Giám đốc của những người cùng số phận
9:22', 8/11/ 2008 (GMT+7)

Chị là Nguyễn Thị Dư, Giám đốc Cty TNHH May xuất khẩu Thành Hiệp, P. Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn. Doanh nghiệp của chị có trên 70 công nhân, trong đó có hơn một nửa là người có cùng cảnh ngộ khuyết tật như mình. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc chuyện trò với con người khá đặc biệt này.

 

                  Chị Dư (đứng) đang hướng dẫn cho công nhân mới thử việc.

 

* Tuổi thơ không êm ả

- Chị Dư có thể nói qua tuổi thơ và gia đình, làng xóm của mình lúc bấy giờ?

Quê gốc của tôi ở khu Đông huyện Tuy Phước. Làng Kim Đông (Phước Hòa) của tôi ngày ấy nghèo xơ xác, người ta thường trêu là xứ “9 áo 1 quần”. Cha mẹ tôi vừa tham gia hoạt động cách mạng, vừa một nắng hai sương để nuôi 6 đứa con, nên gia đình chưa bao giờ no đủ. Cha hy sinh năm 1968 khi tôi tròn 1 tuổi, sau đó mẹ tôi bị địch bắt vào tù vì tham gia cách mạng, mới 2 tuổi tôi phải theo mẹ vào trại giam. Từ trong tâm thức trẻ thơ, tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng mẹ tôi bị đánh đập tra khảo một cách dã man. Do sống trong lao tù đầy khắc nghiệt, sau cơn sốt bại liệt tôi trở thành đứa bé tàn tật. Khi ra tù mẹ vẫn kiên trung với cách mạng, hoạt động cách mạng càng hăng say hơn. Mẹ vẫn thủ tiết thờ chồng và nuôi đàn con khôn lớn. Những anh, chị của tôi vừa mới lớn cũng tiếp bước theo con đường của cha mẹ. Một người anh trai tham gia du kích hy sinh, rồi tiếp đến một người chị làm giao liên cũng bị địch bắn. Mẹ khóc thật nhiều vì thương tiếc chồng con và xót xa cho tấm thân bé bỏng tật nguyền của tôi.

- Việc học hành, sinh hoạt của chị chắc là vất vả lắm?

Việc học hành của tôi đầy dẫy gian truân, bởi khuyết tật vận động. Tôi vui sướng đến tột cùng khi mẹ đồng ý cho tôi đến trường như bao bạn bè khác. Nhưng chỉ mấy ngày đầu là tôi suýt bỏ học, bởi bạn bè luôn trêu chọc sự khiếm khuyết của tôi. Hơn nữa, nhà tôi cách xa trường, tôi phải đi bộ hàng mấy cây số đường đất gập ghềnh mùa nắng, sình lầy mùa mưa; tôi đến trường thường xuyên áo quần ướt đến nửa người, có hôm tôi say nắng bị ngất xỉu, bạn bè cõng giúp về nhà. Nhưng rồi tôi lại dập tắt ngay ý định bỏ học, chỉ đơn giản là tôi rất yêu thích sách vở và không muốn thua kém bạn bè cùng lứa. Cũng may là đầu óc tôi không đến nỗi tối tăm. Sự nghèo và khuyết tật đã gây khó khăn, bất trắc cho con đường đến trường của tôi, nhưng không làm tôi lùi bước, tôi được sự may mắn là có một vài người bạn tốt luôn giúp đỡ. Năm 1989, tôi tốt nghiệp Trường Trung cấp Tài chính - Kế toán Nghĩa Bình, với niềm hy vọng sẽ tìm được một việc làm phù hợp với sức khỏe của mình.

 

 Những giây phút hiếm hoi chị Dư (bên trái) cùng anh Hiệp và hai con gái ở bên nhau.

 

* Nhọc nhằn tìm kiếm tương lai

- Tốt nghiệp Trung cấp Tài chính - Kế toán vào thời điểm đó, lại là con của gia đình chính sách, để tìm kiếm một việc làm đúng chuyên môn chắc là không khó?

Đúng là vào thời điểm này người có bằng cấp đi xin việc không khó, nhưng nó chỉ đúng với những người khác, riêng tôi thì không. Tôi đã cầm hồ sơ đi gõ cửa hàng chục cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trong tỉnh, nhưng chỉ nhận được lời an ủi, đại loại như: em bị khuyết tật, nhà nghèo lại cố gắng học hành là thật đáng khen. Nhưng ngay sau đó đều có chung một kết quả là cơ quan, doanh nghiệp hiện chưa có chỉ tiêu tuyển dụng, khi nào có thì liên hệ lại. Mãi sau này tôi mới nghiệm ra là không ai muốn nhận một người khuyết tật như tôi, nên họ từ chối khéo bởi tôi là con của gia đình có 3 liệt sĩ. Vậy là mơ ước đơn giản, tìm kiếm một việc làm phù hợp với sức khỏe để nuôi thân của tôi đã tan biến. Buồn bã đến cực độ, nhiều lần tôi muốn “biến” khỏi cuộc đời này cho xong, nhưng nghĩ thương mẹ quá tôi phải dừng lại.

- Cơ duyên đưa chị đến với nghề may? Nghề này có phù hợp với chuyên môn, tình trạng sức khỏe của chị không?

