“Chợ” vùng cao
14:41', 1/11/ 2008 (GMT+7)

“Muốn ăn thì đi đến chợ”- câu nói cửa miệng quen thuộc ấy lại rất lạ lẫm và không phù hợp với những người dân vùng cao. Mọi nhu cầu ăn mặc, sinh hoạt, làm đẹp của đồng bào Bana các xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), An Toàn (An Lão)... hoàn toàn phụ thuộc vào những chuyến hàng của những người bán dạo mang từ đồng bằng lên.

 

Chợ Định Bình - nơi khởi phát của những chuyến hàng lên Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh).

 

* Chợ... chạy

Trong một chuyến công tác lên xã vùng cao An Toàn (An Lão), đồng hành cùng chúng tôi có cặp vợ chồng khoảng 40 tuổi, với chiếc xe máy được nâng cấp thành “ngựa chiến” có hai chiếc giỏ sắt to tướng, bên trong lỉnh kỉnh hàng hóa. Trò chuyện mới biết nghề nghiệp chính của họ, hơn 10 năm nay, là mang hàng hóa từ dưới xuôi lên bán cho đồng bào dân tộc thiểu số trong các thôn của xã An Toàn. Đó là những mặt hàng thiết yếu, từ xà phòng, dầu gội đến áo quần, chăn màn, xăng nhớt... Trên đường đi, trong khi chúng tôi liên tục xuống xe ì ạch dắt, đẩy… thì họ vẫn hối hả, khẩn trương tiến lên bằng “ngựa chiến”. Người chồng vừa thông cảm, cổ vũ vừa như “giễu” chúng tôi: “Như thế này đã nhằm nhò gì, mùa mưa đường sá còn kinh khủng hơn nhiều. Nhưng “chợ” vẫn cứ phải… họp”.

Hai giỏ sắt to chất đầy hàng hóa được cột rất khéo, sao cho rau cá không bị giập nát mà lại thật chặt để không bị rơi hay bung đổ giữa đường, và tất nhiên những xe hàng được chèo lái bởi những “tay lái lụa” thông thạo đường rừng… Hơn 10 năm làm “chợ chạy” với không biết bao nhiêu chuyến hàng, họ thuộc tên từng con suối, nhớ từng cây cổ thụ ven đường và không còn lạ lẫm với từng tiếng thú rừng kêu. Bao nhiêu năm mua bán với đồng bào dân tộc thiểu số, những người bán hàng này thấu hiểu hơn ai hết sự thiếu thốn của người dân miền núi, vùng cao. “Khi nào đồng bào chịu rời làng xuống xuôi tự mua sắm, chúng tôi mới hết chuyên chở hàng lên đây”- người chồng nói.

Hằng ngày, có hơn chục “ngựa chiến” rong ruổi khắp các làng K2, K8 của xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), thôn 1, thôn 3 của xã An Toàn. Chúng tôi gặp hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Bông, ở thôn Vĩnh Định, xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thạnh lúc hai người đang dừng xe bán thịt cho khách ở làng K2 (Vĩnh Sơn). Chị kể, đã làm nghề này hơn 5 năm. Ngày nào cũng vậy, chị phải dậy từ 3 giờ sáng, ra chợ Định Bình mua hàng hóa, 5 giờ xuất phát lên vùng cao. Theo lời chị Bông, sau một thời gian bán hàng ở vùng cao, mỗi người sẽ có lượng bạn hàng, mối quen riêng của mình. Chị Bông nói: “Dù trời mưa, đường trơn trượt nhưng chúng tôi vẫn đi. Mang hàng hóa lên đây cung cấp cho bà con, những người buôn bán như vợ chồng tôi cũng có thu nhập để đảm bảo cuộc sống cho gia đình”.

 

“Chợ chạy”.

