Quy Nhơn trong tôi
7:27', 20/10/ 2008 (GMT+7)

1. Tôi sinh ra ở một ngôi làng nhỏ ven dãy Sơn Triều, cách thành phố Quy Nhơn chừng 20 cây số. Trong miền ký ức tuổi thơ tôi, Quy Nhơn là một phố thị nhộn nhàng kẻ bán người mua; là hình ảnh những rổi cá đung đưa phía sau những chiếc xe lam ba bánh nổ bành bành, bên trong người đông như nêm cối… Ngày giỗ chạp, những đứa em con chú họ cùng trang lứa với tôi từ Quy Nhơn tụ hội về quê trong những bộ quần áo đẹp đẽ, nói năng đĩnh đạc đã gợi lên trong tôi những giấc mơ xa vời về một cuộc đời thành phố…

Rồi tôi lớn lên, tầm mắt được mở ra, khoảng cách 20 cây số từ nhà tôi xuống phố Quy Nhơn như cũng ngắn lại dần. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi về công tác ở Quy Nhơn thì thành phố này đã trở nên bé lại trong tôi.

Những ngày tháng sống trong khu tập thể ở phố Trần Hưng Đạo, gần bến xe cũ, đêm đêm bạn bè tôi vẫn tụ tập; có rủng rẻng vài đồng thì làm ly “trái cây lên men”, không tiền thì làm vài cốc “rượu mật mía”,... Rượu vào dẫu có say, có mệt bao nhiêu thì sáng sớm cũng phải thức dậy bởi muôn nghìn âm thanh vỗ đập vào tai. Một ngày mới khởi động từ 3 giờ sáng với tiếng máy xe lam, tiếng heo bị chọc tiết ở lò mổ, tiếng cô phát thanh viên lanh lảnh báo giờ đi của mỗi tuyến ô tô, tiếng cửa sắt của các tiệm kéo ra keng kéc…

Quy Nhơn trong tôi còn là sự hối hả của những chiếc xích lô chở đầy những rổi cá, vắt vẻo thêm một người đàn bà phóng ngược hướng biển; những đoàn người nhà quê kĩu kịt trên vai đôi thùng ruốc mỗi độ xuân về; những cụ già đêm đi xem hát bội ở bãi văn hóa mà không quên cầm theo cái đòn trên tay…

Quy Nhơn còn đẫm lại trong tôi là những buổi chiều ngồi ở quán cóc ven biển thả mắt ra xa, nơi lấp lánh bóng con tàu trắng dập dềnh trên sóng, hoặc hướng về Ghềnh Ráng mà xem ánh nắng chiều dán núi vào khung trời biển để nhìn ra màu nắng Quy Nhơn cùng với nhà thơ Bế Kiến Quốc:

Trong và ngọt nắng chiều màu nước mía…

2. Năm 1990, tôi từ giã gian phòng tập thể ở phố Trần Hưng Đạo về định cư bên làng hoa Xuân Quang dưới chân núi Bà Hỏa. Quy Nhơn lại cho tôi những cảm xúc mới. Hình ảnh những vườn hoa vạn thọ chạy dài ven chân núi, người trồng hoa nghiêng đôi bình hoa tưới vào những luống hoa vàng rực, mờ ảo trong sương sớm cứ cháy mãi trong tôi. Cái góc khuất nơi làng hoa yên ả này cho tôi cảm nhận một Quy Nhơn yên bình của những người lao động cần mẫn sớm tối đi về ra rả chuyện vãn. Cái làng hoa ven phố này tưởng sẽ vĩnh viễn tồn tại nhưng không phải thế. Những vườn hoa vạn thọ rồi cũng mòn dần bởi những ngôi nhà cao tầng lần lượt mọc lên.

Tiếc nuối lắm thay nhưng biết làm sao được: Quy Nhơn đang lớn dần lên!

