Những ngày cuối tháng 10, gió đã se se lạnh. Đầm Thị Nại nước ngăn ngắt màu xanh, lạnh. Hôm nay con nước đang lên, không ít người ở làng lặn hàu xóm Cầu Xéo, thuộc thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) ở nhà vì không dám mạo hiểm. Thế mà, vẫn có một bà lão dám “đua” cùng với đám thanh niên trai tráng ngâm mình dưới dòng nước lạnh để mò hàu…
|
Bà Phạm Thị Mười đang lặn hàu ở dưới chân cầu Thị Nại. Ảnh: Xuân Vinh
|
Nhìn dáng người khắc khổ, khuôn mặt nhăn nheo đầy nét chân chim, ngoi lên ngụp xuống mò, đục hàu tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh con cò trong câu thơ nổi tiếng của Tú Xương: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
Người trong xóm gọi bà là bà Khai, theo tên người con trai đầu nhưng tên thật của bà là Phạm Thị Mười. Năm 20 tuổi, bà lấy chồng và sinh được 10 người con. Cuộc sống những tưởng xuôi chèo mát mái khi con cái dần khôn lớn, trưởng thành. Ngờ đâu, năm 1984, đứa con gái thứ 3 tên Lê Thị Gái phát bệnh tâm thần lúc 15 tuổi. Cả gia đình hơn 10 miệng ăn chỉ trông vào 5 sào ruộng, bữa đói bữa no nhưng vợ chồng bà cũng cố chạy chữa cho con. Đông y, Tây y đủ cả nhưng vô hiệu. Gái vẫn thường xuyên lên cơn đập phá, đánh người thân. Hai năm sau, năm 1986, bà sinh đứa con gái út tên Lê Thị Thứ thì “trời bắt tội” nó phải chịu bệnh Down. Rồi người chồng lìa bỏ cõi đời, để lại cho bà gánh nặng chất chồng .
Đã 68 tuổi, cái tuổi đã được nghỉ ngơi để con cái phụng dưỡng hoặc chỉ quanh quẩn ở nhà chứ không thể là lao động chính, nhưng với bà Mười, điều ấy lại không thể. Vì như bà giải thích, nếu không làm thì lấy tiền đâu mà lo cho bản thân và hai đứa con tật nguyền. Làm nông không nổi thì bà mò lặn hàu. Bất kể trời mưa hay nắng, con nước lên cao khiến người lặn kỳ cựu phải chờn lòng, thì bà vẫn cứ liều thân, vẫn hàng ngày theo các chuyến tàu từ xã Phước Thuận về chân cầu cảng Quy Nhơn, mò lặn dưới đầm Thị Nại hoặc đeo theo thành tàu đục hàu. Những lúc trời giông biển động, không thể nhìn con mình bị đói, bà lại khăn gói lên đường đi Tây Nguyên hái cà phê, làm rẫy mướn gởi tiền cho các con của mình.
Hơn chục năm nay, bà là lao động chính kiêm oshin cơm nước, giặt giũ, vệ sinh thân thể cho hai đứa con gái không biết gì. Đã vậy, thi thoảng Gái lên cơn, đánh đập mẹ không ngớt tay, đập phá hết đồ đạc trong nhà. Nhiều phen cô còn bỏ nhà đi lang thang khắp nơi, có lần ra tận Phù Cát khiến bà Mười chạy đôn đáo kiếm tìm. Lúc chúng tôi vào nhà, Gái gườm gườm nhìn, rồi bất chợt la lớn: “Không chụp hình gì hết”. Hỏi sao không đưa Gái vào Trung tâm tâm thần Hoài Nhơn, người mẹ già chỉ biết lắc đầu: “Sao nỡ đành lòng hả anh. Thà như tôi không còn trên đời này nữa thì thôi”. Thứ, đứa con gái út bị Down lại trở thành nguồn an ủi động viên của bà trong những lúc cùng cực nhất. Tuy thiểu năng, không tự ăn uống, vệ sinh thân thể nhưng Thứ lại biết lo cho mẹ. Thấy mẹ đau, nằm nhà Thứ biết đi gọi hàng xóm, đem đồ ăn về cho mẹ, rồi hôn hít nựng nịu mẹ như trẻ lên năm. Những lúc vậy, bà chỉ biết nhìn con mà nước mắt lăn dài.
|
Bà Mười và con gái út Lê Thị Thứ bị bệnh Down. Ảnh: Thu Hà
|
Tám người con còn lại, tuy đã trưởng thành nhưng đều nghèo, chẳng đỡ đần cho mẹ bao nhiêu. Mà ngược lại, có lúc bà còn phải bao bọc đám con cháu bữa nay, bữa mai. Như anh Lê Hữu Khai (47 tuổi), người con đầu chạy xe xích lô, anh Lê Hữu Danh (37 tuổi) thì đi bạn ghe cho các chủ tàu nhưng cũng chỉ bữa có bữa không. Đặc biệt, anh Lê Hữu Dũng (31 tuổi) vì quá nghèo, bị vợ bỏ đi nên bà lại phải thêm phần vất vả vì nuôi 2 đứa cháu nội còn nhỏ. Ngoại trừ 4 người con gái của bà sau khi lấy chồng và ra ở riêng thì cả gia đình gần 9 miệng ăn chỉ trông chờ vào người mẹ già ở tuổi gần thất thập cổ lai hy và người con trai kề út là anh Lê Hữu Hào (29 tuổi) làm nghề bốc vác. Nhưng người con trai này cũng vừa mới lập gia đình và thế là ở tuổi gần 70 bà vẫn phải tiếp tục theo những chuyến tàu, ngâm mình trong dòng nước nguy hiểm, đánh cuộc với số phận của mình để nuôi con, nuôi cháu.
Có lẽ, đối với người mẹ này, cho đến ngày gần kề cái chết vẫn không thoát ra gánh nặng con - cháu. Đến trưa trật, mà bà vẫn cứ miệt mài hụp lặn giữa đầm. Thân hình gầy guộc, còm cõi, run rẩy của bà như một chấm nhỏ trong biển nước mênh mông trên đầm Thị Nại. Ôi, chỉ có tình thương của người mẹ mới khiến bà lam lũ đến nhường ấy.
|