Bay nửa vòng trái đất để làm từ thiện
9:13', 15/11/ 2008 (GMT+7)

Năm 2005, hai phụ nữ này có mặt tại thành phố Quy Nhơn để trao xe lăn cho người tàn tật với tư cách thành viên của tổ chức tình nguyện Kids First (Trẻ em trên hết) - một tổ chức nhân đạo của Mỹ hiện đang thực hiện một số dự án với UBND tỉnh Quảng Trị và Hội LHPN Việt Nam…

 

Bà Carol Noe trao xe lắc cho em Hồ Tấn Công. Ảnh: Thu Hà

 

* Duyên nợ với Quy Nhơn

Và rồi chính sự thân thiện, dễ thương và cần xiết bao sự giúp đỡ của các em  ở Cơ sở Nguyễn Nga (nay ở số 91 đường Đống Đa- Quy Nhơn) đã “níu” chân họ trở lại và quyết định làm một điều gì đó cho “bọn trẻ”. Sau lần gặp gỡ như “duyên nợ” đó, Barbara Gregg và Carol Noe, quyết định lập nên nhóm “Barbara’s Kids” (Những đứa trẻ của Barbara) hỗ trợ cho các em nhỏ nghèo, khuyết tật ở Bình Định.

“Barbara’s Kids” có 6 thành viên chính thức, 20 thành viên tình nguyện và những nhà hỗ trợ về tài chính. Bà Barbara nói về cách thức vận động cho quỹ: “Tôi tổ chức những buổi ăn tối, nói chuyện, cho họ xem những tấm ảnh về các em tàn tật và các sản phẩm như các bức vẽ, thêu… do các em làm ra để kêu gọi lòng trắc ẩn. Tôi viết thư cho tổ chức Rotary-  một tổ chức từ thiện lớn trên thế giới, nhờ giúp đỡ. Còn Carol và các con cháu của bà lại tổ chức những buổi tiệc tối nho nhỏ. Trong buổi tiệc ấy lại bán đấu giá từ thiện bất cứ thứ gì có thể đấu giá được, từ những rổ đựng trái cây đến những vật dụng linh tinh khác. Người bán cũng như người mua đều vui vẻ khi biết rằng mình đang giúp người khác. 

Năm 2007, họ đưa 2 em Dương Thị Cẩm Lệ và Lê Thị Điểm bị khuyết tật tay qua Singapore khám bệnh nhưng chi phí phẫu thuật cao quá (hơn 60.000 USD) nên phải chờ đủ tiền. Lần này trở lại, họ mua tặng xe lắc cho em Hồ Tấn Công (Phù Mỹ) trị giá gần 3 triệu đồng, tổ chức một buổi gặp mặt và trao quà nho nhỏ cho các em khuyết tật. Nhưng, mục đích chính vẫn là đưa các em Huỳnh Thị Mộng Tuyền (ở huyện Tuy Phước bị bệnh loét giác mạc phải sống trong bóng tối 15 năm nay); chị Trần Thị Thúy (ở huyện Hoài Ân, bị vẹo cột sống) và Lê Tấn Sĩ (ở huyện Phù Mỹ, bị u xương) đến khám, và nhận tư vấn bác sĩ về bệnh trạng cũng như chữa trị. Chị Trần Thị Thúy, hiện đang là giáo viên ở Trường THPT Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) cảm động nói: “Vừa rồi tôi vào Trung tâm Chỉnh hình khám, bác sĩ nói bệnh không phẫu thuật được mà chỉ có thể giải quyết tạm thời bằng cách đóng giày chuyên biệt. Bà Barbara bảo sẽ đưa phim về Mỹ nhờ các chuyên gia xem giúp nên tôi thấy hy vọng lắm”.

