Khi vợ “cao” hơn chồng
9:15', 5/11/ 2008 (GMT+7)

Được chồng phụ giúp công việc nhà là mong ước của nhiều phụ nữ. Ảnh: getty images

Trong xã hội hiện đại, ngày càng nhiều phụ nữ phát huy tốt năng lực của mình. Nhiều người không chỉ “cao” hơn chồng về vị thế ngoài xã hội mà còn giữ vai trò chính trong việc kiếm tiền lo toan trong gia đình. Tuy nhiên không phải ông chồng nào cũng dễ dàng chấp nhận bị vợ “qua mặt”…

* “Hai giỏi” cũng buồn

Chị Thiên Hòa là nhân viên có năng lực nên chỉ sau vài năm công tác đã được cất nhắc lên vị trí quản lý. Lương cao, trách nhiệm nhiều hơn nên thời gian chị dành cho gia đình không nhiều như trước. Công việc nhà, chăm sóc con cái đều nhờ đến anh Hoàng, chồng chị. Ban đầu, anh vui vẻ nhận việc nhưng lâu dần lại cảm thấy không thoải mái. Mỗi khi từ chối “độ nhậu” của bạn bè, người thân, anh thường bị nghe những lời “mát mẻ”: “Thôi, để cho nó tròn nhiệm vụ với sếp bà”. Nhiều lần như vậy cộng với mặc cảm lương thấp chỉ bằng 1/5 của vợ đã làm anh Hoàng trở nên lầm lì, khó chịu. Anh không còn hào hứng mỗi khi bàn chuyện nhà mà chỉ buông câu: “Tùy, giờ em là sếp mà”. Thái độ của chồng khiến chị Hòa vô cùng khó xử. Chị dè dặt, cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói, cũng không dám tranh thủ ở lại cơ quan làm đêm như trước… vì nguy cơ tan vỡ hạnh phúc đang chờ chực nếu chị không sớm điều chỉnh.

Chị Nguyên Bình, chủ một đại lý phân phối mỹ phẩm, cũng có tâm sự buồn của một trụ cột gia đình. Chị nói: “Buông tay dầm cầm tay chèo đến đâu không cần biết, nhưng về đến nhà là phải lo tròn phận sự trong nhà. Đôi khi hàng nhập kho cần có người lên kiểm gấp, tôi vẫn phải bỏ đó mà về chở con đi học, trong lúc chồng vô tư ngủ khì”. Chồng của chị Bình quan niệm “đàn ông, hễ nấu cơm cho vợ được một lần thì sẽ có lần hai, lần ba…” nên hầu như không “mó tay” vào việc nhà. Chị kể lại “sự cố” lần tổ chức gặp mặt, thù tiếp các bạn hàng đồng nghiệp cách đây vài tháng. Dù trước đó chị đã thông báo với chồng về kế hoạch của mình, lo liệu chu toàn ở nhà rồi mới đến khách sạn; vậy mà, sáng hôm sau, anh lẳng lặng đi công tác mấy ngày liền không thèm báo cho vợ biết, di động tắt máy- coi như “cảnh cáo” vợ !

* Giữ “lửa” bền lâu

Chị Bình tâm sự, mỗi lần nhìn sang nhà hàng xóm lại buồn đến phát khóc. Nhà ấy cũng có vợ làm quản lý, bận rộn suốt ngày ở cơ quan; chồng chỉ là nhân viên bình thường nhưng không vì thế mà anh mặc cảm. Đi chợ, dọn dẹp nhà cửa hay chăm sóc con cái… anh chẳng nề hà, thậm chí, anh còn ra tận cổng dắt xe máy cho vợ mỗi khi vợ về. Cuộc sống gia đình của họ luôn đầy ắp tiếng cười. “Tôi cũng ước ao được chồng ga lăng, thông cảm đến thế, nhưng có lẽ chỉ là mơ mà thôi…”- chị Bình ngao ngán.

