Rửa tay bằng xà phòng được xem là liều văcxin đơn giản, rẻ tiền nhất để phòng ngừa 47% bệnh tiêu chảy và 30% bệnh viêm đường hô hấp cấp. Tuy nhiên, cộng đồng vẫn chưa quan tâm đến công việc nhỏ nhặt này.
|
“Hãy dành thêm vài giây để bảo vệ sức khỏe trẻ em” là thông điệp được đưa ra trong Ngày thế giới rửa tay bằng xà phòng. - Trong ảnh: Lễ ra quân hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay bằng xà phòng tại Trường Tiểu học Ngô Mây.
|
* Chỉ có 0,4% rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn
Hiện nay 80% các bệnh tật ở con người có liên quan đến nước và vệ sinh môi trường, trong đó 50% số bệnh nhân phải nhập viện và 25.000 người chết hàng ngày. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho thấy, khoảng một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ mắc cao nhất là những bệnh có liên quan tới vệ sinh cá nhân, đặc biệt là hành vi rửa tay bằng xà phòng.
Tại Bình Định, trung bình hàng năm có khoảng 7.000 lượt người mắc bệnh tiêu chảy và trên 6.000 lượt người mắc các bệnh lỵ. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi, thực tế ở cộng đồng còn lớn hơn rất nhiều do bệnh nhân tự điều trị.
Trong số các nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỉ lệ mắc các bệnh nêu trên vẫn còn cao là do ý thức thực hành hành vi vệ sinh của người dân còn kém, đặc biệt là hành vi rửa tay sạch bằng xà phòng. Kết quả điều tra “Thực trạng vệ sinh môi trường nông thôn Việt Nam” do Cục Y tế Dự phòng và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng cấp nước và Vệ sinh môi trường của Trường Đại học Y Thái Bình triển khai thực hiện cho thấy, tỉ lệ không rửa tay thường xuyên của người dân cả nước khá cao, dù tay là nơi tiềm ẩn của hơn bốn triệu mầm bệnh.
|
Các em học sinh Trường Tiểu học Ngô Mây (TP Quy Nhơn) rửa tay bằng xà phòng. |
Trong khuôn khổ dự án “Truyền thông thay đổi hành vi rửa tay với xà phòng”, sáng 15.10, tại Trường Tiểu học Ngô Mây (TP Quy Nhơn), Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức lễ ra quân hưởng ứng “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng”. Cũng trong dịp này, ngoài các trường học, 30 xã trong diện dự án sẽ tiến hành các hoạt động tuyên truyền phong phú: truyền thông ở chợ; sinh hoạt nhóm bà mẹ, ông bà trông trẻ dưới 5 tuổi; hướng dẫn tại hộ gia đình; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… |
Rửa tay bằng xà phòng, một việc làm tưởng chừng như đơn giản, ai cũng có thể làm được và thực hiện một cách thường xuyên nhưng trên thực tế số người thực hiện hành vi này còn rất ít. Kết quả điều tra tại 2.904 hộ gia đình ở 15 xã của huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Nhơn và 86 trường học của tỉnh Bình Định, tỉ lệ người dân rửa tay bằng xà phòng rất thấp. Cụ thể, trước khi ăn chỉ có 0,4% người dân rửa tay bằng xà phòng, sau tiểu tiện 0,3% và sau đại tiện là 1,7%.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho rằng: “Chưa nói đến người dân lao động mà ngay cả cán bộ công chức cũng có rất ít người rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không rửa tay với xà phòng hiện đang là thói quen cố hữu và nguy hiểm đối với sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em”.
* Chỉ cần “chịu khó” một chút!
Trước thực trạng này, đầu năm 2008, Bộ Y tế đã chọn 8 tỉnh làm điểm triển khai dự án “Nâng cao tỉ lệ rửa tay bằng xà phòng phòng chống bệnh liên quan đến phân, nước năm 2007-2008” nhằm giảm tỉ lệ mắc một số bệnh liên quan đến phân, nước ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở Bình Định, từ tháng 5 đến tháng 9.2008, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã triển khai hàng loạt các hoạt động tại 5 xã Cát Hanh, Cát Khánh, Cát Nhơn, Cát Tường và thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát): tập huấn cho các tuyên truyền viên là cán bộ chủ chốt, phụ nữ, y tế, giáo viên các trường mẫu giáo; truyền thông thay đổi hành vi với hình thức hội thi, sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền nhóm nhỏ, phát thông điệp trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Theo các nghiên cứu y tế, việc rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay đến những nơi không đảm bảo vệ sinh sẽ giảm 35% nguy cơ lây truyền vi khuẩn Shigella, E.coli vốn là nguyên nhân gây ra các bệnh tiêu chảy, hạn chế tỉ lệ tử vong, các chi phí tiềm ẩn về y tế và xã hội. |
Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 6.2008, Hội LHPN tỉnh cũng đã triển khai một chiến dịch truyền thông sức khỏe do Ngân hàng Thế giới và Bộ Y tế khởi xướng nhằm tuyên truyền hành vi rửa tay với xà phòng cho người dân 30 xã thuộc 3 huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn.
Bà Nguyễn Thị Đàng, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Truyền thông thay đổi hành vi rửa tay với xà phòng là nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân, nhất là phụ nữ về việc rửa tay đúng cách vì sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Nhiều bà mẹ hiểu rất rõ lợi ích của việc rửa tay bằng xà phòng nhưng khi được hỏi về các bước rửa tay đúng thì đều “ngớ” người. Thông thường, mọi người thường chỉ xát một ít xà phòng vào lòng bàn tay rồi rửa qua loa, mà không chú ý đến việc rửa sạch mu bàn tay, các kẽ tay và kẽ móng tay, nơi tập trung chủ yếu của mầm bệnh và vi khuẩn gây hại. Vì thế, trong hoạt động này, ngoài việc tuyên truyền ý thức, chúng tôi còn hướng đến việc rửa tay đúng cách. Cộng đồng hãy dành thêm vài giây để bảo vệ sức khỏe trẻ em…”.
|