Hoạt động truyền thông vận động, thay đổi hành vi trong công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian qua đã đạt được những thành công nhất định, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi, tạo môi trường thuận lợi cho người có HIV hòa nhập cộng đồng. PV Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh về vấn đề này.
|
Đêm văn nghệ truyền thông phòng chống AIDS “Nối vòng tay lớn” do huyện Hoài Nhơn tổ chức. Ảnh: T.Hiền
|
* Được đánh giá là thành công nhất trong 9 chương trình hành động phòng chống HIV/AIDS, ông có thể cho biết những kết quả của hoạt động truyền thông vận động?
- Trong 9 chương trình hành động thì chương trình thông tin giáo dục, truyền thông (TT-GD-TT) thay đổi hành vi được triển khai mạnh nhất. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng chống AIDS được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở, cả bề rộng lẫn chiều sâu. Các ban, ngành, đoàn thể như giáo dục, thanh niên, phụ nữ, nông dân, các lực lượng vũ trang… đều vào cuộc, tổ chức các đợt truyền thông trong đối tượng của mình. Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng được áp dụng từ truyền thông đại chúng đến truyền thông trực tiếp. Hoạt động truyền thông ở 86 xã trọng điểm về tình hình lây nhiễm HIV cũng được triển khai thường xuyên, chủ yếu là công tác TT-GD-TT. Trong các buổi tuyên truyền, chúng tôi nhấn mạnh đến các kiến thức cơ bản về HIV, tìm hiểu Luật phòng chống HIV/AIDS… để cộng đồng có cái nhìn chính xác và chia sẻ hơn với người bệnh.
* Hiện nay, tình hình lây nhiễm HIV còn ở giai đoạn tập trung, nhưng nguy cơ tiềm ẩn rất cao nếu không có sự can thiệp tích cực bằng các hoạt động truyền thông…
- Tính đến 30.9, toàn tỉnh có 629 người nhiễm HIV, trong đó, chuyển sang giai đoạn AIDS 406 và tử vong là 277 trường hợp. Riêng năm 2008, Bình Định phát hiện 36 trường hợp nhiễm HIV mới, 21 trường hợp chuyển sang AIDS và 6 người đã tử vong. Tình hình lây nhiễm HIV không có sự đột biến, bình quân mỗi năm khoảng 40-60 trường hợp. Nếu nhìn vào chỉ số này, nhiều người sẽ yên tâm rằng chúng ta đang khống chế dịch ở mức thấp, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không có sự can thiệp tích cực.
Sở dĩ, tôi nói điều này vì hiện nay, nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn tăng lên. Thực tế, nhiều người thuộc nhóm dân di biến động (đánh bắt cá xa bờ, lái xe đường dài, công nhân…) có hành vi quan hệ tình dục không an toàn nhưng không trang bị những kiến thức cơ bản về đường lây truyền HIV, chỉ đến khi nghe khuyến cáo mới đi xét nghiệm thì đã muộn. Mặt khác, phân tích cho thấy hơn 50% người nhiễm tập trung ở độ tuổi 20-29 cũng là nguy cơ để dịch HIV lây lan nhanh trong cộng đồng.
* Ông đã nói hơn 50% người nhiễm HIV tập trung ở độ tuổi lao động. Vậy, ông có nhận định gì khi Bình Định thu hút một lượng lớn lao động từ các nơi khác, trong khi hoạt động truyền thông phòng chống AIDS ở đối tượng này gần như bỏ ngỏ?
- Thật ra, việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong lực lượng công nhân ở các khu, cụm công nghiệp đã được LĐLĐ tỉnh triển khai trong các năm qua. Tuy nhiên, các hoạt động này lại không được tổ chức thường xuyên vì hầu hết chủ doanh nghiệp đều “viện cớ” không có thời gian để người lao động tham gia các buổi hội thảo. Đây chính là một lỗ hổng rất lớn mà sắp tới chúng tôi sẽ lên kế hoạch để huy động sự tham gia của các doanh nghiệp.
* Một trong những rào cản lớn nhất mà công cuộc phòng chống AIDS phải đương đầu là vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm và bị ảnh hưởng từ HIV/AIDS. Điều này có nghĩa là các hoạt động truyền thông phòng chống AIDS lâu nay vẫn chưa thực sự đánh động vào từng người dân?
- Sự kỳ thị xuất phát từ nguyên nhân cộng đồng còn quá ít hiểu biết về HIV, người ta quá sợ HIV dẫn đến sợ lây nhiễm và xa lánh người nhiễm. Trong hoạt động truyền thông, chúng tôi đưa nội dung chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm lên hàng đầu. Đặc biệt, mới đây Luật phòng chống HIV/AIDS được ban hành cũng quy định đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Dù đã giảm nhiều nhưng đến nay, sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người bệnh và gia đình của người nhiễm vẫn còn rất phổ biến mà không thể ngày một ngày hai chấm dứt được. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận hoạt động truyền thông vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền lâu nay của chúng ta cũng đã đi… lệch đường ray, gắn kết HIV với những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, từ đó quy kết người nhiễm cũng là những người bước ra từ tệ nạn.
Vì thế, thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là vận động người nhiễm HIV tham gia tích cực vào hoạt động này nhằm giảm bớt sự kỳ thị. Mặt khác, xu hướng hiện nay đã chuyển từ truyền thông đại chúng sang truyền thông trực tiếp, nghĩa là đi sâu vào từng đối tượng, từng người dân để người dân biết cách phòng tránh và chia sẻ với người bệnh.
* Cảm ơn ông!
|