Trong thực tế, không ít gia đình rơi vào cảnh bằng mặt chẳng bằng lòng khi vợ ở vị thế “thượng phong” về mặt chức vị hoặc khả năng kiếm tiền hơn chồng. Người chồng có tâm trạng hụt hẫng, chán nản khi nghĩ mình “yếu thế” hơn vợ. Nếu người vợ không tinh tế nhận biết để điều chỉnh mình thì nguy cơ đổ vỡ rất dễ xảy ra. Trường hợp của chị Nguyên Hương, giám đốc một nhãn hàng đa quốc gia là một ví dụ. Thông minh, quyết đoán, “hoạn lộ” của chị như diều gặp gió. Hương đi nước ngoài như đi chợ, nhân viên dưới quyền mấy chục người trong khi anh chồng vẫn “đì đẹt” ở vị trí kiến trúc sư quèn. Dù thừa nhận không thể chê vợ điểm gì: nữ công gia chánh khá, đối xử với gia đình nhà chồng cũng rất tốt, anh cương quyết xin ly hôn vì không thể “luôn là cái bóng của vợ”. Tận trong góc khuất của người đàn ông,  anh bộc lộ: “Giá mà cô ấy có việc gì khó cần tôi khuyên; hoặc cô ấy khóc lóc, buồn tủi để tôi dỗ dành, chia sẻ. Đằng này, mọi việc cô ấy đều tự chủ giải quyết, chẳng phiền gì đến tôi. Tôi cảm giác mình là người thừa…”.

Người viết bài này có một người bạn vong niên, đã lấy bằng tiến sĩ ở tuổi còn rất trẻ, tương lai đầy triển vọng, cứ nửa đùa nửa thật: “Ở cơ quan mình là tiến sĩ, nói có người nghe. Về nhà, chồng nói gì thì vợ phải nghe nấy, đôi lúc thấy sai vẫn gật là đúng, nếu như không muốn nổ ra chiến tranh…”. Thế mới biết, khi vợ “cao” hơn chồng lại càng phải biết cách để “đẹp lòng chàng, vừa ý thiếp”. Đó chính là sự tinh tế, nhạy cảm của người phụ nữ; luôn biết tôn “cái tôi” của chồng đúng lúc, đúng cách. Một số chị là người kiếm tiền chủ lực trong nhà, thường xuyên đi công tác xa hoặc làm việc thông tầm từ sáng đến chiều vậy mà các đức ông chồng vẫn vui vẻ làm thay vợ mọi việc. Hỏi “bí quyết”, các chị chỉ cười: “Quan trọng nhất là vợ chồng biết thông cảm, sẻ chia công việc cho nhau. Mình không vì kiếm nhiều tiền hơn mà “hiếp” chồng, mà ngược lại phải biết rằng nhờ có chồng giúp mình mới được như thế…”.

  • Hoàng Lan
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kết nối internet đến tất cả các trường học  (05/11/2008)
Ngày 1.4.2009, tổng điều tra dân số và nhà ở  (05/11/2008)
Cần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm  (05/11/2008)
Gần 1,5 tỉ đồng xây dựng sàn giao dịch việc làm hỗn hợp  (04/11/2008)
Đã tập trung 76 đối tượng lang thang, cơ nhỡ  (04/11/2008)
Thêm 21 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia  (04/11/2008)
Quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) cho trí thức  (04/11/2008)
Hướng đến đào tạo theo nhu cầu xã hội  (04/11/2008)
Đã có sự chuyển biến tích cực   (03/11/2008)
Tiếp tục hỗ trợ đào tạo tiếng Việt cho học sinh của 4 tỉnh Nam Lào   (03/11/2008)
“Chợ” vùng cao  (01/11/2008)
Vất vả chuyện nghề  (01/11/2008)
Quản lý học sinh bằng camera  (01/11/2008)
Thành lập lực lượng dân quân biển  (01/11/2008)
Gần 130.000 USD giúp phòng chống bệnh tiêu chảy  (31/10/2008)