Họ là những nhà giáo đã và đang dạy học bằng sự đam mê và lòng yêu nghề; dạy học bằng sự tự học và sáng tạo.
|
Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT tặng hoa cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc trong dạy và học của ngành nhân ngày 20.11. Ảnh: N.Q
|
* CÔ GIÁO HỨA THANH VÂN, DẠY LÝ, TRƯỜNG THPT LÊ QUÝ ĐÔN: Thổi “ngọn lửa” đam mê cho học trò
99 học sinh (HS) có giải HS giỏi từ cấp tỉnh trở lên, trong đó, có 17 HS đạt giải HS giỏi cấp quốc gia, 3 HS được gọi thi chọn đội tuyển HS giỏi quốc tế; 20 HS “giật” được huy chương Olympic 30.4 với 3 lần đội tuyển Olympic môn Lý của trường chuyên Lê Quý Đôn đạt giải nhất toàn miền Nam… Thành tích “luyện” HS giỏi của cô Hứa Thanh Vân từ khi được chuyển về giảng dạy tại trường chuyên (năm 2000) thật đáng nể. Với thành tích này, cô đã 4 lần được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen. Thế nhưng, đó chỉ là sự ghi nhận của ngành đối với cá nhân, còn phần thưởng lớn nhất đối với cô vẫn là tình cảm của học trò…
Tốt nghiệp đại học sư phạm ngành Lý đã 22 năm, trải qua nhiều môi trường giảng dạy với nhiều đối tượng HS khác nhau (HS nông thôn, HS hệ bán công, hệ chuyên), cô Vân cho rằng mỗi môi trường có sự vất vả riêng nhưng đều đem lại cho cô những kinh nghiệm quý trong giảng dạy. Với cô, để cho HS “sợ” thì rất dễ nhưng dạy cho HS quý, HS tin thì khó vô cùng. Bởi vậy, ở trường cô không chỉ dạy chữ mà còn luôn cố gắng hiểu và gần gũi HS của mình. Lắng nghe các em tâm sự về những khó khăn, thuận lợi trong học tập và cuộc sống.
Đối với đối tượng HS giỏi, buộc giáo viên (GV) phải luôn luôn nạp kiến thức, luôn luôn làm mới mình trong từng giờ giảng để đáp ứng được nhu cầu mở rộng kiến thức của HS. Để làm được điều đó, trước mỗi một tiết dạy là những khoảng thời gian và công sức chuẩn bị… “không tính được”.
Hỏi về bí quyết đào tạo HS giỏi, cô Vân cho rằng: Nhiệm vụ của GV trường chuyên là phát hiện năng khiếu và nuôi dưỡng năng khiếu của HS. Để làm được nhiệm vụ đó, GV phải biết đam mê với công việc để thổi ngọn lửa đam mê đó vào HS, giúp các em mơ những ước mơ của mình và bằng mọi cách biến ước mơ thành hiện thực.
* THẦY GIÁO NGUYỄN CHÍNH HỮU, DẠY SINH, TRƯỜNG THPT QUY NHƠN: Tôi sẽ không đánh đổi nghề giáo
Ra trường trong thời buổi nhu cầu về GV đã bão hòa, thầy Hữu (27 tuổi) đã phải tìm việc làm ở nhiều nơi, nhưng đều không được. Trường THPT Quy Nhơn thành lập và có nhu cầu tuyển GV. Vậy là thầy “đầu quân” vào đây. “Tôi yêu nghề giáo và ở đâu giúp tôi thực hiện được ước mơ của mình, tôi sẽ cố gắng hết mình để làm việc”- thầy Hữu tâm sự.
GV trẻ mới ra trường lại gặp ngay đối tượng HS “dưới đáy” của thành phố, ban đầu thầy Hữu đã có những khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng rồi với lòng yêu nghề, quyết tâm phấn đấu vì công việc, thầy đã nhanh chóng vượt qua. Đối với thầy, HS trường tư thục đa phần không chỉ là những HS học yếu, chưa ngoan mà ở các em còn lấp ló một kho tàng sáng tạo. Và đặc biệt, có nhiều em luôn thiếu thốn về mặt tình cảm mà vì một lý do nào đó, gia đình chưa hiểu và chưa đáp ứng được. Để gần gũi HS, thầy Hữu không chỉ coi các em là học trò mà còn là một người bạn, lắng nghe và học hỏi từ HS. Coi chuyện dạy học là quá trình 2 chiều, bởi kiến thức là vô tận. Có những lúc, HS hỏi một câu hỏi mà các em tìm được trên mạng, thầy đã phải thức trắng đêm để tìm lời giải cho nó.