 

* Mơ về cái chợ

Cùng với sự quan tâm, chú trọng phát triển về mọi mặt của Nhà nước đối với các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, bộ mặt các bản, làng vùng cao trong tỉnh đã phần nào tươi tắn hơn. Nhiều vùng đã có điện thắp sáng, sóng điện thoại len đến tận nhà sàn. Đường bê tông tuy không tránh khỏi ngoằn ngoèo, đèo dốc nhưng chắc chắn. Trạm y tế, trường học… khang trang. Các phương tiện dân dụng như tivi, xe gắn máy… cũng đã nhiều hơn. Tuy nhiên lượng hàng hóa cung ứng cho các xã vùng cao vẫn rất ít. Phần vì đường sá khó khăn, xa xôi, phương tiện đi lại hạn chế, cộng với thói quen tự cấp tự túc của người Bana, H’rê… ở các xã vùng cao. Chị Đinh Thị Tắc, làng K2 (Vĩnh Sơn) nói: “Bao nhiêu năm, chúng tôi không biết cái chợ nó như thế nào, cũng không biết được đi chợ cảm giác sẽ ra sao”. Họ chỉ biết đến những món ăn khác như cá biển, đậu phụ, các loại rau củ, trái cây... (không phải từ rừng và sông suối) là nhờ vào những chuyến hàng của người xuôi mang lên bán lại. Bữa ăn của đồng bào được cải thiện và phong phú hơn lên nhờ những “chợ di động”, dẫu cái giá của những bó rau, con cá là khá đắt. 1 kg thịt heo ở đồng bằng có giá 50.000 đồng thì lên vùng cao giá khoảng 65.000- 75.000 đồng. Tương tự, mọi hàng hóa khác cũng có giá xấp xỉ gấp rưỡi giá ở chợ đồng bằng.

Tuy có “chợ” đến cung ứng tận nhà, nhưng “chợ di động” khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng hàng hóa. Và bằng sao được với việc chính tay mình lựa chọn mua hàng, trả treo và thỏa mãn trước món hàng ưng ý. Vả lại, chức năng chính của chợ là nơi giao thương, buôn bán, ngoài ra chợ còn là không gian sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng rõ nét. Ước mơ về một khu chợ trù phú ở vùng cao là khó thành hiện thực bởi mức sống, điều kiện sống của người dân vẫn còn quá khó khăn. Nhưng trước mắt, người dân các làng vùng cao An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh cũng cần có một cái chợ cố định để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, giảm thiểu những khó khăn, bất tiện trong cuộc sống. Mặt khác, từ những nơi họp chợ, tiếng nói của đồng bào Bana, H’rê sẽ được sử dụng rộng rãi, góp phần gìn giữ ngôn ngữ của họ.

“Nhất cận thị, nhị cận giang”, câu đúc kết của ông bà ta về sự tiện lợi trong cuộc sống ấy là minh chứng hùng hồn cho vai trò quan trọng của một khu chợ. Đến bao giờ những người phụ nữ Bana, H’rê vùng cao, vùng sâu được mang gùi đi chợ sáng?

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vất vả chuyện nghề  (01/11/2008)
Quản lý học sinh bằng camera  (01/11/2008)
Thành lập lực lượng dân quân biển  (01/11/2008)
Gần 130.000 USD giúp phòng chống bệnh tiêu chảy  (31/10/2008)
Khai trương trang web của Hội Nông dân Bình Định  (31/10/2008)
Từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Càng thấy Karl Marx vĩ đại  (31/10/2008)
Vẫn chưa về đích!  (31/10/2008)
Chú trọng phát triển du lịch gắn với các loại hình dịch vụ  (31/10/2008)
Bế mạc Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên  (31/10/2008)
Trên 78% doanh nghiệp chưa đăng ký thang, bảng lương  (30/10/2008)
Nỗi đau của một gia đình bị nghi nhiễm HIV  (30/10/2008)
Đoàn ĐBQH Bình Định gặp mặt thí sinh dự thi “Đường lên đỉnh Olympia”  (30/10/2008)
Công tác dự báo cần chính xác hơn  (30/10/2008)
Hội thảo báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 13  (29/10/2008)
Công ty Boeing và Tổ chức WME bàn giao trường học  (29/10/2008)