Chuyện một cựu binh Mỹ trở lại “chiến trường xưa”
9:31', 15/11/ 2008 (GMT+7)

Sau chiến tranh, có nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam quay trở lại “chiến trường xưa”. Tiến sĩ, giáo sư sử học Michael K. Heaney là một trong số đó. Ông từng là lính của Sư đoàn kỵ binh bay số 1 (Mỹ) chiến đấu ở chiến trường Bình Định cách đây hơn 40 năm. Michael đang dự định viết một cuốn hồi ký về những tháng ngày ở Việt Nam.

 

Ông Michael K.Heaney (thứ hai từ trái sang) cùng các CCB Sư đoàn 3 - những người từng ở hai chiến tuyến cách đây 40 năm.

 

“Đã hơn 40 năm kể từ khi tôi có mặt ở đây. Bây giờ tôi già, nhưng sáng suốt hơn”. Michael bắt đầu câu chuyện của mình như vậy, hóm hỉnh một cách đầy ngụ ý, trong một cuộc gặp gỡ cách đây vài ngày với một số cựu chiến binh (CCB) Bình Định. Trong số những CCB Michael gặp hôm ấy có những người nguyên là bộ đội Sư đoàn 3 - sư đoàn bộ binh chủ lực của Quân khu V, đơn vị đã từng đối đầu và chiến thắng Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ trong chiến tranh. Michael đang viết một cuốn hồi ký về thời gian ông tham chiến ở Bình Định, với tư tưởng bao trùm là tinh thần phản chiến. Đó là lý do ông có mặt tại Bình Định trong những ngày này và được Hội CCB tỉnh tạo điều kiện để gặp gỡ những người lính bên kia chiến tuyến năm xưa.

Đầu năm 1966, sau khi được huấn luyện ở Mỹ, thiếu úy Michael K. Heaney được cử sang Việt Nam, làm trung đội trưởng Trung đội 3, Sư đoàn kỵ binh bay số 1. Một ngày giữa tháng 5.1966 tại chiến trường Vĩnh Thạnh, sau khi được trực thăng thả xuống, trung đội của Michael triển khai đội hình, chuẩn bị tấn công thì bị lọt vào ổ phục kích của Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3). Michael bị thương nặng và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. “Đó là khoảng thời gian tồi tệ đối với tôi - Michael nhớ lại - các ông chiến đấu rất kiên cường, giỏi và tôi may mắn sống sót. Trước đó tôi đã ở Việt Nam 5 tháng và không biết sợ là gì, cho đến trận đánh đó. Trận đó đơn vị chúng tôi có 80% số quân thương vong”.

Trước đó, khi nhận được đề nghị từ phía tiến sĩ, giáo sư sử học Mỹ Michael K. Heaney về việc được giúp đỡ để gặp gỡ một số nhân chứng của Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3), đơn vị đã giao chiến với Trung đội 3 (Sư đoàn kỵ binh bay số 1) vào khoảng ngày 16 - 17.5.1966 tại một rặng núi ở phía đông bắc Vĩnh Thạnh, Hội CCB tỉnh đã liên hệ với Ban liên lạc Sư đoàn 3 của tỉnh để tìm kiếm. 

Với cuộc gặp gỡ này, Michael muốn được nghe các CCB Bình Định chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, kỷ niệm, những mẩu chuyện của họ về cuộc chiến, “vì những câu chuyện của quý vị sẽ là một phần cuốn hồi ký của tôi” - ông nói. Và trong câu chuyện giữa những người đã từng là kẻ thù của nhau trong quá khứ, nhiều mảnh, chi tiết của cuộc chiến đã được chia sẻ. Như khi Michael thắc mắc rằng: “Chúng tôi luôn bị bất ngờ về địa điểm và thời điểm các ông tấn công” thì nhận được câu trả lời: “Bí mật và bất ngờ là một trong những bí quyết thắng lợi của chúng tôi. Chúng tôi biết lựa thời điểm các ông mất cảnh giác nhất để đánh”. Hay “Sư đoàn kỵ binh bay số 1 là đơn vị mạnh nhất của Mỹ lúc bấy giờ ở miền Nam. Các ông nghĩ gì về điều đó?” - “Chúng tôi biết nhưng không sợ. Máy bay của các ông chỉ bay trên trời, còn đánh dưới đất thì chúng tôi làm chủ. Đánh với kỵ binh bay thì chúng tôi đánh gần, theo phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh”…

 

Michael K. Heaney gặp gỡ các CCB Bình Định.