3. Làm nghề báo, tôi có dịp đi nhiều nơi trên khắp đất nước. Trước khi được công nhận là thành phố đô thị loại II, hơn mười năm trước, nhiều trắc nghiệm cho thấy, Quy Nhơn trong lòng người cả nước hãy còn mờ nhạt lắm. Khi được giới thiệu tôi là người ở Quy Nhơn, không ít người đã phải hỏi lại: Quy Nhơn ở đâu vậy, thậm chí có tờ báo lớn còn in rành rành thị xã Quy Nhơn dù Quy Nhơn đã là thành phố từ rất lâu! Ngày ấy, muốn người ta biết Quy Nhơn ở đâu, cứ phải nhờ đến “ông Quang Trung”, “ông Hàn Mặc Tử”!...

Giờ thì đã khác!

Sau mười năm lên thành phố đô thị loại II, những công trình xây dựng quy mô lớn cộng với sự nỗ lực tiếp thị mình, Quy Nhơn đã quen thuộc trong lòng người cả nước! Còn ai mà không biết Quy Nhơn với cây cầu vượt biển dài nhất nước? Còn ai mà chưa nghe đến Festival Tây Sơn – Bình Định?...

Bắc cây cầu qua Nhơn Hội, mở con đường Quy Nhơn – Sông Cầu, mở rộng không gian hướng biển bằng còn đường Xuân Diệu cùng hàng loạt công viên… Quy Nhơn đã không còn loay hoay trong chiếc áo chật!

4. Tôi có đông bạn bè ở khắp trong Nam ngoài Bắc, mỗi lần đến Quy Nhơn họ thường đề nghị tôi đưa đi thăm thú cho biết Quy Nhơn là thế nào và cứ như thế, năm này qua năm nọ, tôi đã trở thành hướng dẫn viên du lịch thực thụ bởi đã có thể trả lời trơn tru những câu hỏi về Quy Nhơn. Đến Ghềnh Ráng bạn tôi cứ xuýt xoa bởi vẻ đẹp hiếm có của Bãi Trứng để rồi ngạc nhiên: sao lại có một thắng cảnh mà vừa đụng chân xuống biển nghe sóng vỗ lại có thể trèo ngay lên núi nghe chim hót? Còn chị Mười, vợ của nhà thơ Hoàng Hưng lại không ngớt lời trầm trồ thán phục khi qua đèo Quy Hòa: Quy Nhơn tuyệt quá, đèo Quy Hòa như một phiên bản của đèo Ngoạn Mục! …

5. Đêm từ mọi góc độ ở thành phố Quy Nhơn nhìn về hướng núi Vũng Chua, ánh sáng từ trạm rađa, đài phát sóng liên hợp thành một con tàu bừng sáng trong mây trông như một vì tinh tú khổng lồ trôi giữa trời xanh… Chẳng hiểu sao cái “con tàu liên hợp” khi mờ khi tỏ ấy từ lâu cứ hằn sâu trong tâm tưởng tôi như một biểu tượng của thành phố Quy Nhơn! Ở Quy Nhơn, đêm tôi vẫn thường ngửa cổ nhìn lên bầu trời và nhìn vào cái biểu tượng ấy. Còn đi đâu xa, trong tôi vẫn cứ lấp lánh bóng dáng của con tàu!

Ơi Quy Nhơn của tôi! Giờ thì tôi đã biết vì sao cuộc đời tôi lại gắn chặt đến thế vào mảnh đất này dẫu cũng đã có lần tôi muốn từ bỏ nó mà đi!

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn hôm nay và ngày mai  (20/10/2008)
Quy Nhơn tụ nghĩa!  (19/10/2008)
Gần 50 học sinh nghèo được nhận học bổng của AIG Life Việt Nam  (18/10/2008)
Triển khai Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm  (18/10/2008)
Những “bông hoa” sản xuất, kinh doanh giỏi  (18/10/2008)
Người nghèo có an cư mới lạc nghiệp  (18/10/2008)
Khai giảng năm học mới 2008- 2009  (18/10/2008)
Giám đốc Sở LĐTB&XH được phê duyệt miễn, giảm tiền sử dụng đất  (17/10/2008)
Gia đình một người mù, neo đơn được trợ giúp làm hộ tịch  (17/10/2008)
Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển”  (17/10/2008)
“Trục trặc” bộ máy dân số cấp xã  (17/10/2008)
Mưa lớn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh  (17/10/2008)
Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng  (17/10/2008)
Phát huy lợi thế để phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ  (17/10/2008)
Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm tra Đảng  (16/10/2008)