Vậy là lớp học tình thương (LHTT) của thầy Lê Sĩ Nguyên ở thôn Tây Định, khu vực 7, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) đã nghỉ hơn một năm. Thời điểm này, thầy Nguyên đang dạy 21 học sinh (HS). Gồm 1 em học lớp một, 4 em học lớp hai, 6 em lớp 3, 2 em lớp 4 và 5 em lớp 5 của phường Nhơn Bình; 3 HS nhà ở xã Phước Thuận (Tuy Phước). Nỗi lo của thầy giáo già khi LHTT đóng cửa là sợ các em thất học…
|
Thầy Nguyên chèo thuyền qua sông Hà Thanh đón học trò đi học.
|
Lớp học đóng cửa, trong số 21 HS của lớp, 15 em đã vào học tại trường tiểu học số 2 Nhơn Bình vào đầu năm học 2007-2008. Gồm 1 em lớp một, 4 em lớp hai, 3 em lớp ba, 2 em lớp bốn, 5 em lớp 5 (3 HS lớn tuổi bị thiểu năng trí tuệ không chịu hoà nhập vào trường phổ thông; 3 HS ở Phước Thuận đã được trả về cho huyện Tuy Phước)… Vậy nên, thầy Nguyên có thể yên tâm: nỗi trăn trở, lo lắng, tâm huyết của thầy về tương lai của những đứa trẻ thất học đã được ngành GD-ĐT giải quyết rốt ráo. Các HS tình thương được hoà nhập vào trường phổ thông, được giáo dục một cách bài bản, toàn diện hơn để trưởng thành. Trở thành những công dân tương lai có kiến thức, có hiểu biết để phục vụ bản thân và góp phần phát triển xã hội. Âu đó cũng là những mơ ước và hoài bão của thầy, với ngày ngày và những tháng năm cầm tay rèn từng chữ o, a… cho những đứa trẻ nghèo thất học ven sông…
Công bằng mà nói, thầy đã có công lớn với phong trào phổ cập giáo dục tiểu học của TP Quy Nhơn. Những năm 90 về trước, phong trào “LHTT” nở rộ ở các các phường, xã đã trở thành là một mô hình rất riêng của thành phố (các huyện khác không mở được LHTT do không có người tự nguyện đứng ra dạy học), góp phần giúp Quy Nhơn nhanh chóng hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ (PCGDTH-CMC). Phường Nhơn Bình- những năm tháng ấy- cũng là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào PCGDTH-CMC. Bên cạnh sự hỗ trợ của ngành GD-ĐT, đây cũng là một trong số ít địa phương có cấp “lương” cho giáo viên dạy các LHTT (120.000 đồng/người/tháng). Nhiều thầy giáo, cô giáo, trong đó có những “thầy giáo làng” đầy tâm huyết như thầy Nguyên cũng đã “toả sáng” từ đây cùng với sự quan tâm, ủng hộ của địa phương, trường tiểu học tại địa bàn…
Hồi đó, vì công việc, tôi cũng đã rất nhiều lần, nhiều năm gặp gỡ, tiếp xúc với các LHTT và các giáo viên dạy học vì… tình thương. Thấy và nghe những việc làm thầm lặng nhưng đầy tính nhân bản của họ. Trong những thầy giáo, cô giáo nghiệp dư ấy, tôi rất quý thầy Nguyên- một ông giáo làng tận tuỵ với học sinh và viết chữ rất đẹp…
|
Thầy Nguyên và những đứa trẻ nghèo.
|
Tuy vậy, mỗi thời điểm có những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau đối với giáo dục. Hiện nay, cả nước đã hoàn thành việc PCGDTH-CMC và ở Bình Định cũng đã thực hiện thành công PCGD THCS từ nhiều năm qua. Trước đây, trẻ em đến tuổi yêu cầu phải được biết chữ. Nhưng hiện tại và tương lai sau này, thế hệ tương lai không chỉ biết chữ mà còn phải được giáo dục toàn diện, đầy đủ để tiếp cận với sự phát triển không ngừng của tri thức nhân loại. Trước đây, học sinh được coi là biết chữ, chỉ cần học hết mức 3 chương trình phổ cập (biết đọc, biết viết) nhưng giờ đây, yêu cầu “biết chữ” đồng nghĩa với hoàn thành chương trình tiểu học (theo sách giáo khoa và chương trình mới đã được Bộ GD&ĐT thực hiện hoàn chỉnh đến lớp 12)…
Về việc giải thể LHTT tại khu vực 7, phường Nhơn Bình, Tp Quy Nhơn, Phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn đã có văn bản trả lời UBND thành phố Quy Nhơn: “LHTT ở thôn Tây Định, khu vực 7, phường Nhơn Bình không còn tồn tại là do số HS không đảm bảo 1 lớp để giảng dạy, hơn nữa thầy Nguyên đã 75 tuổi… Theo quan điểm của Phòng GD-ĐT, việc tổ chức LHTT (dạy chương trình linh hoạt) để hoàn thành chương trình PCGDTH cho các em trong độ tuổi được thực hiện ở những nơi thật sự khó khăn, phục vụ cho đối tượng cơ nhỡ không thể đến lớp phổ thông…” |
Vẫn biết, trong dòng chảy vận động của cuộc sống; trong nhịp sống đi lên của sự phát triển, sẽ còn những đứa trẻ nghèo, những hoàn cảnh éo le… không được đến trường một cách suôn sẻ như bao trẻ em khác. Nhưng, xin thầy cứ yên tâm, các trường phổ thông hiện nay đã và đang tìm mọi cách để vận động tối đa trẻ em trong độ tuổi ra lớp. Trẻ em nghèo đi học được miễn giảm các khoản đóng góp, được hỗ trợ bút, vở, sách giáo khoa. Bên cạnh nhà trường, còn là hội khuyến học của nhà trường, còn là hệ thống hội khuyến học- hiện nay đã phát triển tổ chức hội đến từng thôn, xóm, khu vực- sẽ thay thầy làm tiếp việc khuyến khích và hỗ trợ học tập đối với học sinh nghèo.
Năm nay thầy Nguyên đã bước qua tuổi 75- cái tuổi mà nhiều người đã an tâm nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già (dù rằng lòng yêu trẻ, ham thích được dạy học vẫn còn cháy bỏng trong tâm). Với thầy cũng có thể yên tâm những đứa trẻ nghèo ở khu vực 7, phường Nhơn Bình sẽ không thất học...
Mỗi giai đoạn lịch sử có những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau. Thầy đã là một tấm gương sáng về lòng hiếu học, yêu nghề mến trẻ. Đóng góp của thầy đối với giáo dục, đối với xã hội là không nhỏ. Các em học trò nghèo và xã hội sẽ luôn nhớ ơn thầy…
|