 

Phóng viên Báo Bình Định đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Michael:

* Ông nảy ra ý định viết cuốn sách này khi nào, và điều gì đã thôi thúc ông?

- Từ lâu rồi, cách đây chừng 30 năm. Tôi có ý định viết hồi ký về quãng thời gian tôi tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Tôi đã bắt tay vào viết cách đây 5 năm. Mục đích của tôi là phản chiến. Tôi có 3 con trai, tôi không muốn con trai mình và con trai những người khác phải ra trận. Đó là một phần lý do tôi viết cuốn sách này. Tôi cũng muốn kể về vẻ đẹp Việt Nam, thậm chí là vẻ đẹp trong thời chiến, một vẻ đẹp rất khác so với đất nước Mỹ của tôi. Con người Việt Nam thì siêng năng, thân thiện… Tôi muốn một ngày nào đó được trở lại thăm người dân Việt Nam trong cuộc sống bình thường. Tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước đẹp và người Mỹ sẽ thích đến đây, trong tư cách là khách du lịch và doanh nhân. Là một CCB Mỹ, tôi thấy mình có trách nhiệm phải nói lên điều này.

* Ông có bị mắc “hội chứng Việt Nam” như một số cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam mắc phải?

- Tôi từng có 15 năm làm tình nguyện viên cho một tổ chức giúp đỡ các CCB Mỹ mắc “hội chứng Việt Nam”. Một số người bị các vấn đề tâm lý như ác mộng, nghiện rượu, hung hăng, đánh vợ… Tôi cũng từng có lúc hay bị ác mộng, tự cô lập bản thân, không tiếp xúc với ai cả, trừ các CCB.

* Ông có nói với sinh viên mình về cuộc chiến ở Việt Nam không?

- Tôi thường dạy về các cuộc chiến. Tôi kể về những gì mình đã trải qua trong chiến tranh ở Việt Nam, và gây ảnh hưởng trong các sinh viên về tinh thần phản chiến.

* Ông từng viết một bức thư gởi chính phủ Mỹ. Ông nói gì trong lá thư đó?

- Tôi nói lên những cảm giác, suy nghĩ của mình về cuộc chiến ở Việt Nam, rằng đó là một sai lầm. Tôi muốn chính phủ Mỹ thay đổi thái độ đối với chiến tranh. Rằng chính phủ không nên dùng quân sự vào chiến tranh mà trong lĩnh vực khác, như ngoại giao chẳng hạn.

* Những ngày lưu lại ở Bình Định, ông sẽ làm gì?

- Tôi muốn gặp gỡ, trò chuyện với những CCB trực tiếp tham gia trận đánh mà tôi đã bị thương và thăm lại nơi tôi đã bị thương.

* Xin cảm ơn ông!

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bay nửa vòng trái đất để làm từ thiện  (15/11/2008)
Chủ động phòng chống mưa lũ do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới  (15/11/2008)
Loay hoay với chế tài kiểm soát !  (14/11/2008)
Hoàn thành Đại hội CNVC và Hội nghị người lao động trong quý I-2009  (14/11/2008)
Vì sự nghiệp khuyến học  (13/11/2008)
Thêm vốn, thêm việc làm  (13/11/2008)
Cấp hơn 28 ngàn suất ăn miễn phí cho người bệnh nghèo  (13/11/2008)
Tăng cường truyền thông trực tiếp đến từng người dân  (13/11/2008)
Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn xa  (13/11/2008)
Nóng bỏng hiện tượng xâm hại, lạm dụng trẻ em  (12/11/2008)
Tiêu hủy một lượng lớn hàng hóa vi phạm hành chính  (12/11/2008)
Trích kinh phí xử phạt vi phạm an toàn giao thông cho ngân sách xã  (12/11/2008)
Hội thảo “Xây dựng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu ở TP. Quy Nhơn”  (11/11/2008)
Các trường sẽ áp dụng công nghệ thông tin ở từng môn học…  (11/11/2008)
Triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn  (10/11/2008)