HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH ĐỊNH TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XII:
Tích cực và thiết thực
8:12', 19/11/ 2008 (GMT+7)

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII (diễn ra từ ngày 16.10 đến 15.11.2008 tại Thủ đô Hà Nội) là kỳ họp được đánh giá có nhiều đổi mới, nhất là trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định đã có những đóng góp tích cực ở các phiên thảo luận và chất vấn.

 

Đoàn ĐBQH Bình Định tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII.

 

* Cần xem xét lại một số chỉ tiêu KTXH năm 2009

Cụ thể, các ĐB của Đoàn đã tham gia 36 lượt ý kiến về nhiều vấn đề liên quan tại kỳ họp, trong đó có 19 lượt ý kiến góp ý tại các cuộc thảo luận tổ, 9 lượt ý kiến góp ý tại các phiên họp thảo luận ở hội trường, 5 ý kiến chất vấn bằng văn bản và 3 ý kiến chất vấn trực tiếp tại hội trường.

Thảo luận ở tổ về các vấn đề KTXH và ngân sách nhà nước, các ĐB của Đoàn đã đi sâu phân tích những tồn tại của nền kinh tế, đồng thời chỉ ra một trong những nguyên nhân làm cho lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại do công tác dự báo và phân tích kinh tế yếu kém. Vì vậy, nhiều ĐBQH cho rằng cần phải xem xét lại tính khoa học và thực tiễn đối với các chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra cho năm 2009 để sát với thực tế hơn.

ĐB Vũ Hoàng Hà, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, kiến nghị QH và Chính phủ nên xác định chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 theo phương án từ 6 - 6,5% là hợp lý; vì hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta hiện nay vẫn còn thấp, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nên khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7%. Kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp điều hành linh hoạt giá cả thị trường, nhất là đối với một số mặt hàng chịu ảnh hưởng chi phối của thế giới như giá dầu, đô la Mỹ; đề nghị Chính phủ xem xét tăng thuế xuất thô khoáng sản; tiếp tục kiến nghị Chính phủ không nên đưa vấn đề thu tiền sử dụng đất thành chỉ tiêu pháp lệnh, vì điều này rất khó thực hiện, nhất là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người nông dân có đất bị thu hồi.

ĐB Vũ Hoàng Hà cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm phân bổ kinh phí do Trung ương hỗ trợ thực hiện mục tiêu an sinh xã hội kịp thời ngay từ đầu năm cho các địa phương, khắc phục tình trạng bị động về nguồn ngân sách thực hiện như thời gian qua; đồng thời không nên buộc địa phương phải thu vượt ngân sách để chi cho các vấn đề an sinh xã hội. Kiến nghị Chính phủ có cơ chế kiểm tra, theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động của các DN Nhà nước, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế…

ĐB Hồ Quốc Dũng kiến nghị QH và Chính phủ nên xem xét điều chỉnh lại mức chuẩn về hộ nghèo sao cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề bức xúc hiện nay là nhà ở cho người có thu nhập thấp, do đó cần đưa chỉ tiêu về xây dựng nhà ở xã hội thành một trong những chỉ tiêu phát triển KTXH hằng năm. ĐB Nguyễn Đăng Vang kiến nghị Chính phủ cần thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, nhất là về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu. ĐB Trần Văn Bản kiến nghị Chính phủ cần giải trình rõ về các đối tượng và nguồn lực tài chính để thực hiện vấn đề bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2009 như Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định. ĐB Nguyễn Viết Lểnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí kiên cố hóa trường lớp, chỉ đạo Bộ GD-ĐT củng cố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học...

Nhìn chung, các ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh đều được UBTV Quốc hội tiếp thu, đánh giá cao và thể hiện vào nội dung các Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

 

ĐB Hồ Quốc Dũng chất vấn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

 

* Góp ý các dự án Luật

Hầu hết các dự án Luật được Quốc hội xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến tại kỳ họp đều được Đoàn phân công các đại biểu tùy theo nhiệm vụ chuyên môn để nghiên cứu sâu và tham gia góp ý tại các cuộc thảo luận ở tổ và hội trường.

Đối với Dự án Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đại biểu Nguyễn Thanh Thụy góp ý xung quanh các vấn đề về đối tượng đóng BHYT, thẻ BHYT, mức đóng và trách nhiệm, phương thức đóng BHYT, Quỹ BHYT; đề nghị bổ sung thêm đối tượng được miễn đóng BHYT, gồm người tàn tật nặng (phần lớn rơi vào các gia đình nghèo) và cán bộ chuyên trách cấp xã (cấp phó ở cơ sở, không thuộc đối tượng hưởng lương cán bộ công chức).

