TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH:
Các cơ quan chức năng nói gì ?
13:28', 22/11/ 2008 (GMT+7)

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ); đồng thời hưởng ứng chiến dịch truyền thông phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực (25.11.2008), PV Báo Bình Định đã ghi lại ý kiến của đại diện một số ngành liên quan về vấn đề này…

BÀ NGUYỄN THỊ ĐÀNG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI LHPN TỈNH:

Chị em phụ nữ cần biết tự bảo vệ mình

Tình trạng BLGĐ ở tỉnh ta ngày càng có xu hướng tăng và tinh vi hơn, nạn nhân chủ yếu là nữ. Họ không chỉ bị hành về thể xác, mà còn về tinh thần, tình dục gây hậu quả hết sức nặng nề nhưng lại khó nhận biết hơn vì không ít chị em không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Có rất nhiều lý do để giải thích sự tồn tại và mức độ của BLGĐ như: trình độ văn hóa thấp, kém hiểu biết về pháp luật hay tư tưởng trọng nam khinh nữ còn quá nặng nề...

Cho đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức được 58 câu lạc bộ Phòng chống BLGĐ ở 11 huyện, thành phố. Các câu lạc bộ này mỗi quý sinh hoạt một lần, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức về bình đẳng giới, Luật Phòng chống BLGĐ cho chị em. Qua các hoạt động của câu lạc bộ, nhiều chị em đã biết tự bảo vệ mình hoặc nhờ các cơ quan đoàn thể can thiệp khi bị BLGĐ. Tuy nhiên, tâm lý e ngại, né tránh sự thật của gia đình mình vẫn còn khá phổ biến. Ngoài ra, chính sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cấp, hội đoàn thể cũng là một rào cản…

Để chống lại BLGĐ, người phụ nữ phải biết cách bảo vệ mình. Hiểu biết luật pháp, biết được quyền của mình, tự tin về giá trị bản thân, song cũng đừng nên quá “cứng nhắc” trong cách cư xử với chồng mà nên mềm mỏng, khéo léo và tế nhị để thuyết phục, động viên chồng điều chỉnh thái độ, cách cư xử cho phù hợp.

BÀ HỒ TUẤN ANH, PHÓ CHÁNH TÒA DÂN SỰ TAND TỈNH:

Cơ quan hòa giải và chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh hơn

Qua thực tế xét xử các vụ án hôn nhân, gia đình, chúng tôi thấy có đến 80% các trường hợp đưa đơn ra tòa đều có dính dáng ít nhiều đến BLGĐ. Chủ yếu phụ nữ bị đánh đập, ngược đãi vì nhiều lý do như chồng uống rượu say xỉn, hay chồng ngoại tình… Tuy nhiên, rất hiếm có những hồ sơ vụ việc khi chuyển lên TAND tỉnh lại có biên bản hòa giải của các hội, đoàn thể, cơ quan tư pháp ở cấp chính quyền địa phương. Trong quá trình thẩm vấn, một số chị tâm sự rằng chưa bao giờ được các cấp chính quyền cơ sở can thiệp hoặc bản thân mình biết tự nhờ đến họ.

Theo tôi, vai trò của chính quyền địa phương, ban hòa giải và cán bộ phụ nữ cấp xã trong việc can thiệp, phòng chống BLGĐ còn chưa thật hiệu quả. Cũng dễ thấy được nguyên nhân của vấn đề này. Lực lượng cán bộ ở cấp cơ sở mỏng, phụ cấp lại thấp nên họ khó lòng toàn tâm toàn ý với công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Ngoài ra, ở họ còn có tâm lý e ngại vì là chỗ thân quen, hàng xóm láng giềng nên khó lòng xử lý nghiêm khắc.

Việc đã “đáo tụng đình” thì sự đã rồi. Bởi vậy, để phòng chống BLGĐ có hiệu quả phải bắt đầu ở cấp cơ sở, nơi hoàn toàn có thể ngăn chặn tình trạng này xảy ra. Muốn vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân, giúp họ tự giác nhận thức được vấn đề vi phạm Luật Phòng chống BLGĐ, không chỉ ở ngay trong nhà của mình mà còn ở ngoài xã hội. Thấy nhà hàng xóm vi phạm, họ sẽ lên án, hoặc tự báo cho chính quyền địa phương, cán bộ đoàn thể đến hòa giải, can thiệp kịp thời. Có thế thì phòng chống BLGĐ mới thực sự hiệu quả.

ÔNG PHAN THANH DŨNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LĐ-TB&XH:

Trẻ em cũng là một đối tượng của BLGĐ

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa thông tin trẻ em bị người thân, thậm chí là cha mẹ ruột đánh đập dã man. Đây là một tội ác đáng bị lên án và trừng phạt thích đáng. Tại Bình Định, cho đến nay chưa có vụ việc nào nổi cộm xảy ra nhưng vẫn còn tình trạng trẻ dưới 16 tuổi đã phải làm việc kiếm tiền; một số em phải làm việc trong môi trường lao động vất vả, nặng nhọc. Phần đông các em này có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình ly tán hoặc do học tập yếu kém mà bỏ học. 

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai kế hoạch thi hành Luật Phòng chống BLGĐ nhằm hỗ trợ, hướng dẫn giúp đỡ các nạn nhân bị BLGĐ tại các địa phương, hoặc đưa vào nuôi dưỡng tại các cơ sở xã hội nếu cần thiết. Đồng thời chú trọng phối hợp với các ngành, đoàn thể lồng ghép các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm bảo vệ chăm sóc trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chúng tôi đã chỉ đạo cho các phòng Lao động- TB&XH các huyện, thành phố triển khai hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát đối tượng, kịp thời ngăn chặn và lên án nạn BLGĐ, chú trọng các biện pháp hòa giải, ngăn chặn nạn BLGĐ ở khu dân cư. Ngoài ra, còn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em; triển khai có hiệu quả đề án “Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm”; đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học và trẻ em nhiễm HIV/AIDS”...

  • Thu Hà (ghi)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôn vinh 52 tấm gương nhân ái  (22/11/2008)
Nhiều địa phương trong tỉnh còn bị ngập lụt  (22/11/2008)
UBND tỉnh chỉ đạo triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu  (21/11/2008)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị thanh Bình làm việc với Đoàn công tác của Cộng hoà Séc và Văn phòng Ban Chỉ đạo 33  (21/11/2008)
Khuyến khích “xóa mù bơi lội” cho học sinh  (21/11/2008)
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trợ chúc mừng các nhà giáo nhân ngày 20.11  (21/11/2008)
Dũng cảm cứu người bị nước lũ cuốn trôi  (21/11/2008)
Mưa lũ làm 2 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại 42 tỉ đồng  (21/11/2008)
Trao huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho đồng chí Nguyễn Xuân Dương  (21/11/2008)
Các sinh viên, giảng viên người nước ngoài nghĩ gì về ngày 20.11  (20/11/2008)
Góp phần nâng cao chất lượng sống của bà mẹ và trẻ em  (20/11/2008)
Chưa có bao giờ... ngập như năm nay!  (20/11/2008)
Sức trẻ ở một ngôi trường mới  (20/11/2008)
4 học sinh được nhận học bổng “Nữ sinh tài năng”  (20/11/2008)
Giúp 62 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được mổ tim  (20/11/2008)