu, vòi vĩnh. Các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo cần thường xuyên hâm nóng tấm lòng nhân ái cho các em, đừng để các em hững hờ trước cuộc sống bất hạnh của bạn bè.
Ở nhà trường, thầy cô thường dạy bảo các em phải biết sống vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì mọi người... Đó là những lý thuyết cần thiết. Nhưng trước hết hãy giúp các em biến những điều giáo dục nói trên thành những nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống bình thường hàng ngày như biết yêu thương, biết giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh.
|