Sau 5 năm triển khai thực hiện (2004-2008), dự án “Tăng cường chất lượng và sử dụng các dịch vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em (BMTE) tỉnh Bình Định” - do Chính phủ New Zealand tài trợ và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) hỗ trợ kỹ thuật - đã làm biến chuyển chất lượng hệ thống chăm sóc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của BMTE theo hướng bền vững.
|
Các hoạt động truyền thông đã nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng. Ảnh: T.H
|
* Nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng
Với kinh phí 3 triệu USD, Chính phủ New Zealand xem đây là dự án điểm lớn nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm tạo ra một sự khác biệt đầu tư ra nước ngoài.
12 tiểu ban thực hiện dự án là đại diện của các sở, ban, ngành trong tỉnh được ra đời. Với mục tiêu truyền thông nhằm thay đổi hành vi, cải thiện chất lượng sử dụng các dịch vụ sức khỏe BMTE, các tiểu ban chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động tại cộng đồng. Các hoạt động này diễn ra với tần suất cao, tạo chuyển biến cho chương trình dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho BMTE, công nhân, vị thành niên, phòng chống tai nạn thương tích, bạo hành gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS… của các địa phương và tác động trên quy mô toàn tỉnh.
Sau thời gian đầu tư cho toàn tỉnh, đến năm 2007, tất cả các hoạt động truyền thông của dự án đều ưu tiên tập trung vào nhóm phụ nữ, trẻ em, vị thành niên cư trú tại các địa bàn miền núi, hải đảo.
Hoạt động truyền thông được xây dựng trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ nhưng có sự phối hợp nhịp nhàng và hỗ trợ lẫn nhau giữa 12 tiểu ban thực hiện dự án. Lần đầu tiên tất cả các hoạt động và nội dung tuyên truyền được chuyển thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số.
100% lãnh đạo các cấp, ngành đều được tập huấn nâng cao kiến thức, tạo sự đồng thuận trong việc chăm sóc sức khỏe BMTE. Ngoài ra, chính các hoạt động truyền thông đã tạo sự cộng hưởng từ chính quyền và cộng đồng, góp phần đáng kể vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho ngành y tế nâng cao năng lực cải thiện các chỉ số về chăm sóc sức khỏe BMTE. Điều này được thể hiện rõ qua kết quả đánh giá cuối kỳ do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD) thực hiện.
* Tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế
Thực tế qua 5 năm hoạt động cho thấy, dự án đã góp phần làm nên sự thay đổi theo chiều hướng tích cực trong hệ thống y tế.
Bà Christine Briasco, thành viên tổ chức UNFPA: 2 thành công lớn nhất mà dự án đã mang lại, đó là: Sở Y tế và các ban ngành, đoàn thể đã chuyển giao các dịch vụ đến đối tượng được hưởng lợi trong khi người dân được cung cấp thêm nhiều kiến thức và có niềm tin vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe BMTE.
Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc RTCCD: Dự án đã góp phần tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe BMTE, đặc biệt đối với tuyến cơ sở, đồng thời tạo ra phương pháp làm việc khoa học, hệ thống. |
Thông qua các hoạt động đào tạo, năng lực của ngành y tế trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe BMTE, nhất là vùng sâu vùng xa được nâng lên đáng kể. Với mức kinh phí lớn, tập trung nên việc hoàn thiện trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế (NVYT) theo hướng chuẩn quốc gia và “sản khoa hóa” được giải quyết một cách đồng bộ.
Ở các huyện miền núi, ngoài những trang thiết bị cơ bản cấp cho toàn tỉnh, dự án đã có sự điều chỉnh, ưu tiên đầu tư trang thiết bị y tế theo nhu cầu của từng địa phương. NVYT được học theo chương trình riêng. Đặc biệt, 100% bà đỡ được đào tạo kỹ năng đỡ đẻ, trở thành lực lượng đắc lực của mạng lưới y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu khách quan về địa hình cũng như tập quán chăm sóc sức khỏe sinh sản của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, cho rằng: “Dự án đã giúp nâng cao chuyên môn cho đội ngũ nhân viên với kết quả 100% bà mẹ an toàn trong sinh đẻ”.
Dự án cũng đã triển khai thành công hệ thống quản lý thông tin y tế tại các bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý điều hành và giám sát thực hiện các quy trình chuyên môn, giải quyết phần nào tình trạng quá tải bệnh nhân. Các mô hình góc thân thiện, trung tâm tư vấn, cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn thương tích cũng được đánh giá cao.
Với dự án này, năng lực theo dõi, giám sát ở các tuyến đã được tăng cường. Qua đó, lãnh đạo ngành có sự điều chỉnh kỹ thuật phù hợp.
* Hướng đến sự bền vững
Ông Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế, thành viên Ban quản lý dự án VIE/03/P20 cho rằng, thách thức lớn của dự án chính là sự bền vững của các hoạt động. Các tuyên truyền viên chưa đào tạo lại và thiếu cán bộ có kỹ năng truyền thông tốt. Kinh phí đầu tư cho các mô hình chưa tương xứng. Tình trạng thiếu bác sĩ sản phụ khoa ở các bệnh viện và nữ hộ sinh ở trạm y tế cũng là trở ngại lớn cho hoạt động chăm sóc sức khỏe BMTE.
Một số chỉ tiêu đánh giá đầu vào và kết quả đầu ra các hoạt động trong khuôn khổ dự án:
Hoạt động |
Năm 2003 |
Năm 2008 |
Kiến thức, kỹ năng của NVYT đạt chuẩn quốc gia trong tư vấn bà mẹ mang thai |
15,8% |
98,6% |
Kiến thức, kỹ năng của NVYT đạt chuẩn quốc gia trong khám sản khoa |
40,7% |
69,5% |
Kiến thức, kỹ năng của NVYT đạt chuẩn quốc gia trong chăm sóc trẻ trong 24 giờ sau sinh |
3,4% |
40,7% |
Kiến thức, kỹ năng của NVYT đạt chuẩn quốc gia trong chăm sóc bà mẹ trong 24 giờ sau sinh |
68% |
80% |
NVYT có kiến thức tư vấn cho bà mẹ trong một tuần sau khi sinh về tiêm chủng |
17% |
47% |
NVYT có kiến thức tư vấn cho bà mẹ trong một tuần sau khi sinh theo dõi sức khỏe của trẻ |
66% |
80% |
NVYT có kiến thức tư vấn cho bà mẹ trong một tuần sau khi sinh nuôi con bằng sữa mẹ |
66% |
80% |
|