Nỗi đau của một gia đình bị nghi nhiễm HIV
15:20', 30/10/ 2008 (GMT+7)

Kỳ thị người nhiễm và gia đình người nhiễm HIV/AIDS là loại “vi rút vô hình” nhưng cực kỳ nguy hiểm, làm cho nạn nhân bị suy sụp nhanh chóng nhất. Câu chuyện về một phụ nữ trẻ, mang một cái “án” oan nghiệt - bị nhiễm HIV, khiến cho gia đình bé nhỏ của họ lâm vào cảnh u tối.

 

Chị Đông và 2 con đang chờ đợi một ngày mai sáng hơn.

 

* Tin đồn “giết chết” một gia đình

Sau nhiều tháng bệnh nặng, ngày 16.7.2008 anh Nguyễn Thành Vinh (1980, ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh) qua đời.

Chị Trần Thị Đông kể về những ngày bất hạnh của gia đình mình trong nước mắt ràn rụa: Thấy chồng tôi nhập viện đi, nhập viện lại nhiều lần một số người xì xào cho rằng anh Vinh bị nhiễm HIV. Sau khi anh chết, một thời gian ngắn sau đó, bỗng dưng gánh chè và rổ chuối chiên của tôi bán thường ngày dần dần mất sạch khách. Vợ chồng anh Thọ, chị Nhung, ở cùng xóm, hay chăm sóc cháu Phong - con tôi, cho biết: “Người ta đồn rằng mày bị mắc bệnh HIV/AIDS do chồng mày lây sang, nên họ không dám ăn đồ mày bán!”. Lại thêm con gái tôi là cháu Trà My, học lớp 1, Trường tiểu học Canh Hiển về nhà khóc và nói rằng con bị nhiều bạn bè “xí-bùm” vì cha mẹ cấm không cho ngồi chung, chơi chung với con của người bị “ếch”.

Bán chè, bán chuối chiên người ta không ăn, thì mình đi mót củi, chiên chuối lên các làng xa mà bán, trước mắt phải sống cái đã! Tôi đã một lần đi xét nghiệm HIV, cho kết quả là HIV âm tính. Khi có kết quả xét nghiệm HIV âm tính, tôi đã thông báo rộng rãi tin này với chính quyền, ngành y tế, người thân, xóm làng và nhất là bạn hàng có quan hệ mua bán. Thế nhưng không mấy người tin tôi. Họ vẫn lén nhìn tôi với ánh mắt đầy cảnh giác, nghi ngờ.

Mong ước lớn nhất của tôi là mọi người đừng xa lánh mẹ con tôi, các con tôi không phải chịu sự châm chọc khi đến trường và được cùng chơi đùa với bao đứa trẻ khác(!).

Theo chị Đông, nguồn tin cho rằng anh Vinh bị nhiễm HIV chuyển sang AIDS và đã lây truyền sang cho chị và các con, được phát ra từ bà T. một cán bộ y tế trong huyện nói lại với một người bạn ở gần nhà của Đông, cũng là người có mâu thuẫn với Đông, nên lập tức nguồn tin này được phát tán rộng rãi. Sau đó một số nữ cán bộ của Trạm Y tế xã Canh Hiển cũng ỡm ờ về nguồn tin này gây cho nhiều người càng tò mò hơn.

 

Gánh chè và bánh chiên không còn người ăn, chị Đông chuyển qua mót củi để tạm nuôi sống gia đình.

 

* “Tôi là một người bình thường”

Không thể cam chịu sự ghẻ lạnh vô cớ của mọi người, chị Đông đã đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh yêu cầu xét nghiệm HIV một lần nữa. Ngày 4.8.2008, có kết quả xét nghiệm HIV âm tính, chị Đông đã mang kết quả này đến Trạm Y tế xã và UBND xã nhờ giúp đỡ thông báo rộng rãi rằng mình không bị nhiễm HIV. Các cơ quan này phô-tô lại kết quả xét nghiệm của chị Đông và hứa sẽ dán trên bảng thông báo và tuyên truyền cho mọi người trong xã biết. Thế nhưng, sự phân biệt kỳ thị của nhiều người đối với chị Đông không hề được cải thiện.

Cuối tháng 9 vừa qua, khi chúng tôi tiếp xúc với gia đình và láng giềng của chị Đông thì ngay sau đó, ngày 2.10, Ban chỉ đạo Phòng chống HIV/AIDS của xã, do ông Trần Văn Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hiển làm Trưởng ban, đã mời chị đến viết bản tự thuật lại nội dung gặp gỡ phóng viên Báo Bình Định; đồng thời lập biên bản làm việc, trong đó phần kết có ghi: “Ban chỉ đạo hứa sẽ không để tình trạng phân biệt, kỳ thị xảy ra đối với gia đình chị Đông và luôn giúp đỡ gia đình chị Đông ổn định đời sống tinh thần bình đẳng như mọi gia đình khác”.

