KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20.10.1930 - 20.10.2008)
Những “bông hoa” sản xuất, kinh doanh giỏi
9:11', 18/10/ 2008 (GMT+7)

Ngày 14.10 vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương những phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi toàn tỉnh lần thứ II. Dưới đây là 3 gương mặt tiêu biểu trong số hơn 60 phụ nữ điển hình có mặt trong hội nghị ấy. Họ không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà họ còn giúp vốn, tạo việc làm cho những phụ nữ khác tại địa phương…

 

Giao lưu nhân Hội nghị biểu dương phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi. Ảnh: Văn Lưu

 

Chị Đinh Thị Día, 36 tuổi, ở làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh):

Người ta khổ nên mình giúp

Năm nào, chị Día và chồng cũng cố gắng phát được 1-2 ha rẫy, được đến đâu lại trồng trỉa đến đó. Nhưng không vốn, không có kiến thức nên cái cây, cái con chị trồng trỉa, chăm sóc chẳng mấy khi tốt lên được. Năm 2005, thông qua Hội phụ nữ, chị Día mạnh dạn vay ngân hàng CSXH được 30 triệu đồng đầu tư cho sản xuất. Học tập các phương pháp khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, trên những vườn đào nhỏ tuổi, chị trồng xen canh cây ngắn ngày như đậu, đỗ, bắp lai... để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và đầu tư cho các vườn điều đang lớn, rồi nuôi bò.

Chị tâm sự: “Tôi khổ từ nhỏ nên biết được nỗi khổ của người nghèo. Bởi vậy, khi thấy nhiều người trong làng đã vượt khó, cuộc sống sung túc hơn, tôi đã nhủ thầm rằng mình phải ráng”. Từ “ráng” một con bò đầu tiên, đến nay, gia đình chị đã có đàn bò 13 con. Năm ngoái, chị lại đào ao thả 3.000 con cá giống, cuối năm nay sẽ thu hoạch. Ngoài ra, gia đình chị còn có 4 ha bắp, lúa, đậu xanh và các cây ngắn ngày khác. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình chị từ 90 - 100 triệu đồng.

Từ năm 2007, chị Día đã tự nguyện cho 4 chị trong làng vay, mỗi người 4 triệu đồng để phát triển kinh tế. Chị nói: “Cùng là người một làng, cũng là hội viên phụ nữ, người ta khổ hơn mình thì cớ sao mình lại không giúp. Nếu có điều kiện, tôi sẽ giúp nhiều hơn nữa”.

Chị Nguyễn Thị Phượng, 42 tuổi, chủ cơ sở may Phượng Cường, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn):

Tôi đã từng không có tiền để học nghề

Cha liệt sĩ. Mẹ thương binh một nách nuôi 5 con, nên học xong lớp 12 chị Phượng đi học nghề dù rất muốn học tiếp lên đại học. Vào Quy Nhơn học nghề, chị phải vay mượn chị em, bạn bè mới đủ tiền. Vừa ra nghề thì lấy chồng, theo nghề nông nhà chồng, chị “bỏ lửng” nghề may từ đó.

Năm 2000, chị Phượng nghỉ công tác phụ nữ ở xã, về nhà buôn bán nhỏ. Buổi sáng, chị bán chè. Buổi chiều, bán bắp nướng, chuối chiên. Thấy những người bán vải rong trong chợ được nhiều người đặt hàng, chị chợt nảy ra ý tưởng: may quần áo để bán. Nghĩ là làm. Nghề may đã “lụt” đi nhiều, hàng ngày chị phải “luyện” cắt, may cho thuần thục, và học thêm những kiểu quần áo mới. Ban đầu, chị mua thử một bao vải “ký” với giá 4.000 - 4.500 đồng/m, may một số mẫu quần áo, rồi đến từng nhà bán. Vừa bán vải, vừa may cho khách. Hàng may của chị vừa rẻ lại đẹp nên khách đông dần. Chị bắt đầu đặt mua vải ở TP. Hồ Chí Minh, tuyển thêm nhân công để may bỏ “sỉ” quần áo ở các chợ trong huyện. Doanh thu hàng năm của cơ sở hiện đạt khoảng vài trăm triệu đồng.

