Trạm y tế không có điện, không có nữ hộ sinh nên mỗi khi bị thương tích, đau ốm hay trở dạ sinh nở…, người dân phải vượt hàng chục cây số đường rừng để xuống Trung tâm Y tế huyện. Chuyện kéo dài từ nhiều năm nay, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người dân ở 3 xã An Nghĩa, An Toàn và An Vinh (huyện An Lão).
|
Các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân đơn giản như thế này cũng rất khó thực hiện ở 3 trạm y tế xã nói trên. Ảnh: Phương Vy
|
* Hạn chế chuyên môn
Bác sĩ Dương Văn Tiếp, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Lão, cho biết: “Đối với những xã này, việc đi lại rất khó khăn. Một nhân viên y tế đi từ nhà đến trạm mất cả vài giờ. Do đó, công tác khám chữa bệnh cho người dân ở những nơi này cũng chưa được thường xuyên, thỉnh thoảng mới có ngày được 3-5 người đến khám”.
Mỗi trạm y tế hiện có 4-5 nhân viên y tế. Định biên cho trạm vẫn còn song không có người để bổ sung vào các vị trí còn thiếu. Mặt khác, nhân viên y tế đều là người dân tộc thiểu số, trình độ chưa hết cấp 3 nên rất hạn chế trong chuyên môn nghiệp vụ. Đã thế, do trở ngại trong việc đi lại ở các xã vùng cao, đặc biệt vào mùa mưa, nên việc đưa nhân viên y tế xuống Trung tâm Y tế huyện tham dự những buổi giao ban, tập huấn hoặc hội thảo nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn là rất khó khăn.
Đến thời điểm này, 2 trạm y tế An Toàn và An Nghĩa vẫn chưa có điện lưới quốc gia nên công tác bảo quản văc xin để tiêm chủng, hấp sấy dụng cụ y tế… rất khó khăn khiến các hoạt động khám chữa bệnh gần như không triển khai được.
* “Trắng” dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản
Hiện nay, ở 3 xã miền núi An Vinh, An Toàn, An Nghĩa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân không được triển khai thực hiện. Lý do rất đơn giản là nhân viên y tế ở các trạm y tế này chỉ toàn nam mà không có nữ hộ sinh hay y sĩ sản nhi.
Y sĩ Đinh Văn Ngông, Trưởng trạm y tế An Vinh, cho biết: “Từ hồi nào tới giờ, trạm không tuyển được nữ hộ sinh nên không thể triển khai được công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Vừa rồi, trạm đã cử 1 cán bộ tham gia các lớp tập huấn về sản khoa, nhưng về địa phương lại không triển khai được do phụ nữ ở đây không muốn khám thai, khám phụ khoa hay đỡ đẻ bởi… một người đàn ông”.
Còn một lý do khác nữa khiến dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các trạm y tế này không triển khai được là do không có bác sĩ nên không thể kê đơn thuốc, trong sản khoa cũng không thực hiện được. Chính vì vậy, mỗi năm hai bận, việc thăm khám sức khỏe sinh sản cho phụ nữ địa phương đều phải nhờ vào kế hoạch triển khai các đợt chiến dịch lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản và tuyên truyền của Đội Kế hoạch hóa gia đình thuộc Trung tâm Y tế huyện. Còn phụ nữ mang thai phải xuống tận Trung tâm Y tế huyện để tiêm thuốc.
Năm 2007, Trung tâm Y tế huyện An Lão cũng đã tiếp nhận hồ sơ của một nữ hộ sinh quê ở huyện Hoài Ân có nguyện vọng xin về trạm y tế xã An Toàn công tác. Nhưng sau giai đoạn “thăm dò”, nữ hộ sinh này đã không quay trở lại. Đến giờ, Trung tâm vẫn chưa nhận thêm hồ sơ nữ hộ sinh nào.
Không có nữ hộ sinh, địa hình bị chia cắt nên ngoài tập tục sinh con tại nhà hoặc ở rừng, nhiều sản phụ cũng không mặn mà với việc đến bệnh viện để sinh. Bác sĩ Dương Văn Tiếp thừa nhận: “Ở 3 xã này đã có một số trường hợp sản phụ sinh tại nhà hay ở rừng không có sự trợ giúp của nhân viên y tế nên bị tai biến, nhiều trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con”.
* Bao giờ...?
Từ ngày 1.7.2008, sau khi tiếp nhận trạm y tế từ Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện An Lão đã tiến hành đợt khảo sát, kiểm tra đánh giá tình hình hoạt động của các trạm y tế xã, nhất là các trạm đặc biệt khó khăn để có hướng giải quyết.
“Trước mắt, Trung tâm sẽ cho tăng cường cán bộ y tế huyện về phối hợp với nhân viên y tế trạm để triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân, tạo uy tín đối với người dân. Còn về lâu dài, chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện cử những nhân viên y tế có năng lực hiện có đi học bổ túc phổ thông, sau đó đào tạo chuyên tu; đồng thời thực hiện chế độ cử tuyển đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số để về phục vụ địa phương. Tất nhiên, chúng tôi cũng ưu tiên định biên nữ hộ sinh cho 3 trạm y tế này” – BS Dương Văn Tiếp nói. Kế hoạch là vậy, nhưng ông Tiếp vẫn phập phồng lo vì không tìm ra được những người có các điều kiện nói trên ở các xã vùng cao này.
|