Bình Định là một trong số ít địa phương thực hiện sớm việc bàn giao nguyên trạng trụ sở và cán bộ làm công tác dân số (DS). Tuy nhiên, trong khi bộ máy DS cấp tỉnh và huyện đã ổn định và vận hành tương đối thì đội ngũ chuyên trách DS cấp xã vẫn còn “trục trặc”.
|
Cần phải ổn định bộ máy DS-KHHGĐ tuyến xã để đạt mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số. - Trong ảnh: Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ. Ảnh: T.Hiền
|
* “Lửng lơ” chuyên trách xã
2 năm rồi, anh Châu Thành Đức, Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) vẫn kiêm nhiệm cùng lúc nhiều chức danh, trong đó có nhiệm vụ của một… chuyên trách DS.
Y sĩ Võ Xuân Hùng, Trưởng trạm y tế thị trấn Phù Mỹ, cho biết: “Trạm đã nhận được văn bản nhập chuyên trách DS về trạm nhưng cũng chỉ có tiếng. Trạm chỉ đạo chuyên môn, UBND thị trấn trả lương, cuối cùng, chúng tôi cũng chẳng quản lý được chuyên trách DS xã”.
Đây cũng chính là “trục trặc” của đội ngũ chuyên trách DS cấp xã đã được lãnh đạo các Trung tâm Y tế, Trung tâm DS-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Phòng Y tế mổ xẻ tại hội nghị đánh giá tình hình công tác DS-KHHGĐ 9 tháng đầu năm do Sở Y tế tổ chức hôm 14.10.
Ông Nguyễn Văn Liên, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phù Mỹ, cho rằng, phụ cấp chức vụ của chuyên trách DS xã là 480.000 đồng/tháng do UBND xã chi trả nhưng đến giờ phút này cũng chưa có một văn bản nào bổ nhiệm chức danh chính thức. Vì thế, chuyên trách DS cũng chỉ làm việc ở trạm có một nửa, nửa còn lại thì ở UBND xã.
Cùng chung ý kiến, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoài Ân, bức xúc: “Sau khi rà soát lại đội ngũ chuyên trách DS xã, chúng tôi bật ngửa vì hầu hết đều không có chuyên môn y tế, trình độ năng lực cũng chưa đâu vào đâu. Những người có năng lực một chút thì sau quyết định tách nhập Ủy ban DS-GĐ-TE đã được điều động hoặc xin chuyển làm công tác khác. Đây là điều làm chúng tôi rất lo lắng bởi hiện tại ở Hoài Ân hầu như chuyên trách xã chỉ đóng vai trò trung chuyển các số liệu từ cộng tác viên thôn lên và văn bản từ huyện xuống”.
Mạng lưới chuyên trách DS xã là cánh tay nối dài, đóng vai trò chủ lực quyết định cho sự thành công của công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, một điều dễ thấy hiện nay, dù bộ máy DS-KHHGĐ ở Bình Định được xem là vận hành tương đối ổn, nhưng vị trí, chức danh chuyên trách DS xã vẫn chưa được bổ nhiệm rõ ràng, nhiều người có tâm trạng hoang mang, không còn nhiệt tình trong công việc, thậm chí có chuyên trách 5 tháng liền không hề tham dự… một buổi họp giao ban công tác ở huyện. Bà Hằng cho rằng, đến thời điểm này, nhân lực làm công tác DS ở tuyến xã còn rất mù mờ. Chính điều này đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả hoạt động của các đợt chiến dịch cũng như công tác DS-KHHGĐ trong 9 tháng đầu năm.
* Vẫn phải chờ văn bản chỉ đạo từ Trung ương
Theo bác sĩ Huỳnh Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Tây Sơn, với kiểu “lửng lơ” của đội ngũ làm chuyên trách DS như hiện nay, trung tâm đang “bí” về công tác chỉ đạo và đôn đốc công tác chuyên môn. Đồng thời, đề nghị Sở và Chi cục phải có văn bản chỉ đạo rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của lực lượng này.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho rằng đây là thực trạng chung của cả nước. Theo Thông tư 05/2008/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương do Bộ Y tế ban hành ngày 14.5, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã là viên chức của trạm Y tế xã, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng trạm. Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã phải được đào tạo chuyên môn ít nhất là trung cấp, hoặc tốt nghiệp THPT đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng khó khăn.
Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 12.921 trẻ được sinh ra, tương đương với DS của một xã đông dân. Năm 2008, HĐND và UBND tỉnh giao chỉ tiêu mức giảm tỉ lệ sinh là 0,6%o, giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 là 1,5%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm DS-KHHGĐ 11 huyện, thành phố thì số trẻ sinh ra trong 9 tháng đầu năm tăng 275 trẻ so với cùng kỳ năm 2007; số trẻ là con thứ 3 trở lên chiếm 17,2% tổng số trẻ được sinh ra, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2007. Trong khi đó, tỉ lệ giới tính trẻ nam/nữ khá cao 125/100. |
Việc ra đời Thông tư 05 là sự cố gắng rất lớn của Bộ Y tế để ổn định bộ máy tổ chức DS từ tỉnh đến xã. Tuy nhiên, điều này lại “vướng” với Thông tư liên tịch 08 và Nghị định 121 về định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước đã được ban hành trước đó. Vì thế, để giải quyết mớ bòng bong này không còn cách nào khác là phải chờ chỉ đạo từ Trung ương. Cụ thể là chờ Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu sửa đổi bổ sung Thông tư Liên tịch số 08 để bổ sung định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước sau khi lĩnh vực DS-KHHGĐ được bàn giao sang ngành Y tế.
Như vậy, theo phương án của Bộ Y tế, trong thời gian tới, đội ngũ chuyên trách DS sẽ được giải quyết theo hướng: tuyển dụng ngay vào cán bộ viên chức xã những người có đủ điều kiện; cán bộ kiêm nhiệm thì tách ra, cán bộ còn tuổi và nhiệt huyết sẽ tiếp tục đào tạo để sử dụng, đồng thời xem xét thời gian cống hiến, làm việc của những người không đủ điều kiện để giải quyết chế độ trong điều kiện có thể để vừa thấy được những cống hiến của họ, vừa bù đắp được một phần kinh phí để giải quyết vấn đề đời sống.
Ông Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết, thời gian tới, cũng như nhiều tỉnh khác trong cả nước, Bình Định vẫn còn khó khăn về nhân sự làm công tác DS cấp xã nhưng không vì thế mà không thực hiện các nhiệm vụ DS-KHHGĐ đã được giao.
|