|
Cụ Nguyễn Thị Dã. Ảnh: Xuân Lộc |
Cụ vừa là mẹ liệt sĩ vừa là người cao tuổi nhất tỉnh. Ở tuổi 117, tóc cụ bạc trắng, đôi mắt tinh anh trên khuôn mặt phúc hậu. Bàn tay gầy guộc cụ làm lụng suốt đời, chỉ mong được quây quần bên con cháu. Đó là cụ Nguyễn Thị Dã ở thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ.
Ngôi nhà cấp 4 của cụ Dã cũ kỹ nằm sâu trong xóm sau những rặng tre, bờ kênh, cánh đồng. Gặp cụ, tôi ngạc nhiên đến sững sờ vì không thể ngờ cụ bà 117 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn như vậy.
Cụ Nguyễn Thị Dã có 2 đời chồng và sinh hạ 15 người con (đời trước 3 người, đời sau 12 người). Cả đời cụ gắn bó với nghề dệt vải bằng khung cửi và làm ruộng. Vì chiến tranh, bệnh tật, tuổi già, một số người con của cụ đã hy sinh hoặc qua đời, chỉ còn 2 người con gái và 3 người con trai còn sống. Hiện nay, con, cháu, chắt, chút của cụ có cả thảy gần 100 người.
Tuổi đã cao, tai cụ không còn thính như 3, 4 năm về trước nhưng cụ vẫn còn khỏe mạnh, đi đứng vững chãi, tự ngồi vào mâm cơm, cầm đũa gắp thức ăn và tự đi vệ sinh khi có nhu cầu. Cách đây không lâu, cụ còn khâu vá quần áo và đếm được tiền.
Cô dâu út dẫn chúng tôi đến trước bàn thờ ông bà và chỉ tay lên tấm bằng Huân chương Kháng chiến hạng 3, cấp cho liệt sĩ Nguyễn Hương, nói: “Đó là người con trai thứ 5 của mẹ tôi đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Hàng tháng, bà nhận được 564 nghìn đồng. Tháng trước, con trai tôi lĩnh tiền về, chỉ đưa bà 560 nghìn; bà đếm đi đếm lại và hỏi còn tiền nữa đâu. Có chiếc áo cũ đã sờn rách, bà lấy kim khâu vá lại. Ông nhà tôi đem bỏ đi, khiến bà khóc và hờn trách mấy ngày liền...”.
Cô còn cho biết, tuy sức khỏe của cụ kém dần nhưng cụ rất tiết kiệm và còn có ý kiến sắp xếp công việc gia đình rất hợp lý. Những ngày trời mưa rồi nắng lại, cụ bảo phải đem lúa ra phơi lại cho thật khô để khỏi bị ẩm mốc; lúa khô thì gạo ngon, nấu cơm sẽ lợi hơn. Bà quen sống với chúng tôi, nên khi đi chơi, dù xa hay gần, hễ ở lâu một lúc thì bà đòi về cho bằng được...
Ai cũng biết đời sống tinh thần đã trở thành yếu tố hết sức quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng quyết định đến tuổi thọ con người. Được trò chuyện cùng người con dâu, cháu nội dâu của cụ và nghe tiếng cười giòn giã của đứa chắt nội 7 tuổi đang ôm chầm lấy cụ Nguyễn Thị Dã, chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của con cháu đối với cụ, thể hiện đạo lý “kính lão, trọng thọ” và “uống nước nhớ nguồn”...
Rời khỏi nhà cụ, tôi thầm mong người cao tuổi ngày càng nhiều, ngày càng được con cháu, được xã hội quan tâm chăm sóc với sự kính trọng và lòng biết ơn, hiếu thảo.
|