Trong những ngày tháng bi quan, thất vọng nhất thì bỗng có giấy báo của Xí nghiệp May mặc xuất khẩu Bình Định nhận làm việc. Tôi không được bố trí ở bộ phận liên quan đến ngành học, mà là công nhân may, làm việc tại bộ phận vải. Công việc khá nặng nhọc, nhưng được lao động là tôi thấy vui rồi. Thể lực không được tốt, nhưng tôi cố không để mọi người biết. Làm xong ca là mỏi nhừ, thế nhưng lúc mọi người nghỉ trưa là tôi tranh thủ vào tập đạp máy, tập may thử. Sau này thấy tôi may được và siêng năng nên Xí nghiệp chuyển qua bộ phận may; không lâu tôi trở thành thợ giỏi, được tăng lương. Về sau tôi được cân nhắc làm Tổ trưởng bộ phận KCS, rồi chuyển sang Phòng kỹ thuật Công ty May Bình Định.

Để tiếp cận với kỹ thuật may hiện đại, tôi cố gắng sắp xếp công việc theo học và hoàn thành lớp cắt may công nghiệp của Trường Cao đẳng Công nghệ TP. HCM, đạt loại khá.

 

Công nhân của chị Dư đang vào ca.

  

* Không bao giờ từ bỏ ước mơ

- Chị nghĩ gì về thành ngữVạn sự khởi đầu nan” khi thành lập Công ty TNHH May xuất khẩu Thành Hiệp, trong lúc tiềm lực kinh tế của gia đình chị không mấy dồi dào?

Tôi biết mình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi muốn thử sức mình. Lúc đầu tôi chỉ đầu tư vừa với khả năng của mình. Bên cạnh tôi còn có các bạn hàng, bạn bè ủng hộ, giúp đỡ tôi. Nhưng phải kể đến công đầu là ông xã tôi, anh Phan Hiệp (1966); anh là người chăm chỉ làm ăn, thương vợ con, quán xuyến công việc gia đình khi tôi còn gặp khó khăn và sẵn sàng nghỉ việc ở Cơ khí Quang Trung để cùng tôi quản lý Công ty. Hai con gái của chúng tôi cũng rất ngoan, chăm học, cảm thông với công việc của cha mẹ. Đúng như tâm nguyện của tôi là xây dựng Công ty chủ yếu là để tạo việc làm cho người cùng cảnh ngộ như tôi ngày xưa và những gia đình nghèo khó. Chỉ vài tháng hoạt động, Công ty đã thu hút được 60 đến 70 công nhân, trong đó có trên 40 công nhân là người khuyết tật.

- Chị có gặp khó khăn, rủi ro nào đáng nhớ nhất?

Những ngày đầu Công ty chúng tôi được Công ty TNHH may Trường Thành (chợ Lớn Quy Nhơn) giúp đỡ, chia sẻ về nguồn hàng, nên hoạt động rất thuận lợi. Niềm vui chưa trọn, thì trận hỏa hoạn chợ Lớn Quy Nhơn đã thiêu rụi toàn bộ lô hàng may gia công chúng tôi vừa giao cho Trường Thành có giá trị đến 4.500 USD chưa thanh toán. Về sau Công ty này phá sản và mất khả năng thanh toán. Vừa mất một khoản tiền lớn, vừa mất một đối tác lớn tôi buồn bã và thất vọng, lo cho bản thân mình một, lo cho các em, các cháu công nhân của mình đến hai.  Có thời điểm vô cùng khó khăn, tôi quyết một phen vào TP.HCM tìm kiếm đối tác. Tình cờ tôi gặp một người bạn học thời phổ thông, anh này làm giám đốc một công ty may. Anh đã giới thiệu tôi với một số bạn bè cùng ngành may mặc, trong đó có nhiều doanh nhân nước ngoài. Họ rất cảm thông và muốn hợp tác với tôi vì biết Công ty chúng tôi có nhiều người khuyết tật đang lao động. Từ năm 2007, Công ty của tôi đều đặn ký kết những hợp đồng gia công may xuất khẩu, công việc khá ổn định. Công nhân của tôi thu nhập bình quân 1 triệu đồng/tháng/người, cá biệt có em làm tăng ca, thu nhập đến 2 triệu đồng/tháng.

- Tâm nguyện của chị giờ đây là gì?

Chưa bao giờ tôi từ bỏ mơ ước tự vươn lên và làm nhiều điều có ích hơn cho các em, các cháu có cùng cảnh ngộ như chúng tôi; tôi mong các em, các cháu phải vươn xa hơn tôi bây giờ. Tôi cũng không bao giờ quên được những ngày tháng đã cùng với Cơ sở dạy nghề Đồng Tâm hợp tác, chia sẻ những vui buồn, cùng nhau chung tay giúp đỡ các trẻ khuyết tật, mô côi có được mái ấm và việc làm.

- Xin cảm ơn chị đã bày tỏ với bạn đọc Báo Bình Định về câu chuyện đầy cảm động về bản thân chị.

  • Ngọc Diên (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuẩn bị chu đáo các phương án phòng chống bão   (08/11/2008)
Nước Nga trong tôi   (07/11/2008)
Tập huấn triển khai bản quyền phần mềm Microsoft Office   (07/11/2008)
Công bố triển khai Dự án VLAP tại Bình Định   (07/11/2008)
Vừa học vừa làm nghề  (06/11/2008)
Giường bệnh điện tử American-Simmons sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị  (06/11/2008)
Triển khai mô hình điểm phòng, chống bạo lực gia đình  (06/11/2008)
Những trạm y tế... “2 không”  (06/11/2008)
Khi vợ “cao” hơn chồng  (05/11/2008)
Kết nối internet đến tất cả các trường học  (05/11/2008)
Ngày 1.4.2009, tổng điều tra dân số và nhà ở  (05/11/2008)
Cần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm  (05/11/2008)
Gần 1,5 tỉ đồng xây dựng sàn giao dịch việc làm hỗn hợp  (04/11/2008)
Đã tập trung 76 đối tượng lang thang, cơ nhỡ  (04/11/2008)
Thêm 21 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia  (04/11/2008)