Chương trình tiêm chủng mở rộng đứng trước thách thức
9:27', 23/10/ 2008 (GMT+7)

Việc dùng các loại văc xin tiêm chủng cho trẻ em để tạo sức đề kháng chống lại các mầm bệnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những  tai biến sau tiêm văc xin thời gian qua đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2008.

 

Sau những biến cố về tiêm chủng, nhiều bà mẹ ngại đưa con đi tiêm chủng (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.Hiền

 

* Thành quả

Mục đích của chương trình TCMR là bảo đảm cho trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng các bệnh: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan, viêm não Nhật Bản và thương hàn nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Ngoài ra, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi 15-35 để bảo vệ trẻ khi sinh ra không mắc bệnh uốn ván sơ sinh.

Công tác TCMR được triển khai rộng khắp và mang tính xã hội hóa cao. Từ chỗ chương trình TCMR còn phải vận động, là công việc của ngành y tế, đến nay đã thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng. Người dân đã có ý thức hơn trong việc đưa con em đi tiêm chủng. Việc tiêm phòng đầy đủ các loại văc xin cho trẻ ngay từ những tháng đầu đời được xem là biện pháp hữu hiệu và tích cực nhất giúp ngăn ngừa, thanh toán hoặc khống chế sự trở lại của các bệnh truyền nhiễm như: uốn ván sơ sinh, bại liệt, sởi...

Qua giám sát các bệnh thuộc chương trình TCMR tại các bệnh viện trong tỉnh, cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 7 trường hợp bị liệt mềm cấp/bại liệt, trong đó 5 trường hợp ở TP Quy Nhơn và 2 ở Tuy Phước. Kết quả xét nghiệm mẫu phân của 7 trường hợp nói trên đều cho kết quả âm tính với bệnh bại liệt. Số trường hợp trẻ mắc hoặc nghi ngờ uốn ván sơ sinh, sởi, cũng như các bệnh trong chương trình cũng không có.

Hiện nay, Việt Nam đã chính thức thanh toán bệnh bại liệt và uốn ván sơ sinh.

* ... và thách thức

Một vấn đề đặt ra hiện nay là tình hình tiêm văc xin nói chung và TCMR nói riêng đã có xu hướng giảm. Việc huy động trẻ em đến tiêm chủng khó khăn, trong khi việc tiêm chủng tại các điểm dịch vụ cũng đã giảm đi đáng kể. Tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn năm trước. Nguyên nhân chính là do diễn biến của tình hình bệnh xơ hóa cơ delta mà nhiều người nghĩ do tiêm vắc xin phòng bệnh, đặc biệt gần đây là sự cố sốc nhiễm độc priorix, văc xin viêm gan B tại một số tỉnh, thành.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, kết quả tiêm chủng đầy đủ 7 loại văc xin cho trẻ em trong năm 2008 của Bình Định đến thời điểm này mới đạt 62,05%. Tỉ lệ trẻ được tiêm chủng văc xin phòng bệnh viêm gan B mũi 1 đạt rất thấp 21,22%, văc xin sởi mũi 2 hiện vẫn chưa có. Trong khi đó, tỉnh cũng đã nhận văc xin viêm não Nhật Bản nhưng chưa có bơm kim tiêm do đấu thầu chậm.

Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết: “Sau một số sự cố tai biến về tiêm phòng văc xin cho trẻ, nhiều bà mẹ hoang mang, lo ngại không đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng, trong khi đó, nhân viên y tế ở các khoa sản và y tế cơ sở cũng ngại không dám tiêm, ảnh hưởng đến kết quả công tác TCMR. Việc giảm sút tỉ lệ trẻ được tiêm chủng không gây tác hại ngay lập tức, nhưng nếu tình trạng trẻ không được tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn tiếp tục kéo dài thì số trẻ không được bảo vệ khỏi vi rút gây bệnh sẽ được nhân lên khiến nguồn lây bệnh tăng cao”.

Các nhà chuyên môn dự báo, tình trạng này sẽ có thể khiến dịch bệnh bùng phát trong những năm tới. Nếu các bà mẹ không cho trẻ tiêm phòng bất cứ bệnh nào thì nguy cơ trẻ bị bệnh tật rất lớn, hậu quả để lại cho gia đình và xã hội rất nặng nề.

* Tăng cường công tác chuyên môn

Trong hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các dự án chương trình mục tiêu quốc gia 9 tháng đầu năm, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường công tác chuyên môn nhằm củng cố niềm tin của người dân. Theo đó, việc bảo quản văc xin phải được thực hiện đúng theo quy định, văc xin đã mở hoặc đã pha sau 6 giờ phải hủy. Nhân viên y tế trực tiếp tiêm chủng phải là cán bộ y tế xã, không để nhân viên y tế thôn tiêm cho trẻ. Các điểm tiêm chủng phải có hộp thuốc chống sốc. Đặc biệt phải khám phân loại trước khi tiêm nhằm phát hiện ra trẻ có tiền sử dị ứng, yếu tố bẩm sinh, bị sốt để hoãn tiêm nhằm giảm nguy cơ tai biến.

Tiêm chủng là một biện pháp phòng bệnh chủ động, đơn giản để bảo vệ trẻ em. Vì thế nó cần được sự quan tâm của các cấp chính quyền và của cộng đồng để hiệu quả của nó tiếp tục được duy trì và phát huy.

  • T.Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đưa vào sử dụng các khu nhà học đặc thù và đa chức năng  (23/10/2008)
Tổ chức Fred Hollows đánh giá cao kết quả Dự án “Nâng cao năng lực phòng chống mù lòa”  (22/10/2008)
Gia đình - điểm tựa để vươn lên  (22/10/2008)
Truy tìm thủ phạm cắm chông trên ruộng  (22/10/2008)
Giám sát việc triển khai thực hiện Luật phòng chống tham nhũng  (22/10/2008)
Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X)  (22/10/2008)
Kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động   (21/10/2008)
Tiên phong ứng dụng phương pháp dạy học e-learning   (21/10/2008)
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Hội LHPN tỉnh   (21/10/2008)
Tôn trọng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức  (20/10/2008)
Mưa lớn gây lũ ở Tuy Phước  (20/10/2008)
Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà cho hộ nghèo  (20/10/2008)
Quy Nhơn trong tôi  (20/10/2008)
Quy Nhơn hôm nay và ngày mai  (20/10/2008)
Quy Nhơn tụ nghĩa!  (19/10/2008)