NỮ CÔNG NHÂN CÔNG TRƯỜNG THỦY ĐIỆN:
Vất vả chuyện nghề
14:17', 1/11/ 2008 (GMT+7)

Công nhân xây dựng các công trình thủy điện vốn đã vất vả, lại thường phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn các ngành xây dựng khác. Với nữ công nhân thủy điện, vất vả cực nhọc như được nhân đôi…

 

Phát cỏ, xây bờ kè bảo vệ đập Định Bình. Ảnh: S.L

 

* Trèo non, lội suối

Mấy lần đi qua đập thủy điện Định Bình, chúng tôi đều nhìn thấy những người công nhân tất bật với công việc xây bờ kè bảo vệ đập. Trong tốp công nhân ấy, có 4 phụ nữ. Chị Bạch Thị Lan, người lớn tuổi nhất trong nhóm cho biết, họ đều ở thôn Định Nhân, xã Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh). Mỗi ngày, làm việc 8 tiếng tại công trường, các chị được trả công 70.000 đồng nhưng công việc lại không nhẹ nhàng chút nào. Cũng đào núi, vác những tấm bê tông mấy chục ký, nặng nhọc leo lên con dốc dựng đứng để xây bờ kè. Chị Trần Thị Kim tâm sự: “Hồi mới làm, leo dốc chưa quen, sợ độ cao lại phải mang vác nặng, nên chuyện té ngã, xây xước là bình thường. Ngày đi làm về, đôi vai, đôi tay, cả người tôi cứ như nát nhừ, ê ẩm.  Đêm nằm ngủ, nhớ lại công việc ở công trường với những lúc say nắng, chóng mặt, gác cuốc nhìn xuống dưới cheo leo mà vẫn còn rùng mình…”.

Lần theo con đường ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến căn lán của đội thợ đá thuộc Công ty Xây dựng 47. Hằng ngày, công việc bếp núc, giặt giũ của công nhân trong một tổ do cô gái Hà Thị Tím đảm đương. Tím người dân tộc Thái, quê ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), đến làm việc tại đây đã gần hai tháng. Trước đó, cô từng làm công nhân đập đá, trồng cỏ ở Đồng Nai. Hằng ngày, Tím phải thức dậy sớm nhất, chuẩn bị bữa sáng cho mọi người. Khi các công nhân đi làm, thì cô giặt giũ, loanh quanh trong vùng để tìm mua thức ăn, về chuẩn bị bữa trưa. Cứ như thế, tất bật cả ngày.

* Những gương mặt, những nỗi niềm...

Ở công trường Định Bình có khoảng  20% lao động là nữ, đa số là lao động tự do đến từ các tỉnh phía Bắc. Khi thu nhập từ mùa màng, nương rẫy không đủ nuôi sống họ, những người phụ nữ này đã tìm đến các công trường. Là mẹ, là vợ nhưng chẳng mấy khi họ có được cái diễm phúc ở gần chăm sóc con cái, mà phải di chuyển ngược xuôi theo những công trình. Có khi chỉ trong một tháng, họ phải di chuyển đến hai, ba công trình khác nhau. Như trường hợp của chị Ngô Thị Mây, người Quảng Trạch (Quảng Bình), có tới 7 đứa con sát tuổi nhau. Chị bảo, để có đủ tiền nuôi các con khôn lớn, dù công việc vất vả đến mấy chị cũng làm. Các con chị ở nhà, đứa lớn chăm đứa nhỏ, tự bảo ban nương tựa lẫn nhau. Chồng chị là thợ xây, cũng vào Nam ra Bắc liên tục. Hàng tháng, cầm trên tay những đồng lương có được từ sức lao động của mình, chị thấy vui, khấp khởi hy vọng đổi đời cho các con.

 

Hai trong số gần 20 công nhân khuân đá này là phụ nữ. Ảnh: S.L

 

Vào Nam đã hơn một năm nay nhưng Tím chưa một lần được về thăm nhà. Cô tâm sự: “Em muốn được ra công trường đập đá để có được nhiều tiền hơn. Làm việc bếp núc, tuy không cực nhọc bằng bê vác đá nhưng tiền công ít và chẳng biết chuyện trò cùng ai, buồn lắm”. Hiện giờ, mỗi ngày Tím được trả công làm việc là 30.000 đồng. Với 18 tuổi, cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ấy, ước mong được làm việc theo đúng nghĩa việc… công trường vẫn đang sôi sục trong lòng cô gái trẻ.

Vài giờ ở công trường xây dựng hồ chứa nước Định Bình và những công trường thủy điện lân cận, tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ đang gồng mình bươn chải kiếm sống bằng những công việc nặng nhọc tưởng không dành cho phụ nữ, như các chị Võ Thị Hà, 37 tuổi, ở thôn Thái Xuân, xã Nhơn Hạnh (An Nhơn); chị Lê Thị Năm, thôn Hưng Mỹ 1, xã Cát Hưng (Phù Cát)… Họ đều là công nhân thời vụ của các Công ty cổ phần Xây dựng phát triển Đô Thị Mới, công trình Trạm điện 104 (thuộc đường dây 110 KV Vĩnh Sơn- Quy Nhơn)...

Làm việc ở công trường khá nguy hiểm, nhưng theo quan sát của chúng tôi, thiết bị bảo hộ lao động của công nhân còn rất thô sơ. Đặc biệt, với những nữ công nhân làm việc thời vụ, trách nhiệm giữa chủ công trình và người lao động còn lỏng lẻo vì chỉ thông qua những “hợp đồng miệng”. Có đến công trường mới thấm thía phần nào nỗi cực nhọc, thiếu thốn trăm bề của nữ công nhân. Ám ảnh nhất  đối với họ vẫn là tình trạng thiếu nước. Đặc biệt, vào mùa khô, để lấy được bình nước nấu cơm, họ phải đi bộ ba, bốn cây số mới đến được con suối. Việc tắm rửa, vệ sinh của phụ nữ càng khó khăn hơn, thậm chí đôi lúc phải bấm bụng chịu “nhịn”.

Ban ngày công việc cuốn đi, nhưng tối đến, nỗi nhớ chồng con lại cồn cào, khắc khoải. Thế nên, đêm ở công trường với các chị em như dài ra và buồn hơn.

  • Hạnh Tiên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quản lý học sinh bằng camera  (01/11/2008)
Thành lập lực lượng dân quân biển  (01/11/2008)
Gần 130.000 USD giúp phòng chống bệnh tiêu chảy  (31/10/2008)
Khai trương trang web của Hội Nông dân Bình Định  (31/10/2008)
Từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Càng thấy Karl Marx vĩ đại  (31/10/2008)
Vẫn chưa về đích!  (31/10/2008)
Chú trọng phát triển du lịch gắn với các loại hình dịch vụ  (31/10/2008)
Bế mạc Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên  (31/10/2008)
Trên 78% doanh nghiệp chưa đăng ký thang, bảng lương  (30/10/2008)
Nỗi đau của một gia đình bị nghi nhiễm HIV  (30/10/2008)
Đoàn ĐBQH Bình Định gặp mặt thí sinh dự thi “Đường lên đỉnh Olympia”  (30/10/2008)
Công tác dự báo cần chính xác hơn  (30/10/2008)
Hội thảo báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 13  (29/10/2008)
Công ty Boeing và Tổ chức WME bàn giao trường học  (29/10/2008)
Sẽ triển khai chương trình sàng lọc sơ sinh và trước sinh  (29/10/2008)