Tại phiên thảo luận ở hội trường (kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII) về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác phòng, chống tham nhũng, phát biểu kiến nghị của đại biểu (ĐB) Hồ Quốc Dũng đã được nhiều ĐB đồng tình. Báo Bình Định xin giới thiệu bài phát biểu này.
|
Đại biểu Hồ Quốc Dũng phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: H. Loan
|
* Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm
Trước hết, có thể nói rằng những gì đã đạt được trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua cho thấy chúng ta chưa đạt được kết quả như cử tri mong muốn. Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp như Báo cáo của Chính phủ đã nêu.
Theo tôi, chúng ta chưa tìm ra được một cơ chế thích hợp để đấu tranh PCTN thật sự mang lại hiệu quả. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PCTN được thành lập, hoạt động chuyên trách ở Trung ương và các tỉnh thành, được kỳ vọng như những tư lệnh trên mặt trận chống tham nhũng, thì đang hoạt động như “gà mắc tóc”, trở thành những vị tướng 3 không: không quân, không quyền và không chịu trách nhiệm. Nếu cơ quan này can thiệp mạnh vào tiến trình giải quyết các vụ án thì bị quy cho là can thiệp vào hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp. Còn nếu chỉ đôn đốc, nhắc nhở thì không mang lại hiệu quả.
Theo tôi nghĩ việc này cũng không thể trách các cơ quan tố tụng vì chính họ phải gánh chịu hậu quả pháp lý nếu để xảy ra các vụ án oan sai chứ không phải là Ban chỉ đạo. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao các vụ án điểm ở cả Trung ương và địa phương đều bị kéo dài quá hạn luật định, không đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.
Mặt khác, cơ chế phối hợp của các cơ quan tố tụng cùng cấp và giữa cơ quan tố tụng cấp trên đối với cấp dưới trong đấu tranh PCTN còn nhiều bất cập, nhất là xử lý các vụ án điểm. Ví dụ vụ án Nguyễn Việt Tiến trong 18 tháng điều tra vụ án trọng điểm được dư luận cả nước quan tâm, giữa Viện Kiểm sát và Bộ Công an không biết có cơ chế phối hợp hay không mà đến khi chuyển qua Viện Kiểm sát thì 3 tội khởi tố phải đình chỉ 2 tội vì không cấu thành tội phạm, còn một tội là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là điều mà chúng ta cần rút ra bài học về cơ chế phối hợp trong công tác đấu tranh PCTN trong thời gian tới.
Việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến PCTN theo tôi là thiếu nghiêm túc và không có kỷ cương. Ngay cả việc đơn giản nhất là kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đến nay theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 37 đã hết thời hạn từ lâu nhưng còn rất nhiều cơ quan chưa kê khai. Điều đó nói lên kỷ luật, kỷ cương của đất nước không nghiêm. Chúng ta thiếu nghiêm túc và gương mẫu trong việc thực hiện pháp luật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho cuộc chiến chống tham nhũng không đạt được kết quả.
* Cần quyết liệt hơn trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Xung quanh vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo tôi, đã có những chuyển biến rất tích cực nhưng Báo cáo của Chính phủ nêu rất chung chung, không khen ai và cũng không chê ai. Tôi nghĩ việc này không tạo được động lực và chuyển biến trong thời gian tới. Vì vậy, bên cạnh việc triệt để thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu và đầu tư công, đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề bức xúc sau:
Một là, đề nghị Chính phủ cần có chính sách quyết liệt hơn nhằm tiết kiệm triệt để trong khai thác tài nguyên, khoáng sản của đất nước; thực hiện công khai việc đấu thầu trong khai thác tài nguyên khoáng sản để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Hai là, bên cạnh quy định chặt chẽ việc tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để có giải pháp nhằm tiết kiệm trong sử dụng biên chế và thời gian lao động, tránh lãng phí thời gian lao động tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Chấn chỉnh chế độ hội họp, hội nghị; hoàn thiện cơ chế khoán biên chế và quỹ tiền lương gắn với hiệu quả công tác, vì vấn đề này hiện nay vẫn đang xảy ra mặt tiêu cực là khi chúng ta khoán biên chế và quỹ tiền lương thì các cơ quan, đơn vị ít đi công tác cơ sở, cho nên không nắm bắt được tình hình và xử lý công việc rất chậm.
Cuối cùng, tôi đề nghị Chính phủ cần có những quy định mạnh để chấn chỉnh việc lạm dụng trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Vấn đề này đã và đang bị lạm dụng để biến thành chỗ trả ơn, trả nghĩa, phô trương kinh tế, phung phí tiền của, theo tôi đã vượt giới hạn cho phép, trở nên lệch lạc, cần có sự điều chỉnh của Nhà nước. Vấn đề này cũng đã được quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng thời gian qua việc hướng dẫn quy định thực hiện chưa được nghiêm túc.
(Tít bài và tít con do Báo Bình Định đặt) |