Trường THPT Quy Nhơn là trường đầu tiên đưa công nghệ e- learning vào giảng dạy. Thầy Hữu cũng là một trong những GV tiên phong trong lĩnh vực này. Với những lợi thế của công nghệ thông tin, kiến thức bài học đã được mở rộng ra rất nhiều trong phạm vi một tiết học, HS ghi nhớ kiến thức lâu hơn, sâu hơn nhờ được học một cách tích cực, sáng tạo. “Để ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, ban đầu còn khá vất vả, nhưng khi đã có “đường” rồi thì sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều”- thầy Hữu nói.
Quê ở tận Quảng Bình, lại “một thân, một mình” nên thầy Hữu đang dốc hết sức mình cho công việc. Suốt ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và cả ban đêm, thầy ở lại trường vùi đầu với chiếc máy tính và những bài giảng. “Một bài giảng không phải là một trang sách mà là một hệ thống. GV phải giúp cho học trò xâu chuỗi kiến thức thành hệ thống, bài trước kết nối với bài học sau bằng những hình ảnh, đoạn phim, âm thanh, màu sắc thì các em mới nhớ lâu được”- thầy Hữu cho biết.
Với đồng lương ít ỏi của một GV mới ra trường, mà tiền thuê nhà đã chiếm khoảng 1/3, nhưng thầy Hữu vẫn yêu đời, yêu công việc. Thầy cho rằng, làm nghề giáo rất vất vả nhưng thầy sẽ không bao giờ đánh đổi vì ở nghề này, có những cái mà nghề khác không bao giờ có được.
* THẦY GIÁO TRẦN HÀ NAM, DẠY VĂN, TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN: Dạy Văn chứ không phải môn Văn
Thầy Nam vừa bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ với đề tài “Đào Tấn với vở tuồng Trầm Hương Các”. “Đã làm nghề GV, phải luôn luôn “học, học nữa, học mãi” để cho mỗi giờ giảng luôn “tươi trẻ””- thầy tâm sự. Tham gia bồi dưỡng HS giỏi, thầy Nam đã có 1 HS đạt giải nhì, 2 HS đạt giải 3 và 1 giải khuyến khích HS giỏi cấp quốc gia môn Văn. Còn giải cấp tỉnh thì… không đếm được. Từ trước đến nay, HS ở tỉnh đạt giải cao cấp quốc gia các môn tự nhiên thì nhiều, nhưng môn Văn, với những đặc thù riêng, số lượng giải cao còn khá hiếm. Có HS đạt giải nhì môn Văn cấp quốc gia đã là thành tích cao nhất từ trước đến nay. Thầy Nam tâm sự: “Ngoài năng khiếu, có cảm xúc và đam mê, HS muốn học tốt môn Văn cần phải chăm chỉ; dù thầy giáo có dạy hay đến mấy mà HS không biết biến cái của thầy thành cái của mình thì cũng không có tác dụng…”.
Hiện nay, nhiều HS không thích học Văn. Bởi vậy, điều đầu tiên lên lớp thầy Nam thường làm là cung cấp cho HS cái nhìn đúng đắn về môn học. Giúp các em học “Văn” chứ không phải “môn Văn”.
14 năm trong nghề, từ tiết giảng đầu tiên cho đến tiết giảng “không còn đếm được” hiện nay, thầy Nam cho rằng, mình đã luôn đem hết nhiệt tình và lòng yêu nghề để dạy cho HS. Muốn dạy tốt, GV phải “đọc liên tục, liên tưởng rộng và phải có kiến thức nền tảng vững chắc, nếu không chỉ quanh quẩn với SGK...”- thầy Nam tâm sự.
|