Chúng tôi liên hệ với Trung tâm Phòng chống AIDS tỉnh Bình Định và Trung tâm Y tế huyện Vân Canh để tìm hiểu vụ việc của chị Đông. Hai cơ quan này xác nhận là việc kỳ thị đối với chị Đông là có thật, Trung tâm của tỉnh đã có chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện và xã vào cuộc để bảo vệ cho gia đình của chị Đông thoát khỏi tình trạng bị kỳ thị. Y sĩ Nguyễn Hữu Tấn- Trưởng Trạm Y tế xãõ Canh Hiển cho biết: Tối ngày 7.10, thôn có tổ chức họp dân, ông Tấn đã cải chính tin đồn thiếu cơ sở này nhưng nhiều người vẫn chưa tin.

 

Kết quả xét nghiệm HIV ngày 4.8.2008 của chị Đông là âm tính.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, thì nguồn tin trên đã được phản ảnh đến Trung tâm, trong đó có dư luận cho rằng cán bộ y tế phát tán thông tin này. Trung tâm Y tế huyện sẽ xác minh làm rõ những ai vi phạm những quy định của ngành và quy định của pháp luật. Bản thân bác sĩ Ngọ cũng không được thông tin bệnh nhân Vinh có nhiễm HIV hay không. Như vậy, trường hợp của Vinh, Trung tâm Y tế huyện và các Trạm Y tế trong huyện không ai được thông tin về HIV/AIDS, nên bất kỳ cán bộ y tế nào trong huyện đưa ra thông tin này đều phải bị xử lý thích đáng. Việc thông tin oan sai về chị Đông là người bị nhiễm HIV càng phải được ngăn chặn và xử lý theo pháp luật.

Nhưng cũng có nhiều người thông cảm và giúp đỡ gia đình chị Đông rất tận tình. Một gia đình không quan hệ họ hàng với chị Đông, chỉ là hàng xóm nhưng là chỗ dựa tinh thần của Đông đó là vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thọ (1960), chị Dương Thị Tuyết Nhung (1969), chủ quán cà phê Đô Thành và kinh doanh nghề mổ heo ở thôn Tân Quang. Từ ngày mẹ con chị Đông lâm vào tai họa của lời đồn, chị Đông vất vả tìm kế sinh nhai, cháu Phong dường như là thành viên chính thức của gia đình chị Nhung. Một lần đi Quy Nhơn mua hàng ở siêu thị, chị Nhung đã dẫn cháu Phong theo. Thấy cháu bé dễ thương, một nữ nhân viên của bán hàng của siêu thị tên là Ny đã thân thiện làm quen và biết được câu chuyện buồn tủi của gia đình Đông. Dù chưa một lần gặp Đông, nhưng Ny và một số nhân viên của siêu thị đã viết thư chia sẻ, gửi quà tặng cháu Phong và đã gửi thông tin này đến với Báo Bình Định mong được “minh oan” cho Đông, mong cộng đồng và các nhà hảo tâm giúp đỡ mẹ con của Đông vượt qua khổ nạn này.

Và bài báo này đến tay bạn đọc cũng bắt đầu từ thông tin của họ. Chúng tôi hy vọng chính quyền, đoàn thể hỗ trợ chị Đông nhiều hơn. Hoàn cảnh của chị Đông lúc này rất khó khăn, nếu không chia sẻ được thì đừng gây khó khăn thêm cho chị ấy bằng sự kỳ thị vô tâm, vô tình của mình. Lời nhắn này trước tiên chúng tôi muốn gửi đến những người dân ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh. Đạo lý tình làng nghĩa xóm của dân tộc mình không có chỗ cho những sự kỳ thị, ghẻ lạnh như thế, nhất là với một gia đình đang trong cảnh “mẹ góa, con côi”.

  • Ngọc Diên

Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền- Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống AIDS tỉnh Bình Định: “Tôi khẳng định chị Trần Thị Đông và các con của chị đã xét nghiệm HIV có kết quả âm tính. Mà nếu có ai đó bị nhiễm HIV/AIDS thì họ cũng không có lỗi gì, nên không được phân biệt, kỳ thị đối với họ. Hiện nay tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV vẫn còn rất nặng nề, mà nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết, cho rằng họ có những hành vi xấu xa nên bị lây nhiễm. Sự kỳ thị khiến cho người bị nhiễm HIV/AIDS suy sụp về tinh thần và đó là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng rất nhanh tới thể trạng người bị nhiễm”.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đoàn ĐBQH Bình Định gặp mặt thí sinh dự thi “Đường lên đỉnh Olympia”  (30/10/2008)
Công tác dự báo cần chính xác hơn  (30/10/2008)
Hội thảo báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 13  (29/10/2008)
Công ty Boeing và Tổ chức WME bàn giao trường học  (29/10/2008)
Sẽ triển khai chương trình sàng lọc sơ sinh và trước sinh  (29/10/2008)
Ghi nhận qua một tuần làm việc  (29/10/2008)
Ô nhiễm môi trường bao giờ mới được xử lý ?  (28/10/2008)
Gắn với dân bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo  (28/10/2008)
Gần 2.000 hộ dân nằm trong vùng xung yếu  (28/10/2008)
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Luật gia Bình Định  (28/10/2008)
Dự trữ 10 tấn gạo cho xã đảo Nhơn Châu  (27/10/2008)
Kỷ niệm 30 năm thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Định  (27/10/2008)
Đề cao tính phản biện xã hội để đánh giá cán bộ  (27/10/2008)
Nhớ ơn thầy Nguyên  (26/10/2008)
Người già mưu sinh  (25/10/2008)