Qua 15 tháng thực hiện, dự án “Chăm sóc và giáo dục mầm non (CSGDMN) Bình Định” (ECCE) đã hoàn thành giai đoạn 1 với 70% khối lượng công việc được thực hiện. Tại các xã được triển khai dự án, tỉ lệ trẻ mầm non được huy động đến trường đã cao hơn, hoạt động của các cháu tại trường khởi sắc hơn…
|
Trẻ em 3-5 tuổi người dân tộc thiểu số đã vui đến trường nhờ các hoạt động của dự án chăm sóc và giáo dục mầm non. Ảnh: N.Q
|
* Nâng cao nhận thức về CSGDMN ở cộng đồng
Dự án ECCE đã thực hiện kết hợp nhiều hình thức truyền thông khác nhau với quan điểm mỗi hình thức truyền thông đều có điểm mạnh, điểm yếu và kết hợp sẽ tạo ra sự bổ trợ, tạo tác động và hiệu quả lớn. Dự án đã truyền thông lồng ghép qua các buổi họp của thôn, xã, phường; qua loa, đài phát thanh địa phương; thi sáng tác sản phẩm truyền thông; tổ chức các hội thi có sự tham gia của cha mẹ trẻ mầm non; thi liên hoan văn nghệ các cấp và công diễn văn nghệ cho trẻ mầm non và giáo viên; thi cán bộ truyền thông giỏi khu vực và cấp tỉnh…
Thông qua các hoạt động, các thông tin về CSGDMN được truyền tải đến cha mẹ HS, trong cộng đồng và các bên liên quan một cách tự nhiên, sinh động, hấp dẫn, từ đó, làm thay đổi nhận thức, tình cảm và tăng cường trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp và đặc biệt là cha mẹ trẻ đối với CSGDMN.
Từ những nhận thức đúng đắn, cha mẹ trẻ đã có thái độ, hành vi rất tích cực. Qua khảo sát, 100% trong tổng số cha mẹ trẻ em được hỏi đều trả lời, cần phải đưa trẻ đến lớp, đến trường mầm non. Một bà mẹ trẻ người Bana ở xã Bok Tới (Hoài Ân) cho biết: “Mình cho con đi mẫu giáo để được chơi, được cô giáo dạy hát, múa, lớn lên nó sẽ học giỏi hơn, ngoan hơn”.
* Cơ hội lớn cho trẻ em vùng khó khăn
Tại buổi khánh thành các điểm trường mầm non xã Bok Tới có rất đông các bậc phụ huynh học sinh là người dân tộc Bana đến chứng kiến niềm vui của con em mình. Nhiều người cùng nói: “Từ trước đến giờ, ở mình chưa có lớp học nào đẹp như lớp học này. Tụi mình rất cảm ơn!”. Còn các lãnh đạo xã và cộng đồng ở địa phương thì nhận xét: “Lớp học rất đẹp, chúng tôi cảm ơn dự án và nhà tài trợ”.
Có thể thấy, đây là một dự án được lòng dân nên đã được các địa phương ưu tiên những địa điểm tốt nhất trong xã để xây dựng trường mẫu giáo. Có xã đã huy động tới vài trăm triệu đồng để giải phóng mặt bằng. Xã Ân Hảo (Hoài Ân) còn dành thêm quỹ đất ngoài diện tích đất xây dựng phòng học thuộc dự án để xây dựng thêm các phòng học mẫu giáo khác khi có điều kiện.
Theo đoàn khảo sát đánh giá kết quả thực hiện dự án, chúng tôi thấy nhiều lớp học có không gian thoáng mát. Nhiều điểm trường lẻ đã có tường rào, cổng, bồn cây, sân chơi sạch sẽ, an toàn cho trẻ. Điểm trường lớp mẫu giáo thôn Diêm Vân (Phước Thuận, Tuy Phước) hoàn thiện nhất vì khi công trình xây xong thì khuôn viên lớp học cũng đã hoàn thành. Các cô giáo mầm non ở Tuy Phước cho biết: “Tỉ lệ trẻ từ 3-5 tuổi ở địa phương tới lớp mầm non đã tăng rõ rệt”. Còn một bà mẹ trẻ có con 4 tuổi học mẫu giáo ở điểm trường Diêm Vân thì nói: “Con tôi thích đi học lắm. Đi học được chơi, vui, lớp rộng, mát mẻ. Nhiều hôm, tôi bận không dẫn nó đi học được là nó cứ đi trước một mình, không chịu ở nhà”. Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết thêm: “Nhân đà dự án cho xây dựng lớp mới, chúng tôi đã tu sửa toàn bộ các trường lớp mầm non khác trong xã. Bởi trong cùng một xã không thể để nơi thì trường lớp khang trang, đẹp đẽ, nơi thì quá xuống cấp”. Ông Trần Hữu Tường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước, khẳng định: “Từ khi các điểm trường mầm non thuộc dự án ECCE đi vào hoạt động, tỉ lệ huy động trẻ 3-4 tuổi ra lớp của huyện đã tăng lên 20-28%”.
Dự án ECCE được Cơ quan Hợp tác phát triển Tân Tây Lan (NZAID) tài trợ trên 32 tỉ đồng, cùng với nguồn kinh phí đối ứng của tỉnh là trên 30 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3-5 tuổi và nâng cao chất lượng CSGDMN của 58 xã vùng sâu, vùng xa. Dự án gồm 10 hoạt động chính, tập trung vào 5 mảng: tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cha mẹ HS và cộng đồng đối với CSGDMN; xây dựng trường, lớp học mầm non; cung cấp thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho trẻ; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên mầm non và cung cấp cho trẻ em hoàn thành một năm giáo dục tiền học đường có chất lượng.
* Đến hết tháng 9.2008, dự án đã đưa vào sử dụng 67/69 phòng học ở các điểm trường lẻ (2 phòng học đang trong giai đoạn san ủi mặt bằng), 11 điểm trường chính đang được xây dựng; hoạt động cung cấp trang thiết bị và đồ dùng cho trẻ mầm non đang trong giai đoạn xây dựng hồ sơ mời thầu. | |