Vì sao khó xử lý hình sự đối với tội phạm về môi trường
9:1', 27/8/ 2008 (GMT+7)

Trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều hành vi gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai… nhưng thực tế chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh có liên quan.

 

Vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhà máy sản xuất cồn tại xã Tây Giang (Tây Sơn) khiến hàng ngàn người dân phản ứng, nhưng không đủ yếu tố xử lý hình sự. Ảnh: N.D

 

Theo một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc không thể áp dụng Luật Hình sự để xử lý một số hành vi xâm phạm môi trường, là do những bất cập trong quy định cấu thành tội phạm về môi trường. Bất cập thể hiện ở chỗ, phải có đồng thời 3 yếu tố sau mới xử lý hình sự được: hành vi thải chất gây ô nhiễm môi trường trước đó đã bị xử phạt hành chính; người bị xử phạt hành chính cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục; do không thực hiện biện pháp khắc phục mà gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trước đây, trên địa bàn tỉnh từng xảy ra các vụ ô nhiễm môi trường nhưng cũng không thể xử lý hình sự, như Nhà máy Cồn Vạn Phát (phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn, sau chuyển lên xã Tây Giang, huyện Tây Sơn). Việc ô nhiễm này gây ảnh hưởng diện rộng cho không khí, nguồn nước; hàng ngàn người dân phản ứng kịch liệt. Thế nhưng, nhà máy không vi phạm yếu tố thứ hai (cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục), việc nhà máy khắc phục hậu quả ô nhiễm tuy không đạt yêu cầu nhưng không thể cho là cố tình không thực hiện.

Trong nhiều trường hợp khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm này gần như không thể bởi việc chờ cho đủ 3 yếu tố nói trên là rất khó khăn và nhiêu khê, nhất là việc xác định hậu quả về môi trường, định lượng hậu quả về môi trường. Có nhiều trường hợp hậu quả không xảy ra ngay mà phải sau một thời gian dài, có khi đến vài chục năm, đến lúc đó thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường đã hết. Mặt khác, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, mức phạt tiền quy định đối với các tội phạm về môi trường đã tỏ ra quá lạc hậu, không còn phù hợp để đủ sức răn đe, như mức phạt tiền nặng nhất hiện nay không quá 100 triệu đồng, trong khi đó có những hành vi bất chấp pháp luật để thu lợi bất chính gấp hàng chục lần.

Ngoài ra, trong thực tiễn đã nảy sinh một số loại vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường có khả năng gây hại rất lớn cho sức khỏe, tính mạng con người, cho sự phát triển cộng đồng và môi trường sinh thái trong thời điểm hiện tại, cũng như cho tương lai, nhưng hiện vẫn chưa được hình sự hóa các hành vi vi phạm này, như: Hành vi vi phạm các quy định về phòng ngừa sự cố môi trường; hành vi nhập khẩu, phát tán các loài động, thực vật ngoại lai xâm hại đến môi trường…, ví dụ nhập khẩu rác thải trái phép, nhập khẩu ốc bươu vàng…

Được biết, để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, vừa qua Chính phủ đã thẩm tra Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có các tội phạm về môi trường để trình Quốc hội phê duyệt, ban hành. Việc sửa đổi, bổ sung liên quan đến các tội phạm về môi trường lần này tập trung vào các điểm chính, gồm: Sửa đổi, bổ sung một số tội phạm về môi trường; bổ sung 3 tội mới về môi trường nhằm góp phần răn đe và giáo dục hành vi vi phạm về môi trường, như: Tội phạm về quản lý chất thải nguy hại, tội phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường, tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại; mức phạt tiền trong BLHS về tội phạm này sẽ được nâng lên gấp 10 lần so với điều luật cũ, mức phạt tiền cao nhất quy định tại khoản 1, Điều 185 được nâng từ 100 triệu đồng lên 1 tỉ đồng.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ly hôn khi đã “xế chiều”  (27/08/2008)
Trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho 3 chiến sĩ  (27/08/2008)
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận  (26/08/2008)
Hơn 296 tỉ đồng để kiên cố hóa trường lớp học  (26/08/2008)
154 hộ dân sống trong vùng bị thiên tai đe dọa được cấp đất  (26/08/2008)
70 hộ ngư dân được hỗ trợ 1,285 tỉ đồng  (26/08/2008)
Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động dinh dưỡng tại cộng đồng  (26/08/2008)
Thêm 4 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp  (26/08/2008)
Thành lập Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hoài Ân  (26/08/2008)
Truyền hình trực tiếp chương trình “Đường tới ước mơ”  (26/08/2008)
65 sinh viên nghèo được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”  (26/08/2008)
Tôn vinh 7 thủ khoa thi vào đại học  (25/08/2008)
Tham gia Chương trình học bổng Chevening tại Vương quốc Anh  (25/08/2008)
88,1% số học sinh lớp 12 đỗ đại học  (25/08/2008)
Tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9  (25/08/2008)