Để đảm bảo cho nhân dân trong tỉnh đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu (2009) vui tươi, an toàn, tiết kiệm, ngày 18.11 UBND tỉnh Bình Định ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND chỉ đạo về việc thực hiện vấn đề này.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp, đơn vị chỉ đạo tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu (2009) vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm; thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để bảo đảm cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân được thuận lợi và an toàn trước, trong và sau Tết. Tổ chức thực hiện việc phân công trực Tết để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, nhất là các cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm trực tiếp giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, không được để công việc trì trệ, ùn tắc. Tuyệt đối không dùng công quỹ tổ chức liên hoan, thưởng ngoài quy định; không sử dụng xe công trong việc riêng; không tổ chức thăm Tết các nhà các đồng chí lãnh đạo.
Đối với các đơn vị chức năng, cần tiến hành triển khai việc kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp cuối năm 2008 và Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg ngày 8.9.2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, nhất là pháo các loại, đồ chơi trẻ em gây nguy hiểm, sản phẩm văn hoá đồi truỵ, rượu, thuốc lá lậu…, các hành vi gian lận thương mại, nhất là trong kinh doanh xăng, dầu, phân bón, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng vật nuôi…, các hành vi đầu cơ nâng giá, kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với mọi tổ chức cá nhân vi phạm các quy định về vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bệnh theo đúng quy định hiện hành.
Có kế hoạch chuẩn bị đủ lượng hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, bánh mức kẹo, bia, rượu, sữa, quần áo, văn hoá phẩm,… tổ chức tốt các hình thức bán hàng khuyến mãi, giảm giá,… để phục vụ nhu cầu của nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm với giá cả tương đối ổn định trên cơ sở bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, không gây đột biến giá cả vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Quan tâm và làm tốt việc cung ứng hàng hoá cho nhân dân các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đôn đốc các doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; đôn đốc giữ vững tốc độ phát triển công nghiệp hiện có và triển khai các dự án mới ngay từ đầu năm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao; không để tình trạng đầu cơ nâng giá bất hợp lý, không thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; nắm chắc diễn biến giá cả thị trường kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo nhằm bình ổn giá, không để xảy ra đột biến giá trước, trong và sau Tết; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định những vi phạm về Pháp lệnh giá.
Chỉ đạo triển khai vụ sản xuất Đông - Xuân 2008 - 2009 đúng thời vụ, chuẩn bị đủ giống lúa và giống các loại cây trồng cạn, thực hiện chính sách hỗ trợ giống lúa cho nông dân. Tiếp tục chỉ đạo khôi phục và phát triển chăn nuôi đi đôi với triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chỉ đạo việc giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở các điểm có đủ điều kiện về vệ sinh môi trường để đưa sản phẩm gia súc, gia cầm sạch bệnh đã được giết mổ, đóng gói và được kiểm dịch thú y phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương trong dịp Tết. Chỉ đạo và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người và kiểm tra kinh doanh dược phẩm.
Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có kế hoạch tổ chức đón khách du lịch trong dịp cuối năm và dịp Tết, tổ chức khai thác sử dụng có hiệu quả các tuyến, điểm du lịch bằng nhiều loại hình phong phú, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của các tầng lớp nhân dân và khách du lịch.
Xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức các chương trình, hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí, thi đấu thể dục, thể thao… tăng cường phục vụ biểu diễn ở cơ sở, nhất là các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hoá cơ sở. Bố trí chương trình chào mừng xuân mới vui tươi, lành mạnh, kịp thời đưa tin, bài tuyên truyền về truyền thống văn hoá dân tộc, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao, nêu những gương tốt về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong dịp Tết, phê phán những hủ tục, lễ nghi không lành mạnh, tham gia giám sát việc sử dụng tài sản, tiền của nhà nước, góp phần đấu tranh chống những hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt quan tâm và có biện pháp cụ thể hỗ trợ đồng bào tại các vùng khó khăn, các đối tượng chính sách xã hội, xem xét trợ cấp kịp thời theo quy định đối với các hộ thiếu đói, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu đói trong dịp Tết. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình có công, cán bộ lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị lực lượng vũ trang trực Tết, tổ chức việc tu sửa và thăm viếng Nghĩa trang Liệt sỹ. Tổ chức vận động và giúp đỡ các gia đình nghèo, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, bà con ở xa về ăn tết…
Triển khai ngay việc tu sửa cầu, đường, đặc biệt là các tuyến đường bị mưa lũ gây sạt lở, hư hỏng; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có kế hoạch chuẩn bị tốt lực lượng phương tiện vận chuyển và quy định giá cước phù hợp để phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng hành khách chờ đợi, ùn tắc tại nhà ga, bến tàu, bến xe. Kiểm tra và ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi đầu cơ vé xe, vé tàu. Có kế hoạch đảm bảo đáp ứng nhu cầu về điện an toàn cho sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt của nhân dân trong dịp Tết, bố trí lực lượng trực ban trong dịp Tết để xử lý kịp thời sự cố bất thường về điện có thể xảy ra.
Tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29.6.2007 của Chính phủ. Mở các đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tăng cường lực lượng, phương tiện, trang bị và thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường, nhất là những nơi thường xảy ra tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm cho người dân đón Tết Nguyên đán vui vẻ, an toàn. Có phương án cụ thể để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết, nhất là phòng, chống cháy nổ, ngăn chặn tệ đua xe trái phép. Tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ổ nhóm lưu manh côn đồ, gây rối trật tự công cộng, xử lý các tụ điểm tệ nạn xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các địa bàn trọng điểm và các điểm vui chơi giải trí đông người; chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn, làm thất bại các âm mưu của các thế lực phản động, lợi dụng Tết để kích động, gây rối, phá hoại. Triển khai đồng bộ các biện pháp chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm Chỉ thị số 406 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 05 của Chính phủ về việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt các loại pháo.
. Theo Cổng giao tiếp điện tử UBND tỉnh
|