KỶ NIỆM 62 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM (23.11.1946 - 23.11.2008)
Rách lành đùm bọc
13:38', 22/11/ 2008 (GMT+7)

Trong các mảng công tác mà Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Bình Định triển khai, công tác xã hội, cứu trợ nhân đạo là mảng có nhiều hoạt động nhất và mang lại hiệu quả cao nhất.

 

Phong trào “Hũ gạo tình thương” ở làng M2, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh) được nhiều người dân ủng hộ. Ảnh: T.X.C

 

* Hiệu triệu những tấm lòng nhân ái

Trung tuần tháng 11 vừa qua, tại Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước đã khai trương bếp ăn tình thương, hoạt động vào sáng thứ Bảy hàng tuần, do Câu lạc bộ (CLB) Người tình nguyện Tuy Phước tổ chức. Mỗi sáng thứ Bảy, bếp ăn cung cấp 80 suất cháo miễn phí cho bệnh nhân là những người có hoàn cảnh khó khăn. Chị Quang Cẩm Thu - Phó chủ nhiệm CLB cho biết: “Chúng tôi có 10 người trực tiếp tham gia tổ chức bếp ăn tình thương. Thời gian đầu, CLB tự bỏ tiền ra để làm, chúng tôi dự định sẽ huy động thêm nhiều nhà tài trợ để duy trì bếp ăn thường xuyên”.

Còn bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện Phù Cát (thành lập từ năm 2004) cũng vừa nhận được sự hỗ trợ từ chị Trần Thị Lệ, anh Nguyễn Đình Sơn, anh Trần Thanh Hải, vợ chồng anh Dũng - chị Mai, đa số đều là người Phù Cát hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng. Như vậy, tính đến nay, cả tỉnh có 5 bếp ăn tình thương tại các trung tâm y tế huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước.

Những bếp ăn tình thương, tổ chức CLB người tình nguyện như trên là những ví dụ cụ thể của phong trào mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, kêu gọi giúp đỡ tại chỗ do Hội CTĐ tỉnh phát động mang lại. Ngoài ra, còn có các mô hình như: hũ gạo tình thương, mười người giúp một người… được tổ chức tại các cơ sở. Cũng trong năm nay, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Hội CTĐ tỉnh đã giúp cho những người khó khăn, hoạn nạn trong tỉnh 258 tấn gạo và 3.000 thùng hàng gia đình.

Song song với sự giúp đỡ mang tính tức thời, giải quyết tình huống nói trên thì nhiều hoạt động giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam của Hội CTĐ tỉnh hướng vào tính thiết thực, bền vững. Thông qua các nguồn hỗ trợ từ Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Công ty RASS (Mỹ), Công ty Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh), các nhà hảo tâm…, năm 2008 này đã có 200 gia đình nghèo, gia đình khó khăn nằm trong vùng thường xuyên bị thiên tai được Hội giúp đỡ xây dựng nhà.

Để hỗ trợ người khuyết tật nghèo, một dự án đầu tư 110 con bò cũng đã được triển khai ở huyện Phù Cát từ năm 2006, để đến nay đàn bò phát triển lên thành 178 con. Tương tự, từ 18 con bò do Hội CTĐ Pháp tài trợ cho người dân làng Cà Bưng (Canh Thuận, Vân Canh) đến nay đã tăng lên gấp đôi, giúp người dân công việc nhà nông. Cũng từ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đã có 500 người khuyết tật trong tỉnh được tặng xe lăn.

Và không chỉ kêu gọi giúp đỡ người trong tỉnh, Hội CTĐ tỉnh còn vận động quyên góp được hơn 1,1 tỉ đồng giúp người dân bị thiên tai ở Myanmar, Trung Quốc và Cuba.

 

Bếp ăn tình thương tại Trung tâm y tế huyện Phù Cát cung cấp suất ăn sáng miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

* Gây dựng niềm tin

Tính đến cuối tháng 10 này, tổng hiệu quả các mặt công tác xã hội mà Hội CTĐ tỉnh đạt được là 12,8 tỉ đồng (trong số 15,6 tỉ đồng tổng hiệu quả tất cả các mặt hoạt động). Để có được kết quả ấy, Hội CTĐ các cấp trong tỉnh đã nỗ lực hết mình với phương châm hướng về cơ sở, vì những người nghèo, khó khăn, hoạn nạn, bị thiên tai… Chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác nhân đạo, ông Đào Duy Chấp - Chủ tịch Hội CTĐ Bình Định - cho biết: “Chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo tỉnh. Về phía mình, Hội CTĐ tỉnh chủ động tham mưu và làm nòng cốt trong hoạt động nhân đạo xã hội. Chúng tôi luôn đưa hàng cứu trợ đến đúng đối tượng, công khai, kịp thời để tạo sự đồng thuận của người dân. Mặt khác, công tác truyền thông cũng được chú trọng nhằm đưa thông tin đến cả nhà hảo tâm lẫn người cần được giúp”.

Cách cụ thể mà Hội CTĐ tỉnh thực hiện là mỗi khi cần triển khai một chương trình, dự án hoặc cần tuyên truyền, phổ biến một chủ trương nào đó, Hội tổ chức làm điểm tại một cơ sở. Sau khi có kết quả, mô hình đó được nhân rộng. Đồng thời, Hội CTĐ tỉnh đúc kết kinh nghiệm và biên soạn các tài liệu hướng dẫn để các địa phương sau học tập làm theo. Đã có nhiều tài liệu như vậy được phổ biến cho cán bộ, hội viên và tình nguyện viên CTĐ, mang lại hiệu quả cao như: Xây dựng quỹ hội bằng phương pháp vận động, Nâng cao năng lực truyền thông, Vận động xây dựng hũ gạo tình thương…

Một cách ngắn gọn về cách làm của Hội CTĐ, ông Đào Duy Chấp đúc kết: “Nói theo kiểu trong kinh doanh thì chúng tôi phải xây dựng “thương hiệu” cho Hội CTĐ Bình Định. Tổ chức, cá nhân nào muốn hỗ trợ hoặc tài trợ dự án cho người nghèo thông qua Hội CTĐ cũng đều đã tham khảo, nắm bắt thông tin về Hội rồi nên mình phải làm tốt thì họ mới tin”.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các cơ quan chức năng nói gì ?  (22/11/2008)
Tôn vinh 52 tấm gương nhân ái  (22/11/2008)
Nhiều địa phương trong tỉnh còn bị ngập lụt  (22/11/2008)
UBND tỉnh chỉ đạo triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu  (21/11/2008)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị thanh Bình làm việc với Đoàn công tác của Cộng hoà Séc và Văn phòng Ban Chỉ đạo 33  (21/11/2008)
Khuyến khích “xóa mù bơi lội” cho học sinh  (21/11/2008)
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trợ chúc mừng các nhà giáo nhân ngày 20.11  (21/11/2008)
Dũng cảm cứu người bị nước lũ cuốn trôi  (21/11/2008)
Mưa lũ làm 2 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại 42 tỉ đồng  (21/11/2008)
Trao huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho đồng chí Nguyễn Xuân Dương  (21/11/2008)
Các sinh viên, giảng viên người nước ngoài nghĩ gì về ngày 20.11  (20/11/2008)
Góp phần nâng cao chất lượng sống của bà mẹ và trẻ em  (20/11/2008)
Chưa có bao giờ... ngập như năm nay!  (20/11/2008)
Sức trẻ ở một ngôi trường mới  (20/11/2008)
4 học sinh được nhận học bổng “Nữ sinh tài năng”  (20/11/2008)