Sau hơn một năm Trung ương Đoàn cùng Bộ LĐ-TB-XH xây dựng, chỉnh sửa đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án này. Đây là bước khai thông, quyết định lập nghiệp cho thanh niên cả nước nói chung và thanh niên Bình Định nói riêng...
|
Với đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”, sau khi học xong nghề thanh niên được vay vốn để hành nghề. - Trong ảnh: Một lớp học sửa chữa xe máy tại Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề An Nhơn. Ảnh: N.Phúc
|
Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”, với 3 mục tiêu: nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về học nghề, lập nghiệp; tạo bước đột phá về tăng số lượng và nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, nhất là thanh niên; góp phần tăng cường đoàn kết tập hợp, đội ngũ thanh niên, xây dựng tổ chức đoàn-hội vững mạnh.
Theo ông Trần Hữu Hiệu, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề Thanh niên, với đề án này, từ nay đến năm 2010, Trung ương Đoàn sẽ đầu tư nâng cao năng lực và hiện đại hóa 10 trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề trọng điểm. Phấn đấu đến năm 2015 tập huấn cho 60.000 lượt cán bộ Đoàn các cấp về tư vấn học nghề, việc làm. Tỉ lệ thanh niên được tiếp cận thông tin tư vấn, giới thiệu việc làm đạt 50% vào năm 2010 đến năm 2015 đạt 75%. Mục tiêu cuối cùng là 100% thanh niên có nhu cầu lập doanh nghiệp được cung cấp kiến thức khởi sự doanh nghiệp. Điều đặc biệt, đề án này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho thanh niên, đó là vay vốn học nghề, xuất khẩu lao động, tự tạo việc làm. Với đề án này mỗi thanh niên được vay bình quân 800 ngàn đồng/tháng để học nghề, vay xuất khẩu lao động tối đa 60 triệu đồng/người, với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng. Ngoài ra, sau khi thanh niên ra nghề muốn vay vốn để mua sắm trang thiết bị, mở tiệm hành nghề cũng được giải quyết.
Ông Trần Hữu Hiệu cho biết: “Lâu nay, Trung ương, tỉnh cũng đã triển khai các chương trình cho thanh niên vay vốn học nghề, xuất khẩu lao động nhưng số tiền vay rất ít, đối tượng vay bị hạn chế chỉ tập trung thanh niên thuộc diện chính sách. Do đó, mỗi năm trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 20-30% thanh niên được tiếp cận vốn vay, trong khi thực tế nhu cầu rất lớn. Còn đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm” thì đối tượng vay được mở rộng cho tất cả thanh niên có nhu cầu, mỗi thanh niên được vay nhiều nguồn vốn khác nhau, thủ tục vay cũng đơn giản miễn là được cán bộ Đoàn cơ sở tư vấn, giới thiệu. Do đó, khi đề án đi vào thực tiễn sẽ giúp cho nhiều thanh niên có việc làm, thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.
|