Hôm nay (19.10), TP Quy Nhơn (Bình Định) long trọng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 406 năm tên gọi phủ Quy Nhơn (1602 – 2008), 110 năm thành lập đô thị tỉnh lỵ Bình Định (1898 – 2008) và 10 năm Quy Nhơn được nâng cấp đô thị loại II (1998 – 2008). Đây là dịp để người dân thành phố được mệnh danh là nơi “quy tụ nhơn nghĩa” này ôn lại cội nguồn lịch sử, trân trọng, giữ gìn, vun đắp và tô thắm những gì mà tổ tiên và các thế hệ cha anh đã dày công xây dựng.
Để có được tầm vóc như hôm nay, hơn 4 thế kỷ qua, TP Quy Nhơn đã trải qua những bước thăng trầm của lịch sử. Trước thế kỷ X, nơi đây là vùng đất của cư dân cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn nổi tiếng. Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã cho thành lập phủ Hoài Nhơn bao gồm ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Đến năm 1602, lần đầu tiên trong lịch sử, địa danh Quy Nhơn xuất hiện khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn và coi đây là đơn vị hành chính cấp tỉnh. Quy Nhơn - Bình Định là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, là quê hương của các anh hùng dân tộc tiêu biểu Quang Trung - Nguyễn Huệ, Mai Xuân Thưởng, Võ Trứ, Trần Cao Vân, Tăng Bạt Hổ, Ngô Mây, của các danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Yến Lan, Chế Lan Viên.
Qua 5 lần thay đổi tên gọi khác nhau, lần cuối cùng vào năm 1832 vua Minh Mạng đổi tên phủ Quy Nhơn thành tỉnh Bình Định cho đến ngày nay. Tròn 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, bằng bàn tay và khối óc, với nước mắt, mồ hôi và cả xương máu, những “con Rồng, cháu Tiên” đã biến “Châu Ô khắc nghiệt” đầy nắng, gió và cát thành những xóm làng trù phú, rồi đến những phố phường đông đúc, phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa qua hai cửa biển Kẻ Thử và Thị Nại - tiền thân của cảng biển Quy Nhơn ngày nay. Ngày 30.4.1930, toàn quyền Đông Dương Pas-ki-ơ đã ra Nghị định nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành thành phố cấp 3. Đây là một trong những đô thị ở nước ta thời bấy giờ đạt tiêu chuẩn cả về phương diện hành chính lẫn kinh tế, văn hóa.
Quy Nhơn cũng là nơi hưởng ứng mạnh mẽ phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu năm 1925 và phong trào truy điệu cụ Phan Chu Trinh năm 1926. Đây còn là nơi “tụ nghĩa” của Tân Việt cách mạng Đảng với nhiều phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi...
Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Quy Nhơn ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từng bước đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Với kết quả đó, ngày 18.6.1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định mở rộng và nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành thành phố thuộc tỉnh và 12 năm sau, ngày 4.7.1998, Chính phủ quyết định công nhận Quy Nhơn là đô thị loại II. Những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Quy Nhơn tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng về mọi mặt. Kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng và phát triển, giá trị tổng sản phẩm địa phương (GDP) năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống còn 4,85%, GDP bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng...
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, ông Thái Ngọc Bích nói rằng, nét nổi bật trong quá trình phát triển của Quy Nhơn những năm gần đây là tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh, không gian đô thị không ngừng được mở rộng. Vào dịp tổ chức Festival Tây Sơn – Bình Định 2008, du khách đến Quy Nhơn (và ngay cả người Quy Nhơn) cũng ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của TP bằng hàng loạt công trình nâng cấp, chỉnh trang đô thị. Đặc biệt, các dự án lớn về giao thông và kinh tế mang tính chiến lược đã được thực hiện như: đường Quy Nhơn - Sông Cầu; đường dẫn và cầu Thị Nại (cây cầu vượt biển dài nhất nước) nối liền khu kinh tế Nhơn Hội, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác các tiềm năng, lợi thế của Quy Nhơn, mở ra triển vọng mới về tương lai phát triển của thành phố này.
. Theo Ngọc Toàn (Báo Thanh niên) |