Về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đa số ý kiến của ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng việc sửa đổi dự án luật nêu trên là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Việc tăng thuế suất là cần thiết, nhằm điều tiết thu nhập, hướng dẫn tiêu dùng, song vẫn phải bảo đảm yêu cầu không gây biến động lớn cho thị trường, tránh những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH Bình Định kiến nghị cần xem xét lại một số thuế suất như: tăng mức thuế suất đối với các mặt hàng thuốc lá, du thuyền, máy bay, dịch vụ massage, vũ trường, kinh doanh cá cược; giảm mức thuế suất đối với mặt hàng bia hơi để phù hợp với mức thu nhập thấp của người lao động; các DN sản xuất bia hơi chủ yếu là DN nhỏ và vừa, tăng thuế sẽ làm việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn hơn, nhiều DN trong số này có nguy cơ phá sản.  

Về Dự án Luật Cán bộ, công chức (CBCC), theo ĐB Phạm Thị Thanh Hương, cần xem xét lại chế độ tiền lương cho CBCC, vì chính sách tiền lương chưa thực sự công bằng, viên chức sự nghiệp ngoài tiền lương từ ngân sách nhà nước còn được hưởng các nguồn thu từ sự nghiệp khác trong khi CBCC chỉ được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đây là lý do của nhiều sinh viên khi ra trường không muốn vào làm việc ở các cơ quan hành chính Nhà nước. ĐB Phạm Thị Thanh Hương kiến nghị: cùng với các biện pháp cải cách hành chính để làm tinh gọn bộ máy, Nhà nước phải đảm bảo lương cho CBCC tương xứng với năng lực trình độ và sự đóng góp của họ. Có như vậy mới bảo đảm điều kiện để xây dựng một đội ngũ CBCC trong sạch, vững mạnh.

Về Dự án Luật Lý lịch tư pháp (LLTP), ĐB Hồ Quốc Dũng góp ý về việc tổ chức hệ thống cơ quan tập hợp và cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin để ghi nhận vào LLTP. Cần xem xét lại tính khả thi của cơ sở dữ liệu LLTP và mô hình tổ chức quản lý LLTP sao cho tinh gọn, hiệu quả và tiết kiệm được ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, tại các phiên thảo luận tổ, các ĐBQH của Đoàn đã tích cực góp ý kiến về các dự án Luật khác như: Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCNVN ở nước ngoài, Luật Bồi thường nhà nước, Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quản lý nợ công.

Về giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007, ĐB Nguyễn Viết Lểnh chỉ ra những vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật và những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện, kiến nghị những giải pháp để thực hiện nghiêm và có hiệu quả hơn chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước, tập trung vào một số lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, nông nghiệp và nông thôn, đô thị, giáo dục - đào tạo và y tế.

Về việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, ĐB Hồ Quốc Dũng và một số đại biểu khác cho rằng đây là vấn đề mới, cần thận trọng và phải tổ chức hợp lý chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở.

 

* Và các hoạt động chất vấn

Tại kỳ họp này, Đoàn đã gửi 5 ý kiến chất vấn bằng văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ về những vấn đề mà cử tri cả nước và ở địa phương bức xúc như: Tình trạng gây ô nhiễm môi trường ở một số DN; vấn đề tiêu thụ nông sản của nông dân; giải pháp bảo đảm thu ngân sách theo kế hoạch; trách nhiệm đối với vấn đề lạm phát; những hạn chế trong giáo dục-đào tạo, y tế…

Nhìn chung, các ý kiến chất vấn của Đoàn đều được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng nghiêm túc trả lời ngay trong kỳ họp. Riêng 3 ý kiến chất vấn trực tiếp của Đoàn tại hội trường đối với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp điều hành chính sách xuất khẩu; chất lượng đào tạo của các trường đại học trong thời gian qua; chính sách đầu tư về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để góp phần giảm nhập khẩu, hạn chế nhập siêu… được Quốc hội đánh giá cao.

  • Sỹ Nguyên (Tổng hợp)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giúp dân khắc phục hậu quả triều cường   (19/11/2008)
Sạt lở núi Bà Hoả, hàng chục người thoát chết  (18/11/2008)
Trẻ đến trường đã… “vui vui ghê !”  (18/11/2008)
Toàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, gió giật cấp 6  (18/11/2008)
Prudential khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho người nghèo  (17/11/2008)
166 học sinh lớp 12 đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh  (17/11/2008)
Lập phương án thu gom, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng  (17/11/2008)
Đại đoàn kết dân tộc vì sự nghiệp chung  (17/11/2008)
Chuyện một cựu binh Mỹ trở lại “chiến trường xưa”  (15/11/2008)
Bay nửa vòng trái đất để làm từ thiện  (15/11/2008)
Chủ động phòng chống mưa lũ do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới  (15/11/2008)
Loay hoay với chế tài kiểm soát !  (14/11/2008)
Hoàn thành Đại hội CNVC và Hội nghị người lao động trong quý I-2009  (14/11/2008)
Vì sự nghiệp khuyến học  (13/11/2008)
Thêm vốn, thêm việc làm  (13/11/2008)