Hôm nay, em Lê Tấn Sĩ vào TP. Hồ Chí Minh để chuẩn bị ngày 20.11 phẫu thuật u cánh tay tại Bệnh viện FV (TP.Hồ Chí Minh) với chi phí khoảng 50 triệu đồng. Tình hình của Tuyền thì tạm thời chỉ có thể phẫu thuật ở bên ngoài (chi phí khoảng 200 USD); nhưng chữa trị hẳn thì chưa chắc chắn. “Em ấy buồn, chúng tôi động viên em ấy bằng cách dẫn đi ăn kem, bánh”- họ kể lại. Cách đây hai hôm, hai bà đã vào khoa Nhi- BVĐK tỉnh thăm và quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật tim (trên 2000 USD) cho bé Nguyễn Thị Hồng Ly, 19 tháng tuổi (Phước Sơn, Tuy Phước) bị bệnh tim rất nặng. “Lần trước, tôi ẵm bé ra Huế rồi đành về, vì  không đủ tiền để phẫu thuật”- mẹ bé Ly nghẹn ngào.

* “Chúng tôi cảm nhận được những gì các em cần”

Họ đã 10 lần đến Việt Nam; từ năm 2005 đến năm 2008, bốn lần đến Quy Nhơn… vì các em khuyết tật. Vì sao ư? “Chỉ vì chúng tôi cảm nhận được những gì các em cần. Vì rằng đem lại niềm vui cho người khác, giúp đỡ họ sống tốt hơn là niềm vui của mình, là lẽ sống cho hết phần đời còn lại của mình”- họ nói.

Cả hai hiện sống tại ở thành phố Seatle thuộc tiểu bang Washington. Bà Barbara vẫn làm bán thời gian tại khoa phẫu thuật thuộc Trung tâm Y khoa Harborview của thành phố Seatle. Hai con gái của bà cũng làm việc trong ngành y khoa. Còn Carol, trước đây làm việc tại một siêu thị; chăm sóc trẻ ở nhà thờ. Bà khoe ảnh của các cháu, nói rất tự hào: “Tôi có 3 người con, 7 đứa cháu. Mọi thành viên trong gia đình đều rất thích làm từ thiện. Chúng thường quyên góp đồ đạc giúp tôi, hoặc cùng tổ chức các buổi bán đấu giá từ thiện”. 

“Hãy giúp đỡ, yêu thương trẻ nhiều hơn nữa không chỉ trong gia đình của mình mà ở ngoài xã hội. Riêng đối với trẻ tàn tật, các em hãy đừng mặc cảm, tự ti mà hãy trải lòng mình với mọi người; can đảm đứng dậy để vượt qua mọi khó khăn vì đó là cách mà các em tự khẳng định mình với mọi người, với xã hội”- là những thông điệp mà họ muốn gởi đến mọi người nói chung và các em khuyết tật nói riêng.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chủ động phòng chống mưa lũ do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới  (15/11/2008)
Loay hoay với chế tài kiểm soát !  (14/11/2008)
Hoàn thành Đại hội CNVC và Hội nghị người lao động trong quý I-2009  (14/11/2008)
Vì sự nghiệp khuyến học  (13/11/2008)
Thêm vốn, thêm việc làm  (13/11/2008)
Cấp hơn 28 ngàn suất ăn miễn phí cho người bệnh nghèo  (13/11/2008)
Tăng cường truyền thông trực tiếp đến từng người dân  (13/11/2008)
Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn xa  (13/11/2008)
Nóng bỏng hiện tượng xâm hại, lạm dụng trẻ em  (12/11/2008)
Tiêu hủy một lượng lớn hàng hóa vi phạm hành chính  (12/11/2008)
Trích kinh phí xử phạt vi phạm an toàn giao thông cho ngân sách xã  (12/11/2008)
Hội thảo “Xây dựng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu ở TP. Quy Nhơn”  (11/11/2008)
Các trường sẽ áp dụng công nghệ thông tin ở từng môn học…  (11/11/2008)
Triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn  (10/11/2008)
Hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân  (10/11/2008)