Trường THPT Quy Nhơn:
Tiên phong ứng dụng phương pháp dạy học e-learning
15:23', 21/10/ 2008 (GMT+7)

Đầu năm học 2008, trường THPT Quy Nhơn đầu tư khoảng 275 triệu đồng, trang bị hệ thống máy tính và nối mạng, trở thành trường đầu tiên trong tỉnh ứng dụng mô hình e-learning trong dạy và học. Đây là phương pháp dạy học mới với nhiều ưu thế nổi trội và được xem là con đường tất yếu của giáo dục trong thời đại số.

* Phương pháp dạy học mới

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT), nhất là việc hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục, Ban lãnh đạo trường THPT Quy Nhơn luôn có ý thức xây dựng đội ngũ giáo viên có khả năng ứng dụng thành thạo CNTT, và một bộ phận quản trị mạng, nhân viên kỹ thuật chuyên môn sâu nhằm hỗ trợ giáo viên bộ môn và học sinh trong quá trình dạy và học cũng như cập nhật những phần mềm mã nguồn mở có chất lượng mà nhiều trường trong và ngoài nước ứng dụng thành công.

 

Tại các lớp học E-learning, bàn ghế được bố trí theo hình chữ U, rất thuận tiện cho việc thảo luận nhóm. Ảnh: S.L

 

Theo ông Dương Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, thực tế của nhà trường là chất lượng đầu vào thấp, những “hạt gạo dưới sàng” có sức ỳ lớn luôn là một thách thức đối với nhà trường. Vấn đề đặt ra là bằng mọi cách khắc phục lỗ hổng kiến thức cho các em, tạo hứng thú trong học tập sau đó là kích hoạt khả năng tự học tiến tới nâng cao chất lượng học tập.

Sau quá trình tham khảo mô hình học tập theo phương pháp e-learning được áp dụng thành công ở nhiều trường trong và ngoài nước, nhà trường mạnh dạn đầu tư, đưa phương pháp này vào giảng dạy. Trường THPT Quy Nhơn có 23 lớp với trên 1.000 học sinh ở cả ba khối 10, 11, 12, trường chọn 3 lớp thuộc khối 10 và 11 để thí điểm phương pháp e-learning.

Trong phương pháp dạy học truyền thống, thầy tiếp xúc trực tiếp với trò. Thầy đóng vai trò chủ động, trò thường bị động. Do đó, học sinh lĩnh hội kiến thức từ hai nguồn sách giáo khoa và bài giảng của giáo viên. Với phương pháp mới, e-learning có thể làm biến đổi cách học cũng như vai trò của học sinh. Đặc biệt, e-learning cho phép học sinh tra cứu trực tuyến những kiến thức có liên quan đến bài học một cách tức thời, duyệt lại những phần đã học một cách nhanh chóng, trao đổi với những người cùng học hoặc giáo viên ngay trong quá trình học, những điều mà theo cách học truyền thống là không thể có được. Dưới sự hướng dẫn, tuyển chọn của giáo viên bộ môn, các em sẽ tiếp cận, truy cập vào các thư viện điện tử, website học tập để lấy tài liệu. Thông qua hệ thống quản trị, kiểm duyệt chặt chẽ, các giáo viên dễ dàng kiểm tra quá trình học trên lớp cũng như mức độ sử dụng phương tiện học tập và thái độ tự học của các em.

* Kết quả bước đầu

Với 70 máy vi tính nối mạng, áp dụng cho 3 lớp với khoảng 120 học sinh, hoạt động từ đầu năm học đến nay, phương pháp e-learning đã bước đầu cho kết quả khả quan. Khả năng tiếp cận với CNTT ở các em được cải thiện rõ rệt, ngay cả ở những học sinh nông thôn chưa từng tiếp xúc với máy vi tính. Việc hướng dẫn và giao các em soạn bài, thuyết trình và phản biện trước lớp đã giúp khắc phục nhược điểm rụt rè, bị động trong học sinh, đồng thời trao các em cơ hội, phát huy khả năng khai thác nguồn tài nguyên kiến thức ở xa lộ thông tin mạng rộng lớn, đã tạo không khí cạnh tranh, thi đua sôi nổi trong từng nhóm học. Việc thiết kế bài giảng trên máy, tài liệu học tập được soạn thảo, in ra phát đến từng học sinh giúp thầy và trò tiết kiệm rất nhiều thời gian do không phải ghi bảng và đọc chép nhiều. Khoảng thời gian tiết kiệm đó sẽ dùng vào việc thực hành, giải bài tập, thảo luận… nhờ đó những học sinh có lực học yếu có điều kiện nắm bắt kịp bài.

Theo ông Dương Văn Minh, với đặc trưng đầu vào của học sinh trường tư thục, sự hỗ trợ của các thiết bị trực quan sinh động sẽ tạo hứng thú cho các em tập trung tiếp thu bài giảng. Đa số học sinh đều hào hứng với mô hình học mới này và bản thân các em khẳng định e-learning có tác động tích cực trong việc tiếp thu bài giảng và kích hoạt khả năng mày mò, tự học vốn không là điểm mạnh của học sinh trường tư thục. Việc xây dựng hệ thống giáo viên trẻ về tuổi đời và sức làm việc, sức sáng tạo cũng là một trong những chiến lược phát triển lâu dài của nhà trường.

E-learning là phương pháp dạy học còn mới mẻ ở Việt Nam. Sự đổi mới công nghệ kết hợp với phương pháp dạy học truyền thống, là hướng đi đúng, hiệu quả của nhà trường đồng thời cũng nhằm góp phần xã hội hóa giáo dục theo hướng hiện đại, hưởng ứng lời kêu gọi Bộ GD-ĐT lấy năm 2008 “là năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

  • Sao Ly

E-learning (viết tắt của Electronic Learning) là một thuật ngữ mới, dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên CNTT và truyền thông. Cụ thể hơn, e-learning là sự phân phát các nội dung học tập sử dụng các công cụ điện tử hiện đại như máy tính, mạng vệ tinh, mạng internet..., trong đó nội dung học có thể thu được từ các website, đĩa CD, băng video, audio... Thông qua hệ thống máy vi tính, người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới các hình thức như e-mail, thảo luận trực tuyến (chat) hay diễn đàn (forum)...

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Hội LHPN tỉnh   (21/10/2008)
Tôn trọng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức  (20/10/2008)
Mưa lớn gây lũ ở Tuy Phước  (20/10/2008)
Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà cho hộ nghèo  (20/10/2008)
Quy Nhơn trong tôi  (20/10/2008)
Quy Nhơn hôm nay và ngày mai  (20/10/2008)
Quy Nhơn tụ nghĩa!  (19/10/2008)
Gần 50 học sinh nghèo được nhận học bổng của AIG Life Việt Nam  (18/10/2008)
Triển khai Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm  (18/10/2008)
Những “bông hoa” sản xuất, kinh doanh giỏi  (18/10/2008)
Người nghèo có an cư mới lạc nghiệp  (18/10/2008)
Khai giảng năm học mới 2008- 2009  (18/10/2008)
Giám đốc Sở LĐTB&XH được phê duyệt miễn, giảm tiền sử dụng đất  (17/10/2008)
Gia đình một người mù, neo đơn được trợ giúp làm hộ tịch  (17/10/2008)
Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển”  (17/10/2008)