|
Một em bé (khoảng 4 tuổi) đang bán vé số dạo (ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 9.11.2008, trên đường Nguyễn Huệ, TP. Quy Nhơn). |
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em, trẻ em bị đối xử thô bạo, bị gây thương tích, bị lạm dụng tình dục vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại.
Lạm dụng sức lao động trẻ em, đẩy trẻ em ra đường kiếm tiền là hiện tượng còn phổ biến, nhất là ở nông thôn, miền núi, miền biển. Ở các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn… trẻ em tham gia lao động khá đông trong các lò gạch, các cơ sở chế biến, gia công thực phẩm. Ở các xã ven biển Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn nhiều em sớm lao động trong môi trường sóng nước, thậm chí nhiều em bỏ học tham gia đánh bắt cá xa bờ. Tại những địa phương có số lượng học sinh bỏ học lớn, phần đông cũng là những nơi có hiện tượng trẻ em lao động sớm ở mức cao. Ở đô thị, tại những nơi công cộng như chợ, công viên, thậm chí ở những nơi tôn nghiêm như đền, chùa, thường xuất hiện cảnh những em nhỏ với dáng vẻ thiểu não đi xin ăn; cảnh đó đã động lòng nhiều người nên dù ít, dù nhiều đều giúp đỡ. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều là người gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; thực tế hiện có một số kẻ bất lương lợi dụng những người hảo tâm để hưởng lợi; sử dụng trẻ em như một thứ công cụ để kiếm tiền.
Mấy năm gần đây, hiện tượng bé gái bị xâm hại tình dục đã gây nhức nhối xã hội. Hàng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 5 đến 10 vụ hiếp dâm trẻ em; có hàng chục bé gái bị lạm dụng tình dục. Đau lòng nhất là vụ các “đại gia” mua dâm trẻ em ở xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn; vụ hiếp dâm trẻ ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, và xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn vừa qua. Những vụ việc đáng tiếc nói trên, một phần do cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc, quản lý và giáo dục đối với con cái, để kẻ xấu lạm dụng, dụ dỗ, lôi kéo trẻ em vào mục đích xấu.
Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2005 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có việc lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em. Luật quy cũng định việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu. Mặt khác, cần phải có các biện pháp trừng trị nghiêm khắc đối với những hành vi lạm dụng trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:
Điều 8:
1. Trẻ em được Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về những vấn đề có liên quan.
2. Nghiêm cấm việc ngược đãi, làm nhục, hành hạ, ruồng bỏ trẻ em; bắt trộm, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; kích động, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật hoặc làm những việc có hại đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
Điều 9:
1. Trẻ em được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Trẻ em dưới sáu tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế của Nhà nước theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.
2. Cơ quan y tế Nhà nước có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc phòng bệnh và khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật; | |