Xuất phát từ nhu cầu công việc và cũng muốn tạo điều kiện học nghề cho người có nhu cầu thực sự, chị Phượng nhận đào tạo nghề miễn phí. “Ngày xưa tôi cũng đã từng không có tiền đi học nghề mà”- chị giải thích. Mỗi năm, cơ sở của chị đào tạo nghề cho hàng trăm học viên thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo. Học xong, họ có thể làm việc ở chỗ chị hoặc được giới thiệu đến làm ở các nơi khác.

Chị Nguyễn Thị Hiệp, 44 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Thành Long ở xã Phước Thành (Tuy Phước):

Tôi may mắn có gia đình hậu thuẫn

Trước, chị Hiệp chỉ là người mua bán các mặt hàng nhựa, bao bì nhựa với quy mô nhỏ. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hàng nhựa rất lớn, từ đồ gia dụng đến các vật liệu phục vụ trong nuôi trồng, sản xuất nên năm 2000, chị quyết định đầu tư một máy thổi cuộn, chuyên sản xuất túi nylon các loại. Ban đầu chị mua nguyên liệu từ TP. Hồ Chí Minh. Sau nhận thấy, có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ bằng cách thu gom các loại nhựa phế liệu, phế thải rắn, túi nylon đã qua sử dụng tại địa phương. Ngoài ra, chị Hiệp còn đến các tỉnh lân cận và phía Nam để ký hợp đồng thu mua với các nơi xử lý rác thải.

Năm 2005, chị Hiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất lớn có quy trình sản xuất khép kín với giá trị khoảng 30 tỉ đồng. Sản phẩm là các chai pét, túi nylon ươm cây trồng rừng, màng phủ công nghiệp và nguyên liệu hạt nhựa  cung cấp cho các nhà sản xuất khác. Công ty thu hút khoảng 200 nhân công địa phương vào làm việc, trong đó có nhiều phụ nữ có hoàn cảnh neo đơn, với mức lương bình quân trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng.

Hiện, chị tiếp tục xây dựng cơ sở sản xuất thứ hai tại CCN Gò Mít (huyện Phù Cát) với số tiền đầu tư vài chục tỉ đồng. Chị tâm sự, mình may mắn khi có được sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình: Người thân đã góp vốn xây dựng nên cơ sở sản xuất ngay từ những ngày đầu; còn “ông xã” vốn là thợ cơ khí nên giúp “bà xã” khá nhiều trong việc quản lý, sửa chữa các máy móc, thiết bị sản xuất. Chị Hiệp có bốn con, cháu nhỏ nhất mới 7 tuổi. Bởi vậy, dù bận gì thì bận nhưng chị vẫn ưu tiên “số một” cho các con của mình.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người nghèo có an cư mới lạc nghiệp  (18/10/2008)
Khai giảng năm học mới 2008- 2009  (18/10/2008)
Giám đốc Sở LĐTB&XH được phê duyệt miễn, giảm tiền sử dụng đất  (17/10/2008)
Gia đình một người mù, neo đơn được trợ giúp làm hộ tịch  (17/10/2008)
Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển”  (17/10/2008)
“Trục trặc” bộ máy dân số cấp xã  (17/10/2008)
Mưa lớn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh  (17/10/2008)
Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng  (17/10/2008)
Phát huy lợi thế để phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ  (17/10/2008)
Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm tra Đảng  (16/10/2008)
Trường CĐSP Bình Định khai giảng năm học mới  (16/10/2008)
Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, chức việc các tôn giáo  (16/10/2008)
Mưa lũ gây thiệt hại gần 600 triệu đồng  (16/10/2008)
Hãy dành thêm vài giây…!  (16/10/2008)
“Công tác kiểm tra đã góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…”  (16/10/2008)