ĐẠI BIỂU VŨ HOÀNG HÀ, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH ĐỊNH:
Công tác dự báo cần chính xác hơn
10:41', 30/10/ 2008 (GMT+7)

Trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 4  Quốc hội khóa XII về tình tình kinh tế-xã hội nước ta, Đại biểu Vũ Hoàng Hà cho rằng Chính phủ nên xem lại công tác dự báo và không nên quá lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2009.

 

Đại biểu Vũ Hoàng Hà trả lời phỏng vấn về tình hình KTXH bên lề kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII. Ảnh: L.K

 

* Một năm trước đây, khi phát biểu tại Quốc hội, ông đề nghị chỉ tiêu GDP năm nay phải từ 8,7-9%, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng đặt mức tăng trưởng 9% là còn ở thế khiêm tốn, cuối cùng thì kết quả thực hiện khác xa chỉ tiêu này, ông có thất vọng không, thưa ông?

- Điều làm tôi thất vọng nhất là các nhà chuyên môn dự đoán tình hình. Vào cuối năm 2007 thì chỉ số lạm phát đã bắt đầu lên rồi, nhưng các bộ, ngành vẫn ung dung tham vấn cho Chính phủ thuyết phục Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng 8,5-9%, chứng tỏ rằng công tác phân tích, dự báo rất kém. Bây giờ Chính phủ nói rằng năm nay GDP đạt 7% tôi cũng không tin, theo tôi con số đó chỉ 6,7% thôi.

* Báo cáo của Bộ Kế hoạch- Đầu tư nói rằng lạm phát cao và tăng trưởng thấp năm 2008 xuất phát từ nguyên nhân khách quan là chủ yếu; trong khi đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận rằng có nguyên nhân từ khách quan nhưng chủ yếu là do chủ quan?

- Tất nhiên là có những lý do khách quan từ biến động của nền kinh tế thế giới tác động vào. Nhưng cần phải thấy rằng công tác điều hành của chúng ta có nhiều cái không trúng. Ví dụ, thời gian gần đây dư luận đang rất bức xúc với ngành Điện. Trong khi ngành Điện nói là lỗ, đòi bù lỗ thì vẫn ra văn bản đề nghị trích thưởng số tiền rất lớn. Thứ hai là giá xăng dầu trên thế giới hiện nay đã giảm mạnh so với trước, vậy mà các DN nhập khẩu xăng dầu nói rằng vì trước đây nhập vào lô hàng giá cao nên chưa hạ giá được. Nói như vậy thì làm sao thuyết phục được người tiêu dùng.

Rõ ràng ở đây có hai yếu tố: Một là chúng ta thiếu môi trường cạnh tranh (60% thị phần xăng dầu thuộc về Petrolimex, chỉ 40% còn lại thuộc về 10 doanh nghiệp yếu, ăn theo, có nghĩa là “ông lớn” định giá thế nào là mấy “ông nhỏ” ăn theo thôi). Hai là chúng ta áp dụng cơ chế thị trường nhưng lại yếu sự quản lý của nhà nước. Nếu Bộ Công Thương kiểm soát được quá trình nhập khẩu của Petrolimex xem nguồn nhập, bán thế nào để can thiệp kịp thời thì tình hình giá xăng dầu không bức xúc như thế… Những ví dụ này lý giải tại sao cùng chịu tác động xấu của suy thoái kinh tế thế giới mà chỉ số lạm phát của Việt Nam cao hơn các nước xung quanh.

* Ông nói các cơ quan chuyên môn của Chính phủ dự báo kém, vậy thì các chỉ tiêu đưa ra trình Quốc hội có dựa trên các dự báo có cơ sở không?

- Chính phủ dựa trên các cơ quan chuyên môn của Chính phủ. Ví dụ như trước tình hình như thế, Bộ Kế hoạch- Đầu tư vẫn nhận định rằng kinh tế thế giới ít tác động đến Việt Nam. Nhận định như thế là quá lạc quan và tạo cho mọi người chủ quan. Trong khi đó Thủ tướng nói tình hình thế giới sẽ tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, và như vậy thì chúng ta mới có thể có nhiều giải pháp.

