QUỸ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM:
Thêm vốn, thêm việc làm
17:13', 13/11/ 2008 (GMT+7)

Trong thời gian qua, nguồn vốn vay giải quyết việc làm (GQVL) của Quỹ Quốc gia về việc làm và Quỹ GQVL địa phương đã tạo việc làm mới cho hơn 14.000 lao động, góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở tỉnh ta.

 

Các hộ dệt chiếu ở xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) đã được vay vốn để mua máy dệt chiếu. Ảnh: N.Phúc

 

* Thêm vốn, thêm việc

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bình Định, năm 2008 kế hoạch cho vay giải quyết việc làm là 58,9 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương 53,7 tỉ đồng và địa phương 5,2 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, đã có 1.287 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền 52,8 tỉ đồng, qua đó tạo việc làm mới cho khoảng 5.000 lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ.

Nguồn vốn vay GQVL không phân biệt đối tượng, thành phần kinh tế, nhưng trong đó ưu tiên cho người chuyển đổi nghề, phát triển nghề truyền thống, bộ đội xuất ngũ, người đi lao động ở nước ngoài, lao động dôi dư do sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và giảm biên chế... Đối với hộ gia đình thì mỗi hộ được vay cao nhất 20 triệu đồng, thấp nhất 5 triệu đồng; đối với những dự án tương đối lớn, giải quyết được nhiều lao động thì nguồn vốn cho vay tối đa 500 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó giám đốc NHCSXH Bình Định, cho biết: “Do đây là nguồn vốn vay ưu đãi nên thời gian qua lãi suất các ngân hàng tăng khá cao, trong khi đó nguồn vốn của Quỹ GQVL vẫn giữ nguyên lãi suất nên tạo rất nhiều thuận lợi cho các hộ vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế hộ gia đình… Số lao động có việc làm mới nhờ nguồn vốn vay ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, sự linh hoạt trong đầu tư nguồn vốn đã góp phần tạo sự chuyển dịch trong cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn”.

* Hiệu quả từ nguồn vốn

Thông qua NHCSXH Bình Định nhiều hộ vay vốn từ Quỹ GQVL để phát triển kinh tế hộ gia đình, như: chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng cây cảnh, trồng nấm, sản xuất gạch ngói, chế biến hải sản… Các dự án này ngoài giải quyết việc làm cho số lao động trong dự án, còn giải quyết thêm số lao động khác có việc làm ổn định.

Theo NHCSXH Bình Định, do tính chất nhỏ lẻ, manh mún, các dự án hộ, nhóm hộ gia đình đem lại hiệu quả không cao, nên nguồn vốn đầu tư của Quỹ việc làm đầu tư cho các mô hình này giảm hẳn so với trước đây. Thay vào đó, quỹ đầu tư vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề thủ công truyền thống… vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa giải quyết được việc làm cho nhiều lao động.

Một trong những dự án được đầu tư có hiệu quả là dự án mở rộng xưởng chế biến hạt điều xuất khẩu của bà Trần Thị Mai, ở xã Bình Tường (Tây Sơn). Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ việc làm bà Mai đã vay được 80 triệu đồng cùng với số vốn của gia đình đã cho mở rộng xưởng chế biến hạt điều, từ chỗ chỉ giải quyết được việc làm cho vài người thì nay đã giải quyết được trên 30 lao động nữ tại địa phương, với mức thu nhập từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/người/tháng.

Dự án làm đũa tre xuất khẩu của hộ Đặng Thị Trinh Nữ và Nguyễn Hữu Phước ở huyện An Lão, mỗi hộ vay 100 triệu đồng để mua máy móc và nguyên liệu làm đũa tre xuất khẩu, nhờ đó đã giải quyết được việc làm cho 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Hay dự án vay vốn để khôi phục lại nghề truyền thống chiếu cói ở xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) của các hộ: Chế Thị Ngọ, Nguyễn Trinh, Đỗ Hồng Mến, mỗi hộ vay 100 triệu đồng mua máy dệt chiếu và đầu tư trồng cói, giải quyết được việc làm cho 28 lao động. Đối với lao động dệt chiếu theo phương thức thủ công thì thu nhập từ 30.000 đến 35.000 đồng/người/ngày, còn dệt bằng máy thì thu nhập cao hơn khoảng 50.000 đồng/người/ngày…

Theo Sở LĐ-TB-XH, nhờ vào nguồn vốn vay Quỹ GQVL mà hàng năm các dự án đã tạo được hàng ngàn việc làm mới cho người lao động, chủ yếu là lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa. Các dự án đã giải quyết tốt lao động tại chỗ của địa phương nên tình trạng tha hương để kiếm việc làm giảm đáng kể. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn này cũng đã khôi phục, duy trì và phát triển nhiều nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cấp hơn 28 ngàn suất ăn miễn phí cho người bệnh nghèo  (13/11/2008)
Tăng cường truyền thông trực tiếp đến từng người dân  (13/11/2008)
Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn xa  (13/11/2008)
Nóng bỏng hiện tượng xâm hại, lạm dụng trẻ em  (12/11/2008)
Tiêu hủy một lượng lớn hàng hóa vi phạm hành chính  (12/11/2008)
Trích kinh phí xử phạt vi phạm an toàn giao thông cho ngân sách xã  (12/11/2008)
Hội thảo “Xây dựng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu ở TP. Quy Nhơn”  (11/11/2008)
Các trường sẽ áp dụng công nghệ thông tin ở từng môn học…  (11/11/2008)
Triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn  (10/11/2008)
Hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân  (10/11/2008)
Hội nghị triển khai công tác phối hợp tuyên truyền về biển, đảo  (10/11/2008)
Tạm dừng mua sắm một số tài sản bằng ngân sách nhà nước  (09/11/2008)
Giám đốc của những người cùng số phận   (08/11/2008)
Chuẩn bị chu đáo các phương án phòng chống bão   (08/11/2008)
Nước Nga trong tôi   (07/11/2008)