Từ nhiều năm nay, những người dân sống ở khu vực lân cận bãi rác Phú Sơn, xã Nhơn Hòa (An Nhơn) phải sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề do ruồi, muỗi và các loại vi sinh vật từ bãi rác phát tán mạnh ra xung quanh…
|
Ông Nguyễn Nhựt, người dân thôn Phú Sơn, bức xúc tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác gây ra.
|
* “Sống chung” với ô nhiễm
Cách đây hơn 10 năm, UBND huyện An Nhơn đã quy hoạch và xây dựng một bãi rác có diện tích khoảng hơn 1.000m2 tại thôn Phú Sơn, xã Nhơn Hòa, là nơi tập trung rác thu gom từ thị trấn Đập Đá, thị trấn Bình Định và xã Nhơn Hòa. Do không có biện pháp xử lý thích hợp, bãi rác ngày càng phình to, chỉ còn cách khu dân cư chừng 500m, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ruồi, muỗi phát tán mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến gần 300 hộ dân với hơn 1.300 nhân khẩu của thôn Phú Sơn.
Ông Nguyễn Nhựt, một người dân ở thôn Phú Sơn, bức xúc: “Cả chục năm nay, ngày nào người dân chúng tôi cũng hứng chịu mùi hôi tanh nồng nặc bốc ra từ bãi rác Phú Sơn. Mỗi lần xe đổ rác đi qua là kéo theo một bầy ruồi nhặng đen sì đu theo rồi ập vào nhà dân. Cả thôn thường xuyên phải hứng chịu mùi tanh tưởi. Đến bữa ăn, phải đóng cửa rồi giăng mùng, bật quạt gió hết cỡ để xua đuổi lũ ruồi. Chúng tôi nhiều lần kêu cứu lên các cấp các ngành chức năng có biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm nhưng vẫn không có hồi âm. Hiện nay, đang vào mùa mưa, người dân lại càng khổ hơn, khi những thứ rác thải bẩn thỉu từ bãi rác tràn qua suối Bà Đờn đổ xuống khu dân cư, tấp vào nhà dân, không thể nào chịu nổi”.
Bà Lê Thị Làng, ở cùng thôn, cho biết thêm: “Từ ngày hình thành bãi rác đến nay, nguồn nước ngầm ở thôn Phú Sơn bị ô nhiễm nặng. Nước giếng có màu đỏ ngầu, để qua đêm nước đổi màu và nổi váng màu vàng, áo quần sáng màu giặt một vài lần chuyển sang màu vàng nâu. Lâu nay, nguồn nước ngầm ở đây không thể sử dụng cho việc nấu ăn được, người dân phải đi mua nước lọc về sử dụng. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi rác đã thường xuyên gây ra các bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết… đe dọa đến tính mạng của người dân”.
Ông Ngô Văn Sáng, Bí thư chi bộ thôn Phú Sơn, bức xúc nói với chúng tôi: “Sống trong môi trường như thế này làm sao mà người dân ở đây khỏe mạnh được. Để ăn được bữa cơm cho ngon miệng cũng hết sức khó khăn. Do quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm kéo dài mà không được xử lý, ngày 21.10 vừa qua, hàng trăm hộ dân ở thôn Phú Sơn đã quyết định ngăn chặn xe đổ rác không cho vào bãi và phân chia nhau cùng canh giữ. Theo bà con, đến khi nào việc xử lý ô nhiễm ở bãi rác dứt điểm người dân mới thôi không tiếp tục chặn xe nữa!”.
Chiều 25.10, chúng tôi có mặt tại bãi rác Phú Sơn và tận mắt chứng kiến những điều mà người dân mô tả là có thật. Đây là một bãi rác “4 không”: diện tích không đúng quy định (chỉ có 1.000m2), xây dựng không đúng tiêu chuẩn, khoảng cách với khu dân cư không bảo đảm và quy trình xử lý không đến nơi đến chốn.
Không chỉ khổ vì rác, người dân ở Phú Sơn còn phải sống chung với tiếng ồn và bụi đá. Trên địa bàn thôn Phú Sơn có đến 3 doanh nghiệp khai thác đá xây dựng. Ngày nào các doanh nghiệp cũng nổ mìn để khai thác đá. Khi bị người dân phản ánh vì tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ thì các doanh nghiệp khắc phục bằng cách… đào sâu xuống lòng đất để đặt chất nổ. Việc khai thác, vận chuyển đá diễn ra liên tục nhưng các doanh nghiệp không thường xuyên sử dụng và vận hành hệ thống phun tưới nước đã làm cho bụi đá phát tán vào nhà dân. Vào mùa nắng, bụi đá phủ trắng cả cây xanh quanh khu vực làm cho cây chết hàng loạt, cây nào sống được thì cũng không thể ra hoa kết trái. Bụi bám đầy nhà, bay khắp nơi trong không khí, làm cho người dân nhiều khó khăn trong sinh hoạt và mắc nhiều bệnh liên quan tới đường hô hấp…
|
Nước thải đen ngòm từ bãi rác Phú Sơn chảy ra ô nhiễm đến môi trường xung quanh.
|
* Bao giờ mới di dời ?
Ông Phạm Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa, xác nhận tình trạng quá tải cũng như vấn đề ô nhiễm tại bãi rác Phú Sơn là có thật. Trước đây, UBND huyện An Nhơn đã cho xây dựng bờ bao ngăn cách bãi rác với khu vực lòng suối đổ ra cầu Bà Đờn và hệ thống cống ngầm thoát nước. Tuy nhiên, theo người dân sống nơi đây, với độ cao của bờ bao như vậy thì không thể ngăn được nước tràn xuống suối mỗi khi có mưa lớn. Chính quyền địa phương cũng đã nắm vấn đề này, thường xuyên báo cáo lên cấp trên. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã phản ánh vấn đề ô nhiễm của bãi rác nhưng vẫn chưa thấy xử lý đến nơi đến chốn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nói trên, ông Trần Châu, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn, cho biết: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Phú Sơn, trước mắt huyện đã yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ môi trường đô thị An Nhơn (thuộc HTXNN thị trấn Bình Định) tăng cường phun hóa chất xử lý côn trùng, diệt ruồi muỗi và có biện pháp chôn lấp rác đúng quy định.
Về hướng giải quyết lâu dài, huyện An Nhơn đã có kế hoạch xây dựng bãi rác mới trên địa bàn xã Nhơn Tân với kinh phí thực hiện gần 20 tỉ đồng do Chính phủ Bỉ tài trợ. Vừa qua, UBND huyện, các bên liên quan và nhà tài trợ đã hoàn tất các thủ tục, tiến hành lập đồ án thiết kế và phê duyệt dự toán thực hiện. Theo kế hoạch, trong năm 2009, bãi rác mới sẽ được xây dựng và di dời bãi rác Phú Sơn đến địa điểm khác. Lãnh đạo huyện An Nhơn hứa cũng sẽ chỉ đạo các ngành chức năng của huyện có biện pháp khắc phục hậu quả do ô nhiễm bãi rác gây ra…
|