Tôi nghĩ Chính phủ phải có nhiều kênh thông tin, phải lắng nghe cả ý kiến của chuyên gia trong nước, nước ngoài. Dự báo đưa ra từ các cơ quan chuyên môn của Chính phủ phải được phản biện và phải luôn theo sát tình hình cụ thể... Chẳng hạn như nhiều chuyên gia kinh tế nói rằng năm 2009 giá dầu không thể lên tới 80 USD/thùng, nhưng Chính phủ vẫn dự kiến trình Quốc hội là 90 USD. Ngay cả việc định giá dầu cho năm nay là 111 USD/thùng cũng thiếu tính hiện thực, vì nếu giá dầu cứ giữ mức trên 60 USD từ nay đến cuối năm thì không thể có giá trung bình 111 USD và hệ quả của nó là cân đối ngân sách sẽ bị phá vỡ.

* Trong trường hợp giá dầu giảm, ngân sách thất thu, theo ông Chính phủ cần phải làm gì?

- Chỉ có hai cách hoặc là tăng thu các nguồn khác, hai là cắt giảm chi tiêu chứ không thể vay nợ vượt tỷ lệ bội chi mà Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, việc tăng thu ngân sách là hết sức khó khăn khi ba nguồn thu chính đang bị đe dọa: một là giá dầu đang giảm và khó dự báo chính xác; hai là thu thuế xuất nhập khẩu khó có khả năng tăng trưởng như dự báo của Chính phủ vì kinh tế thế giới suy thoái; ba là thu từ nguồn đất không còn là khu vực màu mỡ nữa (những chỗ “ngon” đã chuyển đổi mục đích sử dụng rồi, bây giờ “bán” một ha đất lúa phải xin ý kiến Thủ tướng).

* Trước tình hình kinh tế thế giới suy thoái ngày càng rõ, nhiều chuyên gia bắt đầu nhận định rằng nguy cơ giảm phát năm 2009 có thể thành hiện thực. Thế nhưng Chính phủ chỉ trình ra Quốc hội các giải pháp chống lạm phát, điều này có thể khiến Quốc hội quyết chỉ số tăng trưởng sai lầm một lần nữa?

- Chính phủ đưa ra phương án chống lạm phát là đúng, nhưng không đưa ra phương án chống giảm phát là cần phải suy nghĩ. Tôi nghĩ rằng phải đưa ra hai kịch bản cho lạm phát và giảm phát, vì nguy cơ tiềm ẩn lạm phát vẫn còn nhiều nhưng nó sẽ dần xuống mức thiểu phát. Nếu không có phương án đề phòng giảm phát mà sang năm rơi vào thế bị động thì nền kinh tế rất dễ bị phá vỡ. Nguy hại lớn nhất của giảm phát là sản xuất đình trệ, kéo theo nó là hàng loạt vấn đề xã hội như thất nghiệp, nghèo đói, bất ổn...

* Ông có tin rằng năm 2009 tốc độ tăng trưởng sẽ là 7% như báo cáo của Thủ tướng không?

- Mặc dù Thủ tướng nói “khoảng 7%” và con số này là chỉ tiêu định hướng thôi; nhưng theo tôi mức dao động sẽ là 6-7% chứ khó có thể được 7%. Năm nay GDP nếu tăng 7% cũng là hệ quả đầu tư của 2007 trở về trước, còn năm 2008 đầu tư không bao nhiêu, nhiều dự án đã bị cắt giảm, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang chững lại. Hơn nữa, trong tình trạng khó khăn tài chính như thế, các nhà đầu tư cũng chỉ đăng ký thôi chứ chưa chắc giải ngân được nhiều.

* Xin cảm ơn ông!

  • Lê Kiên (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội thảo báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 13  (29/10/2008)
Công ty Boeing và Tổ chức WME bàn giao trường học  (29/10/2008)
Sẽ triển khai chương trình sàng lọc sơ sinh và trước sinh  (29/10/2008)
Ghi nhận qua một tuần làm việc  (29/10/2008)
Ô nhiễm môi trường bao giờ mới được xử lý ?  (28/10/2008)
Gắn với dân bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo  (28/10/2008)
Gần 2.000 hộ dân nằm trong vùng xung yếu  (28/10/2008)
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Luật gia Bình Định  (28/10/2008)
Dự trữ 10 tấn gạo cho xã đảo Nhơn Châu  (27/10/2008)
Kỷ niệm 30 năm thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Định  (27/10/2008)
Đề cao tính phản biện xã hội để đánh giá cán bộ  (27/10/2008)
Nhớ ơn thầy Nguyên  (26/10/2008)
Người già mưu sinh  (25/10/2008)
Thân cò lặn lội bờ sông…  (25/10/2008)
Lần đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật vá nhĩ qua nội soi  (25/10/2008)