CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO Ở VÙNG CAO:
Còn nhiều thách thức
9:54', 28/8/ 2008 (GMT+7)

Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những thành tựu lớn nhưng hiện tại đang đứng trước thách thức mới, đó là tỷ lệ hộ nghèo có chiều hướng gia tăng với số lượng hộ tái nghèo cao, nhất là ở 3 huyện vùng cao: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh...

 

Nhờ được quan tâm đầu tư nên các xã vùng cao có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng. - Trong ảnh: Cầu treo bắc qua làng 05, xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh. Ảnh: Văn Lưu

 

* Nỗ lực thoát nghèo

Trong những năm qua tỉnh đã dành nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo trên địa bàn, đặc biệt là các huyện vùng cao: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Nguồn lực của các chương trình, dự án và chính sách lồng ghép đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo trên địa bàn 3 huyện nghèo. Cụ thể, trong thời gian qua, từ các nguồn đã hỗ trợ tín dụng hộ nghèo hơn 40,4 tỉ đồng, với 26.326 lượt người vay vốn; hỗ trợ y tế hộ nghèo gần 2,3 tỉ đồng, với 40.533 lượt người được cấp thẻ BHYT; hỗ trợ giáo dục hơn 5,3 tỉ đồng, với 3.621 lượt học sinh được miễn, giảm học phí; hỗ trợ nhà ở hộ nghèo hơn 7,1 tỉ đồng cho 970 hộ; hỗ trợ gần 25 tỉ đồng xây dựng 30 công trình hạ tầng thiết yếu...

Nhờ có sự đầu tư đúng mức cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã vùng cao, vùng xa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa thông suốt, người nghèo tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật và mở mang dân trí. Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở; thực hiện chính sách miễn giảm thuế đất nông nghiệp cho hộ nghèo cũng được triển khai hiệu quả. Với nhiều chương trình lồng ghép, các hộ nghèo trong 3 huyện vùng cao: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh đã được hưởng lợi và yên tâm làm ăn để vươn lên. Từ đó, đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

* Còn nhiều thách thức

Theo số liệu thống kê tại thời điểm xây dựng kế hoạch giảm nghèo năm 2006-2010, số hộ nghèo trên địa bàn 3 huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh vẫn chiếm tỉ lệ cao, trên 50% so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, số đông hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo cao, nhất là khi thiên tai, lũ lụt xảy ra.

Trong khi đó, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một số chính quyền địa phương và người nghèo còn nặng, chưa có ý thức phấn đấu tự lực vươn lên để thoát nghèo. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, phát triển các vùng nguyên liệu trên địa bàn các huyện nghèo còn lúng túng. Một số doanh nghiệp được phân công trợ giúp các xã nghèo đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn 3 huyện nghèo chưa thật sự quan tâm đúng mức...

Để bảo đảm cho 3 huyện vùng cao: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh được giảm nghèo bền vững, tỉnh cũng đã kiến nghị với Chính phủ có cơ chế đầu tư riêng cho các huyện nghèo như phân cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản cho cấp huyện đối với những hạng mục công trình xây dựng trên địa bàn huyện và cấp xã đối với các hạng mục đầu tư trên địa bàn xã, để địa phương chủ động trong việc triển khai các hạng mục đầu tư trên địa bàn đạt hiệu quả. Ban hành cơ chế chính sách riêng, ưu đãi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư trên địa bàn các huyện nghèo. Tăng cường chính sách trợ cước, trợ giá, bao tiêu sản phẩm cho nông dân ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại còn khó khăn; đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Tăng mức cho vay và tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ có con là học sinh, sinh viên và hộ có nhu cầu sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm; có chính sách khoanh nợ, giãn nợ và xóa nợ đối với những hộ quá khó khăn và hộ bị thiên tai, dịch bệnh và có chính sách ưu đãi về lãi suất đối với hộ cận nghèo. Đồng thời có cơ chế tạo lập nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội ổn định, bền vững bằng nguồn vốn không lãi hoặc nguồn vốn lãi suất thấp để cho vay, tránh tình trạng thiếu vốn, bị đọng vốn...

Tuy nhiên, trên tất cả là người dân nghèo phải tự lực vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Bởi, tất cả sự hỗ trợ sẽ trở thành vô nghĩa nếu như người nghèo không xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm cơ hội cho thanh niên  (28/08/2008)
Bảo hiểm xã hội huyện, thành phố được in, cấp đổi thẻ BHYT lần hai  (28/08/2008)
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh  (28/08/2008)
Triển khai công tác Tháng An toàn giao thông  (28/08/2008)
Xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội  (28/08/2008)
198 suất quà tặng học sinh Quy Hòa  (27/08/2008)
Khen thưởng 26 học sinh giỏi quốc gia  (27/08/2008)
Trên 2,4 tỉ đồng đào tạo cử tuyển  (27/08/2008)
Vì sao khó xử lý hình sự đối với tội phạm về môi trường  (27/08/2008)
Ly hôn khi đã “xế chiều”  (27/08/2008)
Trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho 3 chiến sĩ  (27/08/2008)
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận  (26/08/2008)
Hơn 296 tỉ đồng để kiên cố hóa trường lớp học  (26/08/2008)
154 hộ dân sống trong vùng bị thiên tai đe dọa được cấp đất  (26/08/2008)
70 hộ ngư dân được hỗ trợ 1,285 tỉ đồng  (26/08/2008)